Có nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư gan như rượu bia, thuốc lá, viêm gan B, C… mà bạn có thể tìm hiểu để phòng tránh, điều trị phù hợp.
Ung thư gan có thể gặp ở trẻ em và người lớn nhưng thường xuất hiện ở người lớn. Theo nghiên cứu của Trung tâm Ung thư Moffitt (Mỹ) năm 2018, ung thư gan và ung thư ống mật đang gia tăng và là một trong những nguyên gây tử vong hàng đầu trên thế giới.
Ung thư gan bắt đầu khi xuất hiện các gene đột biến dẫn đến tình trạng tế bào phát triển ngoài tầm kiểm soát. Nhận biết được các yếu tố nguy cơ ở giai đoạn sớm giúp cho việc điều trị ung thư gan dễ dàng hơn.
Viêm gan B
Theo Quỹ viêm gan B của Mỹ, có tới 95% bệnh nhân viêm gan B cấp tính khỏi bệnh sau một thời gian, 5% còn lại tiến triển thành viêm gan B mạn tính. Đây cũng là nguyên nhân gây ung thư gan hàng đầu ở châu Phi và phần lớn châu Á. Cụ thể, những người bị nhiễm viêm gan B mạn tính có nguy cơ ung thư gan cao gấp 100 lần so với những người bình thường vì virus tấn công trực tiếp vào gan.
Viêm gan C
Theo nghiên cứu của Đại học Y dược Kanazawa, Nhật Bản năm 2014, hầu hết những người bị viêm gan C đều không biết mình bị bệnh, khoảng 20-30% trong số đó sẽ phát triển thành xơ gan, làm gia tăng nguy cơ ung thư gan. Nếu được phát hiện và điều trị viêm gan C, nguy cơ xơ gan và ung thư gan ở bệnh nhân có thể giảm đáng kể.

Đau bụng bên phải có thể là triệu chứng cảnh báo bệnh gan. Ảnh: Freepik
Gan nhiễm mỡ không do rượu
Mỡ tích tụ trong gan những người ít dùng rượu bia, nguyên nhân do cơ chế miễn dịch hoặc di truyền. Theo công bố của Tạp chí Nghiên cứu Y học Ấn Độ năm 2019, khoảng 3-15% trường hợp bệnh nhân béo phì có gan nhiễm mỡ không do rượu tiến triển thành xơ gan và 4-27% trong số đó mắc ung thư gan.
Tình trạng ức chế hệ miễn dịch
Cũng như các bệnh ung thư khác, tình trạng ức chế miễn dịch làm tăng nguy cơ ung thư gan. Thống kê của Cơ quan Cấy ghép Nội tạng Mỹ năm 2011 cho thấy, những người được ghép nội tạng có nguy cơ mắc bệnh ung thư gan cao gấp đôi so với người bình thường và nguy cơ này thậm chí còn cao hơn đối với những người đã được ghép gan. Bên cạnh đó, những người nhiễm HIV với hệ miễn dịch suy yếu cũng có nguy cơ ung thư gan cao gấp 5 lần người bình thường.
Bệnh tiểu đường loại hai
Theo nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Tổng hợp Verona (Italy), những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 có nguy cơ mắc bệnh ung thư gan cao gấp 2-3 lần so với người bình thường. Thuốc điều trị tiểu đường glucophage (metformin) có thể làm giảm nguy cơ này.
Tiếp xúc với hóa chất độc hại
Một số công việc tiếp xúc với hóa chất như chế biến nhựa, thuốc nhuộm, giặt khô… có thể gây độc tế bào và tổn hại DNA dẫn đến ung thư gan. Ngoài ra, nghiên cứu của khoa Độc dược, Đại học Hacettepe (Thổ Nhĩ Kỳ) cũng đưa ra danh sách các chất độc hại có thể gây ung thư gan. Các chất này có thể có trên giấy gói thức ăn nhanh, chất độc sinh ra từ đồ ăn ẩm mốc, nguồn nước bị ô nhiễm…
Viêm xơ đường mật
Viêm xơ đường mật là một bệnh gan mạn tính có liên quan đến bệnh viêm ruột, thường là viêm loét đại trực tràng. Các ống dẫn mật bị viêm hoặc sẹo khiến mật tích tụ lâu ngày gây hư hại các tế bào gan.
Nhiễm độc từ các loại ngũ cốc ẩm mốc
Aflatoxin là chất gây nhiễm thực phẩm thường gặp trong điều kiện tự nhiên được sản sinh bởi nấm aspergillus. Nấm này có mặt khắp nơi trong môi trường như lá cây, gỗ mục, thức ăn gia súc, bông, phân, côn trùng chết, xác động vật và hạt ngũ cốc. Theo đánh giá của Đại học Georgia (Mỹ), có 4,5 tỷ người trên thế giới phơi nhiễm với aflatoxin, gây tình trạng bệnh cấp và mạn tính.
Hấp thụ lượng lớn aflatoxin có thể gây ngộ độc chết người, ít hơn có thể gây ung thư tế bào gan. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, người nhiễm đồng thời viêm gan siêu vi B và aflatoxin có nguy cơ ung thư gan gia tăng đến 28,2% so với người bình thường.

Chất độc aflatoxin có nguồn gốc từ thực phẩm ẩm mốc. Ảnh: Freepik
Yếu tố di truyền
Một người có nguy cơ mắc bệnh ung thư gan cao hơn người khác khi trong gia đình có người thân mắc căn bệnh này, nhất là khi người thân trực hệ như bố mẹ, anh chị em. Người mắc bệnh rối loạn sắc tố di truyền hay còn gọi bệnh ứ sắt có nguy cơ mắc bệnh ung thư gan cao gấp 20 lần so với người bình thường theo Hiệp hội Tiêu hóa Mỹ. Nguyên do cơ thể người bệnh tích tụ lượng hàm lượng sắt cao ở gan, theo thời gian khiến gan suy yếu dẫn đến xơ gan.
Một số bệnh di truyền khác như bệnh wilson, rối loạn chuyển hóa các protein, axi amin, enzym… cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư gan.
Chủng tộc và giới tính
Người châu Á và sinh sống tại các đảo Thái Bình Dương dễ mắc ung thư gan hơn những người thuộc các chủng tộc khác, do dịch viêm gan thường xuất hiện ở khu vực này (theo thống kê 41.920 trường hợp bệnh ung thư gan của Viện ung thư Quốc gia Mỹ giai đoạn 1988 -2012). Ung thư gan phổ biến ở nam giới nhiều hơn nữ giới.
Mặc dù có một số yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát nhưng những tiến bộ y học, điều chỉnh lối sống và duy trì tinh thần khỏe mạnh có thể làm chậm diễn tiến của ung thư gan.
Thuận Lê
(Theo Very Well Health)