Ngưng thở khi ngủ có gây tử vong? Leave a comment

Ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như tim mạch, tiểu đường, đột quỵ, gián tiếp gây tử vong.

Ngưng thở khi ngủ là tình trạng bệnh lý khiến một người nào đó thở không liên tục trong khi ngủ. Loại phổ biến nhất là chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA), trong đó mô mềm ở phía sau cổ họng giãn ra chặn luồng không khí khi ngủ. Những gián đoạn này xảy ra suốt đêm, thường kéo dài từ 10 giây trở lên. Hiệp hội ngưng thở khi ngủ Mỹ ước tính nước này có khoảng 22 triệu người bị ngưng thở khi ngủ, trong đó nhiều người bị chứng ngưng thở khi ngủ không nhận thức được bất kỳ sự gián đoạn nào trong giấc ngủ của họ vào ban đêm, theo VerywellHealth.

Triệu chứng đầu tiên mà người ngưng thở khi ngủ nhận thấy là buồn ngủ quá mức kèm theo mệt mỏi vào ban ngày, cáu gắt, không tập trung, rối loạn chức năng tình dục, trầm cảm, lo lắng. Vào buổi tối người mắc ngưng thở khi ngủ sẽ ngáy to thường xuyên, thở hổn hển trong đêm, giấc ngủ không bình yên.





Ngưng thở khi ngủ khiến chất lượng cuộc sống suy giảm. Ảnh: Freepik

Ngưng thở khi ngủ khiến chất lượng cuộc sống suy giảm. Ảnh: Freepik

Người có nguy cơ cao mắc ngưng thở khi ngủ là người có thể trạng béo phì, chu vi cổ lớn, tiền sử gia đình có người mắc bệnh, đường thở nhỏ, phì amidan, đặc biệt ở trẻ em 6 tuổi. Ngoài ra những người sử dụng thuốc an thần, rượu, hút thuốc cũng thuộc người có nguy cơ cao mắc bệnh lý này.

Chứng ngưng thở khi ngủ không được điều trị dẫn đến các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng. Các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng đó bao gồm, bệnh mạch vành, đột quỵ, bệnh tiểu đường, thiếu máu cục bộ thoáng qua, suy tim, ngưng tim.

Bên cạnh đó, ngưng thở khi ngủ còn làm giảm chất lượng tổng thể của giấc ngủ, hạn chế lưu lượng oxy. Điều này khiến cơ thể luôn trong tình trạng căng thẳng, ảnh hưởng tiêu cực đến tim mạch và nhiều cơ quan khác.

Một đánh giá, phân tích tổng hợp có hệ thống năm 2021 cho thấy ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) có mối liên hệ với nguy cơ tử vong liên quan đến các bệnh tim mạch, đột quỵ. Những người bị OSA nặng có nguy cơ mắc bệnh tim, tử vong cao hơn những người bị OSA nhẹ hoặc trung bình. Nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng ngưng thở khi ngủ thường đi kèm với lượng đường trong máu cao, tăng huyết áp kháng điều trị (huyết áp cao), rung nhĩ tái phát. Thêm nữa, buồn ngủ quá mức vào ban ngày cũng có thể khiến những người bị chứng ngưng thở khi ngủ có nguy cơ bị tai nạn, chẳng hạn như ngủ gật khi đang lái xe hoặc vận hành máy móc.

Như vậy, nếu không được điều trị, chứng ngưng thở khi ngủ không gây tử vong trực tiếp nhưng chúng làm tăng nguy cơ mắc một số biến chứng sức khỏe nghiêm trọng có khả năng gây tử vong, chẳng hạn như bệnh tim, tiểu đường và đột quỵ. Very Well Health, cho biết một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy hơn 38.000 người dân nước này chết mỗi năm vì bệnh tim phức tạp do ngưng thở khi ngủ.

Các chuyên gia khuyến cáo, để kiểm soát tình trạng ngưng thở khi ngủ, bạn có thể thay đổi lối sống bằng cách ngủ ở một tư thế khác, chẳng hạn như nằm nghiêng thay vì nằm ngửa. Bạn cũng nên giảm cân nếu đang ở tình trạng thừa cân béo phì, bỏ thuốc lá, không uống rượu trước khi ngủ, không dùng thuốc an thần trừ khi được kê đơn. Trong trường hợp OSA nhẹ, những thay đổi này quyết định khá nhiều trong việc kiểm soát các triệu chứng. Tuy nhiên, trong những trường hợp các triệu chứng nghiêm trọng hơn như mệt mỏi không giải thích được, nhức đầu buổi sáng, khó đi vào giấc ngủ, đặc biệt là có cảm giác nghẹt thở… nên đến bệnh viện chuyên khoa để thăm khám, hướng điều trị phù hợp.

Anh Chi (Theo VeryWellHealth)

Trả lời