Nhiễm khuẩn tụ cầu, da bé trai đỏ như tôm luộc Leave a comment

Hà NộiBé trai gần 10 tháng tuổi nhiễm khuẩn tụ cầu khiến da đỏ như tôm luộc, các bọng nước xuất hiện rồi vỡ, bong vảy.

Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Phó trưởng khoa Bệnh da phụ nữ và trẻ em, cho biết em bé nhập viện hai ngày trước với triệu chứng ban đầu là đỏ da, bong vảy ở mặt, cổ, nách, bẹn và những vùng khác của cơ thể, sốt 39-40 độ C. Người nhà cho biết bé xuất hiện các bọng nước ở kẽ ngón tay trái cách đây một tuần, sau đó bọng nước hóa mủ, vỡ và đóng vảy, để lại vệt đỏ trên da.

Bác sĩ Linh chẩn đoán bé bị bong vảy da do tụ cầu – là hội chứng da liễu nặng, nhập viện điều trị 3-5 ngày. Vi khuẩn tụ cầu sinh sống trên da, phát triển và gây tổn thương khi gặp vết thương hở như vết nứt xung quanh khóe miệng, vết gãi ngứa, xước… Từ đó, chúng tạo các bọng nước, trợt, đóng vảy trên da.

Theo bác sĩ, trẻ nếu không được điều trị đúng cách sớm, độc tố của vi khuẩn vào máu và lan ra toàn thân sẽ dẫn đến bị bong da. Chậm điều trị, trẻ có thể bị nhiễm khuẩn huyết hoặc bệnh viêm cầu thận.

Bệnh này xuất hiện quanh năm, mùa hè có thể gặp nhiều hơn do thời tiết nóng bức, mồ hôi tiết ra thường xuyên, điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Trẻ có thể tái nhiễm vi khuẩn gây bệnh.

Do đó, bác sĩ Linh khuyến cáo phụ huynh vệ sinh cho trẻ, tắm bằng sữa tắm hàng ngày để phòng bệnh. Người nhà không nên dùng chanh, các loại lá tắm cho bé để khử khuẩn, mà chú ý vệ sinh, giặt quần áo, vật dụng của trẻ. Bé ăn xong cần rửa sạch miệng, không để thức ăn dính vào mép, môi, miệng. Khi trẻ có các tổn thương như mụn mủ, bọng nước, phụ huynh nên đưa đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng.





Bác sĩ Linh khám cho bé trai, ngày 29/6. Ảnh: Chi Lê

Bác sĩ Linh khám cho bé trai, ngày 29/6. Ảnh: Chi Lê

Chi Lê

Trả lời