Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành y tế xem xét lý do các tỉnh chuyển nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết đến TP HCM, trong bối cảnh Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới quá tải vì gần 50% ca từ các địa phương khác.
Sáng 30/6, thị sát khu vực khám chữa bệnh và nhà lưu trú thân nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, ông Đam được nhiều người dân bày tỏ khó khăn vì phải từ các địa phương xa xôi chuyển viện đến đây điều trị sốt xuất huyết.
Ông Đinh Văn Cương, ngụ TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, cho biết vợ sốt, vào bệnh viện địa phương điều trị hai ngày không đỡ, phải thuê xe cấp cứu tốn gần 5 triệu đến TP HCM, nhập vào khu hồi sức dành cho bệnh nhân nặng. “Nếu địa phương điều trị tốt thì không phải chuyển viện, hoặc ngay từ đầu điều trị không được thì nói thẳng luôn để chúng tôi tự đến thành phố, đỡ tốn tiền xe cấp cứu trong khi gia đình nghèo”, ông Cương nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, trong tháng 6 số bệnh nhân nhập viện tăng gấp 4 lần so với hai tháng trước. Bệnh viện đang điều trị 56 ca nặng, trong đó 6 trường hợp phải thở máy. Trong số 363 bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại đây ngày 30/6, 178 trường hợp là từ các tỉnh thành khác chuyển đến, chiếm gần một nửa. Trong 7 ca bệnh nặng xin về nhà, phần lớn là các tỉnh. Đến nay, bệnh viện ghi nhận ba trường hợp tử vong, trong đó hai người là bệnh nhân từ tỉnh.
“Những năm trước, bệnh nhân từ các tỉnh cũng chiếm gần một nửa, song số nhập viện thường tăng nhiều từ tháng 9. Năm nay, mới tháng 6 đã đông bệnh, phải kê thêm giường điều trị, nếu không kiểm soát tốt, số ca còn tăng thì sẽ rất quá tải”, lãnh đạo bệnh viện nói.
Bác sĩ Dũng mong muốn các bệnh viện tuyến trước hạn chế chuyển những bệnh nhân có khả năng điều trị tại chỗ, tăng cường tham khảo ý kiến chuyên gia tuyến cuối. Mới đây, bệnh viện đã vận động các nhà tài trợ để tổ chức tập huấn hai ngày cho các bệnh viện phía Nam về điều trị sốt xuất huyết.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM hiện là tuyến cuối tại TP HCM điều trị bệnh sốt xuất huyết cho người lớn. Trẻ em mắc bệnh này được điều trị tại ba bệnh viện nhi là Nhi đồng 1, 2 và Nhi đồng Thành phố.
Ông Đam đặt câu hỏi “phải chăng các bệnh viện tuyến tỉnh thiếu thuốc, vật tư, sợ không đảm bảo điều trị an toàn cho bệnh nhân nên chuyển lên trên?”. Do đó, Bộ Y tế cần xem xét nghiêm túc, nhìn đúng sự thật, tìm hiểu bệnh viện tuyến dưới vướng mắc ở đâu, có đề xuất gì để giải quyết tận gốc. Với việc thiếu thuốc, bên cạnh các giải pháp dài hạn như thay đổi hình thức đấu thầu, sửa thông tư, cần có những giải pháp giúp giải quyết cấp bách vấn đề trước mắt.
“Bệnh của bà con mỗi ngày không thể đợi được, cần khẩn trương giải quyết”, ông Đam nói và đề nghị trong khi chờ mua sắm, đấu thầu thuốc, các bệnh viện cần sẻ chia nguồn thuốc chữa bệnh sẵn có với nhau, không kể bệnh viện tuyến trung ương hay địa phương.
Phó thủ tướng cho rằng sốt xuất huyết là bệnh hàng năm nhưng “rất sốt ruột” khi nhìn số thống kê năm nay, bởi dịch đến sớm, đường biểu đồ tăng số ca rất dốc, chưa đến lúc cao điểm đã vượt số ca bệnh các năm trước. “Bệnh lưu hành thường niên, nếu không có biện pháp quyết liệt mà để dịch lan trên diện rộng thì chúng ta có lỗi lớn so với các loại dịch bệnh chưa biết trước đây như Covid”, ông nói.
Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết giám sát dịch ghi nhận chủng virus gây bệnh sốt xuất huyết trước đây chủ yếu là DEN 1, gần đây chủng DEN 2 có xu hướng tăng, cảnh báo số ca mắc sẽ tăng, từ đó số bệnh nặng, kéo theo số tử vong sẽ cao nếu không ngăn chặn kịp thời. Thời gian qua, thành phố tăng cường nhiều biện pháp, tập huấn các bệnh viện, tuyến y tế cơ sở (trạm y tế, phòng khám tư nhân), nơi tiếp nhận những bệnh nhân đầu tiên đến khám, giúp tăng khả năng phát hiện và xử trí kịp thời những trường hợp trở nặng. Sở sẽ phân tuyến điều trị hợp lý hơn, nâng cao năng lực hồi sức của bệnh viện quận, huyện.
Lãnh đạo ngành y tế thành phố đề nghị bệnh viện tuyến dưới và các tỉnh thành tăng năng lực điều trị, xử trí tại chỗ những ca bệnh nhẹ, hội chẩn với tuyến trên, hạn chế chuyển viện không cần thiết. Các cơ sở có thể báo động đỏ liên viện, tuyến trên cử chuyên gia đến điều trị bệnh nhân tại chỗ, tránh chuyển viện làm tăng nguy cơ nặng của bệnh nhân nếu hồi sức trên xe cứu thương không đảm bảo. Thành phố cũng đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ kinh phí cho bệnh viện tuyến cuối đến các địa phương đào tạo, tập huấn chuyên môn.
Theo Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã có hướng dẫn phân tuyến điều trị sốt xuất huyết rất rõ ràng. Trong đó, bệnh nhân sốt xuất huyết độ 1 và độ 2 có thể điều trị tại tuyến huyện, độ 3 tuyến tỉnh, độ 4 mới cần đến tuyến trung ương. Các địa phương cần phát huy hình thức hội chẩn điều trị từ xa, tuyến sau kết nối hỗ trợ tuyến trước, khi nào thực sự cần thiết mới chuyển viện. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ đến làm việc trực tiếp một số địa phương để có chỉ đạo kịp thời, chấn chỉnh việc điều trị tại chỗ.
“Phòng chống dịch sốt xuất huyết cũng như Covid, cần phát huy 4 tại chỗ, nếu tập trung đông bệnh tuyến cuối có thể gây lây nhiễm chéo”, ông Tuyên nói. Người phụ trách điều hành Bộ Y tế lưu ý các địa phương không được để người bệnh thiếu thuốc, nếu không có thuốc này phải thay thế ngay bằng thuốc khác phù hợp.
So với năm 2019 (năm dịch bùng phát nhiều), số ca mắc sốt xuất huyết năm nay tại khu vực phía Nam tăng nhanh ngay từ đầu mùa mưa, số bệnh nhân nặng và tử vong gấp nhiều lần. Trong đó, người bệnh sốt xuất huyết tại TP HCM đang cao nhất nước với gần 21.000 ca kể từ đầu năm – tăng hơn 172% cùng kỳ năm ngoái.
Lê Phương