Nguy cơ nhiễm trùng máu do đắp lá chữa bỏng Leave a comment

Hà NộiBé gái 18 tháng tuổi bị bỏng nước sôi, gia đình nghe lời thầy lang đắp thuốc nam, sau đó vết thương phồng rộp, nguy cơ cao nhiễm trùng huyết.

Người nhà cho biết biết bé gái đang chơi đùa không may làm đổ cốc nước sôi, khiến vùng ngực bỏng nặng. Gia đình không đưa vào bệnh viện mà đến thầy lang để đắp thuốc nam, theo mách bảo của người quen, song không rõ thuốc gì. Bốn ngày sau, trẻ sốt cao, vết bỏng rộp lớn, người mẹ đưa con đến bệnh viện Nhi trung ương kiểm tra.

Lúc này, thương tích của bé đã rất nặng. Bác sĩ xác định bệnh nhi bị bỏng độ ba, nhiễm trùng tại chỗ, phồng rộp, nguy cơ cao nhiễm trùng huyết. Hiện bé điều trị ở bệnh viện, nửa người băng kín do bỏng.

Ngày 15/7, bác sĩ Phùng Công Sáng, Phụ trách Đơn vị Bỏng, Phó Trưởng khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết đắp lá cây chưa được kiểm chứng và không đảm bảo vô trùng. Việc đắp lá vào vết thương, vết bỏng là rất nguy hiểm, có thể khiến tổn thương nặng thêm, viêm nhiễm lan rộng hoặc từ không nhiễm trùng thành nhiễm trùng. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, gây ra các biến chứng như viêm mủ màng tim, màng não, viêm mủ màng phổi, áp-xe phổi, viêm xương tủy xương, thậm chí tử vong hoặc di chứng suốt đời.

Theo bác sĩ Sáng, da trẻ em mỏng và liên kết giữa các lớp lỏng lẻo hơn người lớn nên vết bỏng thường nặng và sâu hơn. Đặc biệt, trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, hệ miễn dịch còn yếu nên nguy cơ nhiễm trùng vùng bỏng cũng như sốc bỏng cao hơn dù diện tích bỏng không lớn. Do đó, khi trẻ bị bỏng cần được sơ cứu sớm và đúng cách.

Nếu trẻ bỏng do nước sôi, bỏng hơi, cháo, gia đình cần ngâm bộ phận bị bỏng vào trong nước sạch, mát (từ 16 đến 20 độ C, tốt nhất trong 30 phút đầu sau khi bị bỏng). Nếu trẻ bị bỏng vùng mặt thì dùng khăn ướt mềm đắp vào mặt. Khi trẻ bị bỏng điện, bạn cần nhanh chóng tách nạn nhân với nguồn điện và đưa người bệnh đến nơi thoáng mát để đánh giá hô hấp tuần hoàn. Nếu trẻ ngừng tuần hoàn thì ép tim ngoài lồng ngực đúng cách đồng thời gọi y tế hỗ trợ.

Trường hợp trẻ bị bỏng hóa chất, bạn cần rửa vùng bị bỏng bằng nước sạch càng nhiều càng tốt. Cắt, xé bỏ quần áo dính hóa chất để không làm bong trợt da.

Gia đình không nên cho trẻ chơi đùa ở nơi đang nấu ăn hoặc các nơi gần nguồn điện, dây dẫn điện, ổ cắm điện. Thức ăn, đồ uống nóng, các vật dễ cháy nổ như xăng, dầu, cồn, diêm quẹt… phải để nơi an toàn và tránh xa tầm tay của trẻ.

Không nên đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống để tránh các nhầm lẫn. Không để chung thuốc uống với những thuốc khử khuẩn.

Gia đình và người trông nên học kỹ thuật sơ cứu để hạn chế tổn thương cho trẻ khi không may bị các tai nạn sinh hoạt.

Thùy An

Trả lời