Nguyên nhân khiến dân văn phòng dễ bị rối loạn cơ xương Leave a comment

Ngồi sai tư thế, gõ máy tính nhiều, ít vận động hoặc làm việc nặng… là những yếu tố khiến người làm văn phòng dễ bị rối loạn cơ xương.

Rối loạn cơ xương là tình trạng các cơ, dây thần kinh, gân, khớp, sụn, cột sống bị chấn thương. Người bệnh có thể cảm thấy đau nhức suốt nhiều ngày gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt. Rối loạn cơ xương là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến hiệu quả công việc của người lao động. Bệnh chủ yếu được phát hiện ở 3 nhóm tuổi gồm: 25-34 tuổi, 35-44 tuổi và 45-54 tuổi.

Người bị rối loạn cơ xương liên quan đến thói quen làm việc thường có các triệu chứng như căng cơ lưng, bong gân, dây thần kinh bị chèn ép, thoái hóa đĩa đệm cột sống, đau lưng dưới, căng cổ, đau thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm. Dưới đây là những nguyên nhân khiến dân văn phòng dễ bị rối loạn cơ xương.

Gõ máy tính liên tục: Ngồi lâu trong một tư thế, chỉ hoạt động cổ tay, ngón tay để gõ máy tính có thể gây đau, cứng cổ tay do cơ hoạt động quá mức.

Nếu làm việc không nghỉ suốt nhiều ngày, người bệnh có thể đối mặt với hội chứng ống cổ tay. Đây là hội chứng rối loạn liên quan đến dây thần kinh ngoại vi (gồm các dây thần kinh, hạch nằm bên ngoài tủy sống và não). Hội chứng này gây chèn ép dây thần kinh trung gian, dẫn đến tình trạng tê bì, ngứa ran, yếu thậm chí teo cơ ở bàn tay, các ngón tay.





Gõ máy tính nhiều có thể gây đau cổ tay. Ảnh: Freepik

Gõ máy tính nhiều có thể gây đau cổ tay. Ảnh: Freepik

Ngồi sai tư thế: Nếu đặt màn hình máy tính ở bàn làm việc lệch so với với điểm nhìn, cổ của người bệnh sẽ phải vẹo sang một bên để mắt nhìn đúng hướng. Nếu không thay đổi vị trí màn hình trong một ngày làm việc, cơ ở cổ bị đau, gây khó chịu.

Đau lưng: Đây là một dấu hiệu cảnh báo người bệnh cần đi khám để có biện pháp chữa trị kịp thời.

Viêm khớp: Tình trạng này gây ảnh hưởng đến khớp, mô bao quanh khớp cùng các mô liên kết. Mức độ bệnh phụ thuộc vào vị trí bị viêm của các khớp trong cơ thể.

Thực tế, một số nghề nghiệp có thể gia tăng tỷ lệ người bị viêm khớp (đầu gối, hông) như khai thác mỏ, xây dựng, nông nghiệp, các ngành dịch vụ… Viêm khớp không được chữa trị kịp thời có thể khiến người bệnh rối loạn cơ xương.

Hút thuốc: Thuốc lá là một yếu tố làm gia tăng nguy cơ khiến người lao động có tình trạng sức khỏe phức tạp, thường xuyên làm việc căng thẳng bị rối loạn cơ xương.

Để chủ động phòng bệnh, người làm việc tại văn phòng nên nghỉ ngơi đúng giờ, tránh căng thẳng hoặc lao động quá sức. Nếu làm những công việc nặng nhọc, người bệnh có thể thay đổi cách vận chuyển vật liệu, sản phẩm, dùng các thiết bị hỗ trợ cơ học để giảm áp lực lên cánh tay và các cơ. Trường hợp công việc quá nặng khiến tình trạng đau trở nên nghiêm trọng, bệnh nhân có thể xin nghỉ hoặc chuyển sang một công việc mới.

Ngoài ra, người bị rối loạn cơ xương có thể sử dụng các thiết bị bảo vệ cá nhân như nẹp cổ tay, đai lưng… nhằm bảo vệ khớp, tránh những cơn đau dai dẳng sau thời gian làm việc quá sức. Đặc biệt, bệnh nhân có vấn đề về cơ, xương có thể sử dụng những sản phẩm từ công thái học (khoa học nghiên cứu về điều kiện làm việc phù hợp với khả năng của người lao động) nhằm khắc phục những tư thế xấu khi làm việc tại văn phòng.

Minh Thúy (Theo Very Well Health, CDC)

Trả lời