Nguy cơ ung thư cổ tử cung dù không quan hệ tình dục Leave a comment

Ung thư cổ tử cung thường do HPV gây ra nhưng người dù chưa quan hệ tình dục vẫn có nguy cơ mắc bệnh do hút thuốc, miễn dịch suy yếu.

Ung thư cổ tử cung phổ biến ở phụ nữ, thường do HPV – một loại virus lây truyền qua đường tình dục. HPV có thể tự biến mất mà không gây ra vấn đề gì. Trong một số trường hợp nó gây ra các triệu chứng giống như mụn cóc sinh dục hoặc các khối u lành tính và ung thư cổ tử cung.

Đa số các trường hợp mắc ung thư cổ tử cung có nguyên nhân từ nhiễm HPV. HPV có thể sống ở nhiều vùng trên cơ thể hơn là bộ phận sinh dục, đôi khi chúng xuất hiện ở hậu môn, miệng và cổ họng. Do đó, việc tiếp xúc da kề da, chẳng hạn như khi quan hệ tình dục bằng miệng cũng có thể lây nhiễm virus.

Tuy nhiên, tình dục không phải là con đường duy nhất để truyền căn bệnh. Phụ nữ vẫn có nguy cơ ung thư cổ tử cung do một số yếu tố khác như hút thuốc, hệ thống miễn dịch suy yếu… Theo nghiên cứu trên 7.130 của các nhà khoa học Trung Quốc năm 2018 đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Ung thư và Điều trị Ung thư (Ấn Độ), phụ nữ hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao gấp đôi so với những người không hút thuốc. Nghiên cứu cho thấy, các sản phẩm phụ của thuốc lá có thể làm hỏng DNA của các tế bào cổ tử cung.

Ung thư cổ tử cung có thể xảy ra ở những người có hệ thống miễn dịch suy yếu do HIV, ung thư, hóa trị hoặc thuốc ức chế miễn dịch, cấy ghép nội tạng… Khi hệ thống miễn dịch suy yếu có thể ảnh hưởng đến khả năng cơ thể chống lại virus, tế bào ung thư và sự phát triển của khối u.

Không phải lúc nào HPV cũng gây ra các triệu chứng rõ ràng như mụn cóc. Nó có thể tồn tại trong cơ thể trong nhiều năm và sau đó phát triển thành các tế bào bất thường trên cổ tử cung. Các tế bào bất thường này có thể trở thành ung thư.





Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Ảnh: Freepik

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Ảnh: Freepik

Cách phát hiện và phòng ngừa ung thư cổ tử cung

Người có quan hệ tình dục có thể nhiễm HPV vào một thời điểm nào đó trong đời nếu họ không chủng ngừa. Người từ 26 tuổi trở xuống có thể chủng ngừa theo khuyến cáo của bác sĩ. Ngoài tiêm vaccine, bạn có thể giúp giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung bằng cách không hút thuốc lá, bỏ thuốc lá. Nếu bạn đang hút thuốc có thể nói chuyện với bác sĩ để có kế hoạch cai thuốc nhằm giảm nguy cơ ung thư. Khi quan hệ tình dục, bạn nên mang bao cao su vì chúng đóng vai trò như “rào chắn” góp phần bảo vệ trước tình trạng lây nhiễm HPV.

Phụ nữ bất kể tiền sử tình dục đều được khuyên thực hiện xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung Pap (Pap smear) trước tuổi 21. Những người dưới 21 tuổi có thể không cần xét nghiệm Pap. Xét nghiệm Pap cũng có thể chẩn đoán các tình trạng lành tính như nhiễm trùng và viêm cổ tử cung. Xét nghiệm không xâm lấn và không gây đau đớn, chỉ trong khoảng vài phút.

Ngoài xét nghiệm Pap, xét nghiệm HPV cũng là công cụ tầm soát quan trọng khác đối với ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm này cho phép bác sĩ tìm kiếm virus HPV trong các tế bào cổ tử cung. HPV có thể được phát hiện khoảng một năm sau khi nhiễm trùng ở cổ tử cung.

Trong khi xét nghiệm Pap chỉ có thể phát hiện các tế bào bất thường khi chúng đã hình thành, xét nghiệm HPV có thể phát hiện nhiễm trùng trước khi phát triển bất kỳ thay đổi tế bào tiền ung thư nào. Bằng cách này, bạn và bác sĩ có thể theo dõi cổ tử cung để tìm các dấu hiệu phát triển ung thư. Vì vậy, ngay cả khi hiện tại bạn không quan hệ tình dục nhưng nếu trước đó từng có thì xét nghiệm HPV sẽ là công cụ sàng lọc hữu ích để loại trừ sự hiện diện của HPV trong các tế bào cổ tử cung.

Xét nghiệm HPV có thể được thực hiện đơn lẻ hoặc đồng thời với xét nghiệm Pap. Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo phụ nữ từ 25 đến 65 tuổi nên thực hiện xét nghiệm HPV 5 năm một lần; có thể kết hợp xét nghiệm HPV với Pap 5 năm một lần hoặc chỉ xét nghiệm Pap 3 năm một lần.

Kim Uyên
(Theo Verywell Health)

Trả lời