Người trẻ mắc Covid-19 nhẹ cũng có thể bị ảnh hưởng tim mạch Leave a comment

BrazilCovid-19 có thể gây các vấn đề tim mạch như rối loạn nhịp tim, kể cả với người mắc thể nhẹ.

Covid-19 ảnh hưởng tới hệ tim mạch của không chỉ người lớn tuổi, người có bệnh lý nền mà còn cả những người trẻ. Một nghiên cứu mới từ Đại học São Paulo State (UNESP) ở Brazil chỉ ra rằng, những người mắc Covid-19 nhẹ đến trung bình có khả năng bị gián đoạn hoạt động cân bằng quan trọng của hệ thần kinh thực vật. Loại virus này có thể âm thầm gây ra các vấn đề về tim mạch mà mãi đến sau này mới phát hiện được.

Giáo sư Fábio Santos de Lira của UNESP giải thích, hệ thần kinh thực vật (Autonomic Nervous System, ANS) còn được gọi là hệ thần kinh tự chủ là một hệ thống kiểm soát hoạt động vô thức và điều chỉnh các chức năng của cơ thể như nhịp tim, tiêu hóa, hô hấp, phản ứng con người, tiểu tiện và kích thích tình dục. Hệ thống thần kinh tự chủ có hai nhánh gồm: hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh đối giao cảm. Hệ thống thần kinh giao cảm thường được coi là hệ thống “chiến đấu hay chạy”, trong khi hệ thống thần kinh đối giao cảm là “nghỉ ngơi và tiêu hóa” hoặc “ăn uống và sinh đẻ”.

Hệ thống thần kinh giao cảm chịu trách nhiệm về phản ứng của cơ thể đối với căng thẳng, nguy hiểm và nỗ lực cao độ. Trong trường hợp của tim, nó đẩy nhịp tim tăng lên nhưng sự gia tăng này được giữ ở ranh giới chấp nhận được bởi hệ thống thần kinh phó giao cảm quản lý các chức năng hàng ngày của cơ thể như tiêu hóa, nghỉ ngơi, nạp năng lượng.

“Hệ thống thần kinh tự chủ kiểm soát nhịp tim – hoạt động của hệ thần kinh giao cảm duy trì nhịp tim cao hơn và hoạt động đối giao cảm làm giảm nhịp tim. Tình trạng này sau này có thể dẫn đến rối loạn chức năng tim như rối loạn nhịp tim”, Giáo sư Lira nói.





[Caption]. Ảnh: The Institute for Homoeopathic Medicine

Hệ thống thần kinh tự chủ giúp kiểm soát nhịp tim của con người. Ảnh: The Institute for Homoeopathic Medicine

Khi nghiên cứu khoảng 232.000 cư dân tại thị trấn Presidente Prudent, có 39.049 trường hợp nhiễm Covid-19 vào tháng 2/2022 và 982 trường hợp tử vong. Các nhà nghiên cứu tuyển chọn những người tham gia là nam và nữ tuổi từ 20 đến 40 có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 thông qua xét nghiệm PCR trong vòng 15 đến 180 ngày trước khi bắt đầu phân tích. Sau khi loại trừ những cá nhân mắc bệnh mãn tính không lây nhiễm, có tiền sử hút thuốc, sử dụng ma túy và dùng thuốc chống viêm hoặc kháng sinh được biết là có ảnh hưởng đến hệ thần kinh thực vật (ANS), nhóm cuối cùng bao gồm 9 phụ nữ và 11 nam giới.

Để đánh giá hoạt động ANS của họ, các nhà nghiên cứu đã đo sự thay đổi nhịp tim (HRV) của những người tham gia. Giáo sư Lira giải thích: “Hình thức đơn giản nhất để đánh giá là sự thay đổi nhịp tim và có thể quan sát qua phần mềm. Nếu HRV quá cao, ANS không hoạt động trơn tru, các bên giao cảm và phó giao cảm sẽ xung đột”.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu nhận thấy việc duy trì chỉ số BMI lành mạnh và lối sống tích cực về thể chất dường như giúp giữ ANS ở trạng thái cân bằng thích hợp. Bởi ngay cả khi mắc Covid-19 ở mức độ nhẹ đến trung bình, hoạt động giao cảm tăng lên trong khi hoạt động đối giao cảm giảm đi rõ rệt ở những người thừa cân hoặc béo phì.

Tập thể dục thúc đẩy sự thích ứng tích cực của các thông số HRV ở cả đối tượng cần kiểm soát và bệnh nhân mắc nhiều loại bệnh. Giáo sư Lira khuyến nghị mọi người cần thực hiện một lối sống lành mạnh để làm giảm tác động của Covid-19. Ông giải thích: “Mô mỡ thừa có liên quan đến một số bệnh, ngoài bệnh béo phì, còn có bệnh tiểu đường loại 2, rối loạn lipid máu, gan nhiễm mỡ, ung thư, suy thận… Do đó, lối sống ít vận động tạo điều kiện cho việc tăng mỡ trong cơ thể, dễ gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng béo phì”.

Vì vậy, điều quan trọng là duy trì trọng lượng cơ thể, đặc biệt là lượng mỡ thấp, BMI dao động trong khoảng 18 – 24,99, cũng như cần giữ thói quen hoạt động thể chất như: đi bộ, đạp xe, bơi lội, chạy, đi dạo… Lối sống này sẽ hỗ trợ mọi người giảm thiểu hậu quả của Covid-19.

Hải My (Theo Medical News Today)

Trả lời