Nhiễm uốn ván từ vết thương nhỏ đỉnh đầu Leave a comment

Hà GiangNgười đàn ông 27 tuổi, bị đá rơi trúng đầu, vết thương dài một cm đã khô, không rỉ dịch, không chảy nhiều máu nên anh không nghĩ có thể gây nguy hiểm.

Không lâu sau, bệnh nhân sốt nóng liên tục, cứng hàm, co giật toàn thân, hôn mê, được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn cấp cứu. Các bác sĩ cuối tháng 4 cho biết bệnh nhân mắc uốn ván giai đoạn toàn phát, thở máy, điều trị huyết thanh uốn ván SAT, truyền dịch, an thần, kháng sinh. Xác định đây là ca bệnh rất nặng, các bác sĩ thường xuyên trao đổi đồng nghiệp ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh để có phác đồ điều trị phù hợp.

Sau gần một tháng điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh táo, giao tiếp tốt, tự vận động nhẹ nhàng, ăn uống được, các chỉ số sinh tồn bình thường. Anh được tư vấn chế độ tập vận động, dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân.





Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo các bác sĩ, uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp tính có tỷ lệ tử vong 25-90%. Bệnh thường xảy ra khi cơ thể bị tổn thương như vết chích da, vết rách da, vết trầy da, bỏng, viêm tai giữa, phẫu thuật, sảy thai, sinh đẻ… Thời kỳ ủ bệnh 4-21 ngày. Trực khuẩn gây bệnh phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí, sau đó giải phóng độc tố vào máu và tấn công vào thần kinh – cơ. Lúc này, bệnh nhân bị co cứng cơ và từ đó xuất hiện các cơn co giật gây ngưng thở, suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật, ngừng tim.

Khi nhiễm uốn ván, cơ thể trải qua 4 giai đoạn: ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và lui bệnh. Uốn ván là bệnh nguy hiểm do thời gian điều trị kéo dài (có thể vài tuần đến vài tháng) và chi phí điều trị rất tốn kém.

Khi làm việc với những vật dụng sắc nhọn cần trang bị đầy đủ trang thiết bị an toàn lao động như giày bảo hộ, găng tay chống cắt, đồ bảo hộ… Nếu chẳng may bị thương cần xử lý đúng cách, rửa vết thương bằng nước sạch, sát trùng bằng cồn tại vết thương và xung quanh; dùng băng vô khuẩn để băng bó vết thương, sau đó đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và tiêm phòng uốn ván.

Việt Nam đã loại trừ bệnh uốn ván trên trẻ sơ sinh từ năm 1992 (nhờ tiêm chủng), tuy nhiên còn rất nhiều người lớn sinh trước 1992 chưa được tiêm phòng bệnh uốn ván. Bởi vậy, người dân cần chủ động tiêm dự phòng uốn ván khi có vết thương dập nát, sâu, bẩn, đặc biệt với nhóm người chưa tiêm ngừa đầy đủ, hoặc cách thời gian tiêm mũi vaccine gần nhất là 10 năm. Sau đó, tiêm nhắc lại vaccine uốn ván theo khuyến cáo của đơn vị tiêm chủng để có miễn dịch đầy đủ phòng bệnh.

Trả lời