Nhiều người Sài Gòn lơ là phòng sốt xuất huyết Leave a comment

TP HCMDù đang nằm trong điểm nóng dịch bệnh, nhiều gia đình vẫn để hàng chục vật dụng chứa nước, tạo cơ hội cho muỗi vằn sinh sản, lây lan virus.

Hơn một tuần chăm sóc con gái 7 tuổi, bị sốt xuất huyết Dengue tại Bệnh viện quận 8, mắt chị Trân trũng sâu. Cháu bé thường quấy khóc, ôm mẹ, than đau khắp người, da châm chích như bị kiến cắn. Người mẹ cho biết, bé là thành viên đầu tiên trong gia đình mắc bệnh này. Sau một ngày sốt 38-39 độ C, uống thuốc không giảm, chị đưa con đi khám. Được chẩn đoán bệnh sớm, điều trị theo phác đồ nên tình trạng trẻ không diễn tiến xấu.

Chị Trân cho hay không rõ nguồn lây sốt xuất huyết cho con từ đâu. Phòng ngủ của gia đình (phường 15, quận 8) khá kín đáo, thường bật điều hòa nên không thấy có muỗi. Tuy nhiên, phía sau nhà, gia đình có một bể chứa nước ngọt, dùng để tưới cây, giặt đồ nhưng không đậy kín nắp hoặc thả cá. Trong bể có nhiều đàn loăng quăng (ấu trùng của muỗi truyền bệnh) tụ lại.

“Bể nước có thể là nơi phát sinh muỗi vằn gây sốt xuất huyết. Sau lần này, tôi sẽ thau rửa, đậy nắp bể, hoặc không sử dụng nữa để tránh bệnh tật”, chị nói.





Những nốt tụ máu dày đặc trên chân một nữ bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Chị cho biết, trước khi mắc bệnh, chị không có thói quen ngủ trong màn (mùng), dù trong phòng có nhiều muỗi và trong khu trọ mới có người mắc sốt xuất huyết. Ảnh: Thư Anh

Những nốt tụ máu dày đặc trên chân một nữ bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Chị cho biết, trước khi mắc bệnh, chị không có thói quen ngủ trong màn (mùng), dù trong phòng có nhiều muỗi và trong khu trọ mới có người mắc sốt xuất huyết. Ảnh: Thư Anh

Tại phường 7 – địa bàn có nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết cao nhất ở quận 8, ba tuần nay, số người mắc sốt xuất huyết tại đây tăng 40, gấp đôi so với tháng trước. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế, nhiều điểm nguy cơ chưa được xử lý, xung quanh nhà dân, vườn trường học vẫn còn hàng chục vật dụng chứa nước có loăng quăng.

Trong khu vườn rộng khoảng 100 m2 um tùm cây cối ở khu phố 5, ông Hoàng nuôi gà, để phế liệu, đồ nghề sửa xe máy, xe đạp. Xen kẽ khắp vườn là hàng chục chiếc lu, chậu, thùng nhựa, chai, lọ, lốp xe… để ngửa, chứa nước có thể trở thành nơi cho muỗi vằn dengue đẻ trứng, sinh loăng quăng. Thực tế, ấu trùng này đã tụ thành đàn trong những chiếc hộp đựng nước cho gà uống.

“Gia đình vệ sinh nhà cửa hàng ngày, nhưng đêm hôm trước mưa nên buổi sáng chưa kịp dọn dẹp”, ông Hoàng cho biết.

Tương tự, trường THCS Phú Lợi cạnh đó, cũng xảy ra tình trạng bỏ quên các vật dụng có thể chứa nước ngoài trời, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản. Trong vườn trường, một chậu rửa bát cáu bẩn, đầy nước và rêu xanh, sát đó là 4-5 chiếc lu nằm lẫn giữa bụi cỏ. Có động, đàn loăng quăng ngọ nguậy trong nước và chục con muỗi bay túa từ bụi cỏ ra ngoài.

