Người bệnh tiểu đường có nên ăn táo không? Leave a comment

​​​​​Táo có tác động tương đối thấp đến lượng insulin và đường huyết, thích hợp cho người bệnh tiểu đường nhưng ăn ở mức độ vừa phải.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), táo chứa nhiều đường, một quả táo cỡ trung bình (khoảng 19 gram) có khoảng 25 gram carbs và 19 gram đường. Tuy nhiên, hầu hết đường trong táo là ở dạng fructose tự nhiên, có tác động đến cơ thể khác với các loại đường khác. Fructose khác với đường đã qua chế biến và tinh chế có trong thực phẩm đóng gói (chocolate, bánh quy…). Một nghiên cứu của Australia đăng trên Tạp chí Lâm sàng Mỹ cho thấy, thay thế glucose hoặc sucrose bằng đường fructose có thể làm lượng đường và insulin trong máu ít hơn sau bữa ăn.

Chất xơ trong táo cũng có thể làm chậm quá trình hấp thụ đường, giúp ngăn ngừa sự tăng đột biến của đường huyết và insulin. Táo có chỉ số đường huyết (GI) thấp, khoảng 36. Carbs từ thực phẩm có GI thấp đi vào máu chậm hơn, do đó, nguy cơ tăng đột biến đường huyết thấp hơn. Kết hợp táo hoặc trái cây với chất béo hoặc protein lành mạnh cũng có thể làm giảm mức tăng đột biến lượng đường trong máu và tạo cảm giác no lâu hơn. Tuy nhiên, người bệnh tiểu đường nên ăn loại quả này ở mức độ vừa phải.





Chất xơ trong táo làm chậm quá trình hấp thụ đường, giúp ngăn ngừa sự tăng đột biến đường huyết và insulin. Ảnh: Freepik.

Chất xơ trong táo làm chậm quá trình hấp thụ đường, giúp ngăn ngừa sự tăng đột biến đường huyết và insulin. Ảnh: Freepik.

Một nghiên cứu khác của Đại học bang California (Mỹ) cũng cho thấy, các quercetin (một sắc tố thuộc nhóm hợp chất flavonoid – chất chuyển hóa trung gian của thực vật) có trong táo giúp cải thiện mức đường huyết. Ăn táo có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, là lựa chọn món ăn nhanh tốt giữa các bữa.

Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA) khuyến nghị, ngoài táo, người bệnh tiểu đường có thể ăn trái cây có GI thấp đến trung bình với lượng vừa phải, miễn là không bị dị ứng. Một số trái cây có GI thấp như bơ, xoài, đu đủ, kiwi, họ cam quýt, họ dưa, quả hạch (mơ, mận, đào), chuối (tùy độ chín mà có GI từ thấp đến trung bình).

Bạn cũng có thể ăn một số quả mọng như dây tây, mâm xôi, nho, việt quất, anh đào (chứa quercetin giống táo giúp cải thiện mức đường huyết). Những quả mọng này có lượng đường thấp hơn một số loại quả khác, nhiều chất chống oxy hóa, flavonoid và chất dinh dưỡng tự nhiên tăng cường hệ miễn dịch và sức khỏe tổng thể.

Người bệnh có thể uống nước ép trái cây tươi nguyên chất. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mức độ đường glucose trong máu mà mỗi người cần hạn chế lượng tiêu thụ. Vì nước ép trái cây có thể chứa hàm lượng đường cao hơn và ít chất xơ hơn trái cây tươi nguyên quả. Điều này có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến.

Chế độ ăn uống đa dạng gồm rau và nhiều trái cây tốt cho tất cả mọi người, nhất là người mắc bệnh tiểu đường hoặc người có nguy cơ cao mắc bệnh này. Ăn trái cây ở dạng tươi, nguyên trái mang lại nhiều lợi ích sức khỏe hơn vì chế biến có thể làm giảm hàm lượng chất xơ, chất chống oxy hóa và các chất dinh dưỡng khác.

Mai Cát
(Theo Medical News Today)

Trả lời