Nguyên nhân gây đau háng ở phụ nữ Leave a comment

Phụ nữ hay bị đau háng trong các trường hợp căng cơ háng, mang thai, hoặc do bệnh lý như u nang buồng trứng, sỏi thận…

Đau háng khá phổ biến ở phụ nữ và do nhiều nguyên nhân như cơ bị kéo căng, nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm xương khớp. Trong một số trường hợp, đau háng xảy ra khi phụ nữ mang thai.

Đau háng thường ảnh hưởng đến phụ nữ ở một giai đoạn nhất định trong đời. Đa phần cơn đau háng sẽ tự khỏi nhưng cũng có nhiều trường hợp đau háng kéo dài ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và gây suy nhược cơ thể.

Căng cơ háng

Một trong những nguyên nhân gây đau háng phổ biến nhất là căng cơ háng. Căng cơ xảy ra khi cơ bị căng quá mức, bị rách một phần hoặc rách hoàn toàn một nhóm cơ dẫn ở bên trong đùi. Loại chấn thương này thường xảy ra khi chơi một môn thể thao hoặc bài tập liên quan đến chạy, nhảy… Ngoài cơn đau ở háng, căng cơ háng làm phụ nữ khó nhấc chân lên khi di chuyển gây ảnh hưởng lên cả 2 chân. Hầu hết các chấn thương do căng cơ háng sẽ tự lành nếu vết thương nhẹ.

Thoát vị thể thao

Trong một số trường hợp, cơn đau ở háng của phụ nữ có thể do một tình trạng gọi là thoát vị thể thao gây ra. Thoát vị thể thao nằm trong nhóm cơn đau do căng hoặc bong gân dây chằng, cơ, gân ở vùng bụng dưới và vùng bẹn.

Thoát vị thể thao xảy ra khi chơi các hoạt động như khúc côn cầu, bóng đá. Đau háng ở phụ nữ trong trường hợp này liên quan đến đau xương mu khi chơi thể thao. Thoát vị thể thao nếu không được điều trị có thể dẫn đến thoát vị gián đoạn.





Đau háng xảy ra do nhiều nguyên nhân. Ảnh: Freepik

Đau háng xảy ra do nhiều nguyên nhân. Ảnh: Freepik

Gãy xương hông

Phụ nữ trung niên trở lên, đặc biệt là những người đã trải qua thời kỳ mãn kinh có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao. Tình trạng này gây giảm mật độ xương trên toàn cơ thể, khiến phụ nữ có nguy cơ cao bị gãy xương. Một trong những vị trí phổ biến nhất dễ bị gãy xương là hông. Gãy xương ở khu vực này thường ảnh hưởng đến xương đùi ở khu vực ngay dưới chỏm xương đùi. Gãy xương hông có thể xảy ra ngay cả sau một cú ngã hoặc chấn thương nhỏ. Trong một số trường hợp, xương giòn đến mức chỉ cần đứng hoặc đi cũng có thể bị gãy.

Gãy xương hông thường dẫn đến đau tức thì, đau buốt ở vùng bẹn hoặc đùi trên, đau háng. Cơn đau tột độ này thường khiến bạn gần như không thể chịu được sức nặng trên chân.

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua niệu đạo gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhiễm trùng đường tiết niệu hay xảy ra ở phụ nữ do phụ nữ có niệu đạo ngắn hơn nam giới, phụ nữ đang mang thai và trải qua thời kỳ mãn kinh…

Nhiễm trùng đường tiết niệu gây ra cảm giác chuột rút ở háng hoặc phần dưới dạ dày, với các triệu chứng như nóng rát khi đi tiểu, đi tiểu thường xuyên, có máu trong nước tiểu.

Hạch bạch huyết mở rộng

Phụ nữ khi bị đau háng cũng có thể do các hạch huyết mở rộng. Trên khắp cơ thể của phụ nữ thường có một loạt các nốt hình hạt đậu được gọi là các hạch bạch huyết tạo thành hệ thống bạch huyết. Mạng lưới phức hợp này giúp vận chuyển chất dinh dưỡng và chất thải trong dịch bạch huyết giữa mô của cơ thể và máu. Đôi khi, tình trạng nhiễm trùng hoặc chấn thương trên cơ thể khiến các hạch bạch huyết bị sưng và đau khi chạm vào.

Một vị trí thường xuyên bị nổi hạch bạch huyết là bẹn. Các nốt ở vùng bẹn phát triển về kích thước do chấn thương hoặc nhiễm trùng ở bàn chân, cẳng chân, bạn, âm đạo của phụ nữ và gây đau háng.

Sỏi thận

Sỏi thận là một khối nhỏ có cấu trúc giống như tinh thể, bắt nguồn từ thận. Sỏi thận đôi khi đi từ thận đến bàng quang qua một ống gọi là niệu quản. Do niệu quản khá hẹp, các cạnh sắc của sỏi có thể cọ vào thành ống và gây đau rát vùng bẹn, âm đạo. Đau nhói ở bụng hoặc ở một bên lưng có thể xảy ra trong trường hợp này. Cơn đau dữ dội do sỏi thận có thể xuất hiện rồi sau đó biến mất nhưng cơn đau thường đi kèm với tình trạng tiểu ra máu.

U nang buồng trứng

U nang buồng trứng là những túi chứa đầy chất lỏng nằm trên buồng trứng của phụ nữ. U nang thường không gây ra triệu chứng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chúng có thể gây đau ở vùng bụng dưới hoặc vùng bẹn. Cơn đau này thường chỉ ở một bên và có thể đau buốt hoặc âm ỉ kèm theo dấu hiệu khác như bụng phình to, táo bón, nôn mửa, kinh nguyệt bất thường.

Rối loạn chức năng sàn chậu

Sàn chậu là một nhóm cơ ở đáy xương chậu giúp hỗ trợ các cơ quan trong khu vực như tử cung và âm đạo. Những cơ này cũng đóng một vai trò trong chức năng ruột, bàng quang và tình dục của phụ nữ. Rối loạn chức năng sàn chậu xảy ra khi các cơ này không phối hợp với nhau theo nhiệm vụ vốn có. Rối loạn chức năng sàn chậu dẫn đến đau háng, bộ phận sinh dục, trực tràng hoặc lưng dưới.

Mang thai

Phụ nữ mang thai đa số bị đau háng, do đau dây chằng tròn. Dây chằng tròn là một cấu trúc hỗ trợ kéo dài từ tử cung của phụ nữ đến vùng bẹn. Khi mang thai, tử cung của phụ nữ mở rộng, dây chằng sẽ giãn ra và trở nên dày hơn để nâng đỡ khối thai. Sự giãn nở dây chằng này có thể gây ra cảm giác đau nhói ở háng hoặc vùng bụng dưới. Cơn đau có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên cơ thể. Đau nhất khi đứng lên và xuống khỏi ghế, lên xuống giường, hắt hơi hoặc ho…

Đau dây chằng tròn thường thuyên giảm khi nghỉ ngơi (nằm nghiêng với hông cong). Đôi khi, bác sĩ sản phụ khoa cũng có thể đề nghị chườm nóng hoặc uống thuốc giảm đau.

Anh Chi (Theo Very Well Health)

Trả lời

1.4747