Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ngáy ngủ Leave a comment

Nghẹt mũi, nằm ngửa khi ngủ và béo phì là một trong những nguyên nhân khiến cơ thể rơi vào trạng thái ngủ ngáy.

Theo Quỹ Nghiên cứu Giấc ngủ Mỹ, có khoảng 57% nam giới và 40% nữ giới rơi vào trạng thái ngáy khi ngủ. Tình trạng này xảy ra khi lượng không khí không thể lưu thông tự do qua đường thở trong lúc ngủ. Khi đường thở bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn một phần, việc thở sẽ khiến các mô của đường hô hấp trên rung động, dẫn đến phát ra âm thanh. Ngoài hội chứng ngưng thở khi ngủ, tình trạng ngủ ngáy còn do những nguyên nhân sau đây:

Hút thuốc lá

Hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ gây ra chứng ngủ ngáy. Theo các nhà khoa học, tình trạng viêm đường hô hấp trên và phù nề ở những người hút thuốc lá là nguyên nhân khiến họ ngáy khi ngủ.

Nghẹt mũi mạn tính

Nghẹt mũi phần lớn do dị ứng, nhiễm trùng, hiện tượng không khí khô hoặc tình trạng lệch vách ngăn gây ra. Nếu không sớm chữa trị, bệnh sẽ tiến triển thành nghẹt mũi mạn tính khiến luồng không khí vào bên trong cơ thể bị giảm đi; từ đó gây xẹp đường thở và phát ra âm thanh. Theo một nghiên cứu ở độ tuổi trung niên cho thấy, phần lớn những người bị nghẹt mũi vào ban đêm sẽ có nguy cơ cơ ngủ ngáy cao gấp ba lần so với người thở bình thường.

Vị trí ngủ

Cơn ngáy có thể xảy ra thường xuyên hơn khi nằm ngửa. Theo các nhà khoa học, tư thế nằm ngửa sẽ kéo các mô xung quanh đường thở xuống dưới và làm cho đường thở trở nên hẹp hơn. Để chứng minh luận điểm này, các nhà khoa học đã nghiên cứu tư thế của người ngủ ngáy. Kết quả cho thấy, tần suất và cường độ của tiếng ngáy sẽ giảm đi nếu người bệnh ngủ trong tư thế nằm nghiêng.





Khi đường thở bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn sẽ dẫn đến hiện tượng ngáy khi ngủ. Ảnh: Freepik

Khi đường thở bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn sẽ dẫn đến hiện tượng ngáy khi ngủ. Ảnh: Freepik

Thừa cân

Những người thừa cân thường có trọng lượng mỡ phân bố nhiều ở khu vực đường hô hấp trên và dẫn tới hẹp đường thở khi ngủ. Ngoài ra, lượng mỡ tập trung tại vùng ngực và bụng cũng là nguyên nhân làm giảm dung tích phổi và làm tăng nhu cầu oxy. Theo một nghiên cứu cho thấy, nếu giảm 3 kg sẽ giúp ích rất nhiều cho hệ hô hấp và góp phần loại bỏ chứng ngáy ngủ.

Lão hóa

Tuổi già có liên quan đến một số thay đổi về giấc ngủ, bao gồm cả việc gia tăng ngáy ngủ. Theo Quỹ Nghiên cứu Giấc ngủ Mỹ, lưỡi và các cơ bao quanh đường thở có thể trở nên yếu đi khi tuổi tác tăng cao. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người lớn tuổi nên tập luyện các bài tập như lưỡi chạm mũi, nâng vòm miệng mềm, căng hàm,… để giảm chứng ngáy do cơ yếu gây ra.

Suy giáp

Suy giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động kém hiệu quả và không sản xuất đủ hormone tuyến giáp. Nếu không được điều trị sẽ khiến mặt sưng húp, giọng nói khàn, chậm nói và nhịp tim chậm. Ngoài các triệu chứng này, suy giáp cũng có thể góp phần gây ra chứng ngủ ngáy. Theo một nghiên cứu ở 20 bệnh nhân suy giáp cho thấy những người này đều rơi vào tình trạng ngáy to khi ngủ. Để điều trị, người bệnh có thể dùng thuốc thay thế lượng hormone tuyến giáp bị thiếu hụt.

Huyền My (Theo Sleep Foundation)

Trả lời

2.4631