Lượng cholesterol trong cơ thể tăng cao là chất béo bão hòa, sản sinh từ chế độ ăn uống kém lành mạnh, tình trạng căng thẳng và ít vận động.
Cholesterol và các thói quen làm gia tăng lượng cholesterol trong cơ thể từ lâu là vấn đề gây tranh cãi. Trong nghiên cứu mới nhất từ Viện Nghiên cứu Na Uy, chuyên gia cho biết trứng luộc hoặc caffeine có thể làm tăng lượng cholesterol trong máu. Tuy nhiên, các phân tích khác lại cho thấy đây là hai loại thực phẩm cho sức khỏe.
Cholesterol là chất béo di chuyển qua máu, thông qua loại protein được gọi là lipoproteins. Một số đến từ các thực phẩm tiêu thụ hàng ngày, song phần lớn (khoảng 80%) là do gan tạo ra. Cholesterol sản sinh hormones và vitamin D, hai thành phần quan trọng tạo nên các tế bào.
Lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) vận chuyển cholesterol đến các tế bào cần thiết. LDL cũng được gọi là cholesterol “xấu”, bởi chúng có thể dính vào thành động mạch, làm tắc nghẽn mạch máu, dẫn đến bệnh đau tim hoặc đột quỵ. Lipoprotein tỷ trọng cao (HDL), còn gọi là cholesterol “tốt”, loại bỏ các cholesterol dư thừa từ mạch máu, các mô và đưa nó trở lại gan, từ đó đào thải ra ngoài cơ thể. HDL cũng giúp ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm ở mạch máu.
Tổ chức Tim mạch Anh khuyến nghị người trưởng thành kiểm tra nồng độ cholesterol trong máu thường xuyên. Tuy nhiên, các chuyên gia không đặt ra ngưỡng cholesterol lý tưởng cho cơ thể. Đối với một số người, nồng độ HDL và LDL thấp là phù hợp để ngăn ngừa bệnh tật.
Tuy nhiên, cholesterol không phải yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển bệnh tim mạch hoặc đột quỵ. Các yếu tố khác là chỉ số mỡ máu triglycerides, cân nặng, tuổi tác, chế độ ăn uống, tiền sử bệnh lý và thói quen hút thuốc, tiến sĩ Duane Mellor, chuyên gia dinh dưỡng, giảng viên cấp cao tại Trường Y Aston, cho biết. Một số người mắc các bệnh di truyền, khiến cơ thể có lượng cholesterol cao tự nhiên.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến lượng cholesterol cao là chất béo bão hòa.
“Toàn bộ lượng chất béo tiêu thụ hàng ngày được cơ thể sử dụng làm nguồn năng lượng. Nhưng nhìn chung, các thực phẩm giàu chất béo bão hòa vượt quá nhu cầu năng lượng của cơ thể, dễ dàng chuyển hóa thành cholesterol hơn các chất béo không bão hòa”, tiến sĩ Dermot Neely, thành viên Tổ chức Tim mạch Anh, nhận định.
Theo ông, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc thay thế chất béo bão hòa bằng chất béo không bão hòa trong thực đơn hàng ngày có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Tuy nhiên, các chuyên gia khác cho rằng không phải tất cả các loại chất béo bão hòa đều có hại. Một số nghiên cứu cho thấy nhiều chế phẩm từ sữa như phô mai và sữa chua có thể bảo vệ cơ thể trước bệnh tim mạch.
Bên cạnh đó, một số thói quen ăn uống có thể khiến lượng cholesterol trong máu tăng cao.
Theo tiến sĩ Mellor, một trong những nguồn chính của chất béo bão hòa trong chế độ ăn là các loại bánh nướng, bánh ngọt, bánh quy. Các thực phẩm này chứa cả carbohydrate tinh chế và bột, đường, muối.
Các sản phẩm mà nhiều người coi là lành mạnh, chẳng hạn thanh protein (thanh năng lượng) cũng có thể khiến cholesterol tăng cao.
“Thực phẩm giàu năng lượng chứa nhiều đường và chất béo, thiếu chất xơ, vitamin hoặc khoáng chất. Bạn không nên sử dụng quá nhiều nếu đang cố tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh. Thanh năng lượng chỉ được coi là bữa ăn khẩn cấp”, tiến sĩ Mellor nói.
Người muốn giảm cholesterol cũng nên hạn chế ăn dầu dừa, bởi chúng chứa gấp đôi lượng chất béo bão hòa so với mỡ lợn.
“Nó có hại hơn bất cứ loại chất béo bão hòa nào khác, nên hạn chế sử dụng, chỉ dùng như hương liệu, không phải nguồn năng lượng chính”, tiến sĩ Mellor cho biết.
Các nghiên cứu cho thấy tình trạng thừa cân, căng thẳng cũng có thể thúc đẩy lượng cholesterol trong máu. Nhiều nhà khoa học cho rằng khi gặp áp lực, cơ thể tiết ra ra một số hormone có thể làm tăng lượng cholesterol “xấu”.
Thục Linh (Theo Telegraph)