Bà Cấn Thị Thư Vi, Trưởng trạm y tế phường 7, nói thói quen dùng lu, thùng đựng nước của người dân chính là một trong những nguyên nhân phát sinh ổ dịch sốt xuất huyết. Như hộ ông Hoàng thuộc nhóm ba – nguy cơ rất cao bùng dịch sốt xuất huyết trên địa bàn phường. Hai tháng qua, trạm ba lần tới kiểm tra, giám sát và yêu cầu gia đình dọn dẹp vệ sinh, loại bỏ các vật dụng chứa nước, song chưa hiệu quả. Riêng trường THCS Phú Lợi, qua hai lần kiểm tra, trạm đã lập biên bản, nhắc nhở.

“Lần tới, nếu các điểm không cải thiện được tình hình, còn nguy cơ phát sinh ổ dịch, đơn vị sẽ đề nghị xử phạt”, bà Vi nói.





Một chiếc hộp đựng nước cho gà uống chứa bọ gậy. Ảnh: Thư Anh

Một chiếc hộp đựng nước cho gà uống chứa bọ gậy. Ảnh: Thư Anh

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố (HCDC), một trong những nguyên nhân khiến dịch sốt xuất huyết bùng mạnh, tăng số ca nặng và tử vong là do “nhiều người dân còn lơ là, chủ quan”. Ông lý giải, có thể đợt dịch Covid-19 vừa qua ảnh hưởng lớn đến tâm lý người dân, khiến khi có vấn đề sức khỏe, như sốt, mệt mỏi họ chủ yếu test nhanh Covid. Kết quả âm tính là họ cảm thấy an tâm mà không nghĩ đến nguyên nhân do sốt xuất huyết.

Bên cạnh đó, đặc điểm của sốt xuất huyết là lây lan qua muỗi vằn – nguồn trung gian đốt và hút máu từ người bệnh truyền sang người lành. Biện pháp đơn giản để diệt muỗi là loại bỏ các vật chứa nước, như chai lọ, lốp xe, lu thùng… Tuy nhiên, TP HCM đang trong mùa mưa, mọi chỗ có nước đều có thể phát sinh loăng quăng trong thời gian ngắn. Trong khi đó, ngành y tế rất nhiều nhiệm vụ, không thể sau mỗi trận mưa sẽ đi tìm và đổ nước ở toàn bộ các vật chứa trong thành phố thay người dân.

“Hệ thống y tế dự phòng và điều trị đã làm hết sức rồi. Người dân cần phải chủ động, nâng cao cảnh giác tự bảo vệ chính mình”, ông Tâm nói.

TP HCM hiện là địa phương có số ca sốt xuất huyết cao nhất cả nước, gần 21.000 kể từ đầu năm – tăng hơn 172% cùng kỳ 2021. So với năm 2019 (năm sốt xuất huyết bùng phát thành dịch lớn), số ca mắc năm nay tăng nhanh ngay từ đầu mùa mưa (cuối tháng 4), kéo theo số nặng và tử vong cũng tăng gấp nhiều lần.

Một số bệnh viện tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết nặng như Nhi đồng Thành phố, Bệnh Nhiệt đới những tuần qua đã quá tải, phải kê thêm giường ở hành lang để đủ đáp ứng nhu cầu người bệnh. Mặc dù vậy, một số cơ sở y tế đang thiếu dịch truyền cao phân tử Dextran và HES 200.000 – hai loại thuốc đóng vai trò quan trọng trong điều trị chống sốc sốt xuất huyết, gây khó khăn hơn trong điều trị ca nặng.

Giới chức khuyến cáo người dân cần tự giác dọn dẹp nhà cửa 15 phút mỗi ngày, phát quang bụi rậm xung quanh nhà, phun thuốc diệt muỗi, ngủ trong mùng, màn… Đồng thời, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cũng phải chủ động theo dõi, chỉ đạo vệ sinh, loại bỏ các điểm nguy cơ phát sinh ổ dịch loăng quăng.





Hành lang khoa nhiễm C, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM trở thành nơi điều trị sốt xuất huyết vì bệnh viện quá tải. Ảnh: Quỳnh Trần

Hành lang Khoa Nhiễm C, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM trở thành nơi điều trị sốt xuất huyết vì bệnh viện quá tải. Ảnh: Quỳnh Trần

Thư Anh

Trả lời