​Người có hệ miễn dịch suy yếu dễ bị viêm phổi Covid-19 Leave a comment

Người lớn tuổi, người có hệ miễn dịch yếu vì hút thuốc, đang điều trị ung thư, sử dụng các loại thuốc điều trị… dễ bị viêm phổi Covid.

Viêm phổi Covid là hệ quả của cuộc tấn công bởi virus SARS-CoV-2, có thể gây nhiễm trùng cả hai phổi và dẫn đến tử vong. Thông thường, oxy vào phổi sẽ đi vào máu bên trong các phế nang, các túi khí nhỏ trong phổi. Tuy nhiên, nhiễm SARS-CoV-2 có thể làm tổn thương phế nang và các mô xung quanh. Hơn nữa, khi hệ thống miễn dịch chống lại virus, tình trạng viêm có thể khiến chất lỏng và tế bào chết tích tụ trong phổi. Những yếu tố này cản trở việc vận chuyển oxy, dẫn đến các triệu chứng như ho và khó thở.

Các triệu chứng khác nhau được thấy trong bệnh viêm phổi Covid-19 gồm: ho khan hoặc ho có đờm đặc, thở khó khăn, tim đập loạn nhịp, tăng nhiệt độ cơ thể, đổ mồ hôi, rùng mình, ăn mất ngon, tức ngực, ho ra máu, mệt mỏi, đau đầu, thở khò khè. Ngoài ra, một số triệu chứng khác cũng có thể xuất hiện cùng với những triệu chứng này, tùy thuộc vào những biến chứng sức khỏe khác mà bệnh nhân đang gặp phải. Bên cạnh đó, cường độ của các triệu chứng ở mỗi người cũng khác nhau.





Virus SARS-CoV-2 tấn công vào phổi gây khó thở, ho. Ảnh: Freepik

Virus SARS-CoV-2 tấn công vào phổi gây khó thở, ho. Ảnh: Freepik

“Bệnh viêm phổi Covid lây lan như cháy rừng, tồn tại trong phổi lâu hơn và gây hại nhiều hơn. Do đó, cần hiểu rõ các triệu chứng khác nhau liên quan đến viêm phổi Covid để đảm bảo bệnh được chẩn đoán sớm và bệnh nhân nhận được hỗ trợ y tế kịp thời”, các chuyên gia tại John Hopkins Medicine cho biết.

Viêm phổi Covid thường xảy ra ở cả hai phổi. Những người gặp tình trạng này cũng có thể phát triển hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS), một loại suy hô hấp tiến triển xảy ra khi các túi khí trong phổi chứa đầy chất lỏng. Nhiều người bị ARDS cần thở máy.

Người lớn tuổi có nguy cơ bị viêm phổi Covid cao hơn, đặc biệt là những người trên 80 tuổi. Nhóm người này có hệ thống miễn dịch yếu, dễ bị Covid nghiêm trọng. Theo các nghiên cứu, gần 15% các trường hợp Covid chuyển biến nghiêm trọng, đặc biệt là những người hút thuốc, người đang điều trị ung thư, bị AIDS và những người đang sử dụng thuốc có xu hướng tổn hại hệ thống miễn dịch.

Hiện nay, công nghệ hình ảnh như chụp X-quang hoặc CT scan có thể giúp chẩn đoán viêm phổi Covid. Các xét nghiệm thông qua mẫu máu cũng có thể hữu ích trong việc đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh. Một nghiên cứu cho thấy 66 trong số 70 người bị viêm phổi Covid-19 vẫn có các tổn thương phổi có thể nhìn thấy bằng chụp CT sau thời gian điều trị trong bệnh viện. Nếu bị viêm phổi nặng hoặc ARDS, người bệnh có thể bị sẹo phổi lâu dài.

Để ngăn ngừa viêm phổi do Covid-19, mỗi người cần thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm trùng, như rửa tay thường xuyên, khử khuẩn. Việc duy trì các thói quen ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, hạn chế viêm phổi. Ngoài ra, mỗi người cần kiểm soát tình trạng sức khỏe của bản thân và cẩn thận theo dõi các triệu chứng khi mắc Covid-19 để kịp thời nhận tư vấn từ chuyên gia nếu có các dấu hiệu bất thường.

Khả Tú (theo Healthline)

Trả lời