Ngực phì đại do rối loạn hormone Leave a comment

Hà NộiHoa 37 tuổi, biết phẫu thuật có nhiều rủi ro nhưng chẳng đáng sợ bằng việc mắc kẹt với bộ ngực nặng 2,5 kg hơn chục năm.

Chị nhớ ở tuổi dậy thì mình trông phổng phao, tròn trịa hơn các bạn đồng trang lứa. Trưởng thành, mang thai, ngực cô to lên rõ rệt, bị rạn với nhiều vết dài khoảng 10 cm. Ban đầu, chị nghĩ mình chửa ngực nên sinh xong sẽ hết, tuy nhiên sinh nở xong ngực càng to hơn. Hoa phải đeo nịt ngực để cố định, đi ngủ thường bị khó thở. Chị cũng thường xuyên tụt huyết áp, thiếu máu, từng đến nhiều cơ sở thẩm mỹ định giải phẫu ngực nhưng bị từ chối do “khổng lồ”, chi phí lại cao.

Mới đây, bé Ngân 12 tuổi, được người nhà đưa đến Bệnh viện Bạch Mai khám do ngực to bất thường: Hai bầu ngực to như đầu của một em bé, chảy xệ dài khoản 50 cm (tính từ vai) và nặng khoảng 6 kg. Trước đó, khi ngực bé có dấu hiệu lớn dần, gia đình nghĩ do dậy thì sớm. “Từ đứa trẻ năng động, thích tham gia hoạt động tập thể, con tôi bỗng thu mình, mặc cảm, thường mệt nhọc, khó thở do tuyến vú to đè ép ngực”, bố bệnh nhân cho biết.

Trả lời VnExpres, giáo sư Trần Thiết Sơn, khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết cả hai trường hợp trên đều mắc bệnh phì đại tuyến vú (Gynecomastia). Trong đó, trường hợp bé Ngân khó điều trị và là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất. Bệnh nhân đã khám nhiều bệnh viện nhưng không chẩn đoán ra bệnh, thời gian kéo dài khiến bệnh nặng hơn.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Việt Dung, phụ trách khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai, đánh giá bệnh của bé Ngân còn liên quan đến khối u phyllode nên phì đại phát triển nặng hơn.

Để điều trị, bác sĩ phải giải phẫu hai bên ngực và cân đo đong đếm để cắt ngực với khối lượng phù hợp. Sau mổ, bệnh nhân thường mất nhiều máu, phải kiểm soát trong 24 giờ kết hợp truyền dinh dưỡng bằng tĩnh mạch để nhanh chóng phục hồi.





Bác sĩ Sơn kiểm tra sức khỏe bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh: Thùy An

Bác sĩ Sơn kiểm tra sức khỏe bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh: Thùy An

Bệnh phì đại tuyến vú thường gặp ở người tuổi 18-20 hoặc sau khi sinh nở, có trường hợp phì đại và sa trễ nửa mét. Nguyên nhân chủ yếu do rối loạn hormone (thường có tính gia đình) hoặc bất thường khác. Bộ ngực lớn có thể gây cong vẹo cột sống, biến dạng cột sống, nhất là các đốt sống cổ, làm giảm lượng máu lên não… Người bị phì đại tuyến vú thường mang tâm lý mặc cảm, tự ti. Nhiều trẻ bỏ học, không dám đi học.

Trước đây, bệnh nhân ngực phì đại được áp dụng phương pháp phẫu thuật cổ điển Thorek, tức là bác sĩ cắt rời tuyến vú, lấy phần quầng và núm vú ghép lên trên để tạo hình thẩm mỹ. Phương pháp này đảm bảo về mặt thẩm mỹ song các ống tuyến bị cắt đứt lìa, dây thần kinh cảm giác cũng đứt nên bệnh nhân mất cảm giác, mất tuyến sữa, không thể cho con bú.

Hiện nay các bác sĩ áp dụng phương pháp mới, đầu tiên là siêu âm doppler để xác định mạch máu nuôi quầng núm vú, rồi lần theo đường đi của cuống nuôi để thiết kế vạt mang quầng núm vú. Sau khi cắt thu nhỏ tuyến vú, bác sĩ sẽ cuộn vạt lên để tạo hình bầu vú. Nhờ đó, về sau bệnh nhân vẫn cho con bú bình thường, đảm bảo hình thể tuyến vú, giữ nguyên cảm giác. “Kỹ thuật này sẽ giúp quầng núm vú có tỷ lệ sống cao, tỷ lệ rối loạn cảm giác rất thấp”, bác sĩ Sơn nói.

Bác sĩ khuyến cáo khi mắc chứng phì đại tuyến vú, người bệnh cần đến bệnh viện khám và được xử lý sớm.

Hiện, cả hai bệnh nhân đều phẫu thuật thành công. Bé gái đi học bình thường, còn chị Hoa thấy như được sống cuộc đời mới, nhẹ nhõm hơn.

*Tên nhân vật đã thay đổi

Thùy An

Trả lời