Người bệnh tiểu đường có nên ăn sữa chua? Leave a comment

Người bệnh tiểu đường có thể đưa sữa chua vào chế độ ăn uống lành mạnh nhưng cần tránh loại có đường, hàm lượng chất béo cao.

Sữa chua là nguồn cung cấp protein, canxi và vitamin D. Vi khuẩn có lợi trong sữa chua giúp giảm viêm. Những người bệnh tiểu đường tuýp hai thường có mức độ viêm nhiễm cao, nếu viêm kéo dài có thể làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch và đột quỵ. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người bệnh tiểu đường có thể ăn sữa chua trong chế độ ăn uống lành mạnh.

Tổng lượng calo trong một hộp sữa chua có thể dao động từ 100-230 kcal hoặc hơn (tùy thuộc vào hàm lượng chất béo và lượng đường). Nếu bạn ăn sữa chua như một bữa ăn nhẹ thì cố gắng duy trì khẩu phần khoảng 100-150 kcal.

Đại học Khoa học Y tế Isfahan (Iran) tiến hành nghiên cứu tác động của sữa chua chứa probiotic (lợi khuẩn) đối với người bệnh tiểu đường tuýp hai. Đối tượng tham gia chia 3 nhóm gồm: một nhóm ăn ít hơn 2/3 cốc sữa chua chứa probiotic mỗi ngày trong 8 tuần, nhóm khác tiêu thụ sữa chua với bí đỏ và nhóm còn lại không ăn sữa chua.

Kết quả cho thấy, người ăn sữa chua và sữa chua với bí đỏ có chỉ số huyết áp, đường huyết giảm đáng kể. Họ cũng có dấu hiệu viêm thấp hơn, giảm cholesterol xấu. Nhóm còn lại không có sự cải thiện đáng kể về bất kỳ dấu hiệu sức khỏe nào kể trên.





Sữa chua giúp giảm đường huyết, kiểm soát chứng viêm ở người bệnh tiểu đường. Ảnh: Freepik.

Sữa chua có thể làm giảm chỉ số đường huyết. Ảnh: Freepik.

Sữa chua nên chọn và nên hạn chế

Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA) khuyến nghị, người mắc bệnh tiểu đường nên bổ sung sữa chua vào chế độ ăn uống lành mạnh. Người bệnh nên chọn các loại được bổ sung các chế phẩm sinh học như sữa chua Hy Lạp (gấp đôi lượng protein sữa chua thông thường), sữa chua hữu cơ. Sữa chua không đường lactose, sữa chua thuần chay làm từ sữa các loại hạt (đậu nành, hạnh nhân, hạt điều) cũng có lợi.

Người bệnh có thể cân nhắc các sản phẩm sữa chua không hương vị và không có chất béo hoặc ít chất béo. Bạn có thể ăn sữa chua kèm với trái cây tươi, các loại hạt, granola (hỗn hợp gồm các loại hạt dinh dưỡng, trái cây khô, yến mạch…).

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị người trưởng thành ăn 3 đơn vị ăn sữa và chế phẩm sữa. Mức này tương đương 15 gram phô mai (một miếng phô mai), 100 ml sữa chua (một hộp sữa chua), 100 ml sữa dạng lỏng (một ly sữa nhỏ).

Mặc dù sữa chua chứa probiotic có lợi nhưng ăn quá nhiều sẽ làm tăng thêm calo và chất béo trong cơ thể. Sữa chua làm từ sữa nguyên chất chứa hàm lượng chất béo bão hòa và axit béo chuyển hóa cao; sữa chua có các thành phần bổ sung nên hạn chế. Bởi một số nhà sản xuất có thể thêm đường, muối vào để cải thiện hương vị.

Bạn có thể đưa sữa chua vào chế độ ăn lành mạnh thường ngày cùng với rau lá xanh đậm; khoai lang; trái cây họ cam quýt; quả mọng; các loại đậu, hạt; cá có nhiều axit béo omega-3.

Mai Cát
(Theo Medical News Today, Verywell Health)

Trả lời