Nhiều người tái nhiễm Covid-19 Leave a comment

Hà NộiHai tuần gần đây, bệnh viện Đức Giang, Thanh Nhàn, viện Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận nhiều bệnh nhân vừa khỏi Covid được 2-3 tháng đã tái nhiễm, song triệu chứng ít nghiêm trọng.

Ngày 22/7, bác sĩ Nguyễn Văn Học, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cho biết số người khám hô hấp tăng từ 30 đến 45 ca một ngày, trong đó 10-20% mắc Covid, nhiều người tái nhiễm.

Theo bác sĩ Học, số F0 tái nhiễm Covid-19 tăng lên nhưng chưa có con số thống kê cụ thể. Trường hợp tái nhiễm sớm nhất là cách một tháng rưỡi sau khỏi Covid-19, những người khác tái nhiễm sau hai đến ba tháng. Tái nhiễm xảy ra trên hầu hết nhóm tuổi, kể cả người đã tiêm vaccine mũi nhắc lại, song triệu chứng đều nhẹ như ho khan, hắt hơi, sổ mũi, đau rát họng…

“Tuy nhiên, người bệnh không nên chủ quan, nhất là người già, nhiều bệnh lý nền hay người suy giảm miễn dịch vẫn nguy cơ trở nặng, kể cả đã tiêm vaccine hay tái nhiễm lần hai”, bác sĩ nói.

Bệnh viện đang điều trị khoảng 10-15 F0, chủ yếu là người cao tuổi, có bệnh nền hoặc là đối tượng nguy cơ như người có thai, trẻ em. Đây là con số thấp hơn đợt bùng phát hồi tháng 3 – khi cơ sở này có lúc điều trị 400 bệnh nhân (40% mức độ nặng).

Cũng là bệnh viện tuyến cuối điều trị F0 nặng, viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận số người đến khám Covid tăng trở lại. Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, cho biết trước đó hai tháng, khoa tiếp nhận rất ít bệnh nhân, vài ba ca một tuần. Hiện đơn vị này điều trị 22 F0, gồm 6 người thở máy xâm nhập.

Hơn 50% bệnh nhân đến khám là tái nhiễm Covid, triệu chứng tương tự với lần đầu. Còn nhóm F0 nặng và nguy kịch là người cao tuổi, nhiều bệnh nền, hoặc người suy giảm miễn dịch như mắc HIV/AIDS, bệnh nhân ghép tạng, bệnh máu. Những người này phải thở oxy, sử dụng thuốc kháng virus, thuốc Covid, thuốc ức chế… trong nhiều tuần mới phục hồi.

Còn Bệnh viện Người bệnh Covid (thuộc Bệnh viện Đại học Y) đang điều trị 21 bệnh nhân mức độ từ trung bình đến nặng, trong đó hai ca thở máy, ba ca thở oxy gọng (trước đó chỉ 3-4 ca). Số bệnh nhân nhập viện tăng lên, khoảng 5 ca một ngày. Bác sĩ dự báo trong tuần tới, số nhập viện có thể tiếp tục tăng, song không quá tải như giai đoạn tháng 3.

Trong một tuần qua, cả nước ghi nhận số ca nhiễm tăng trở lại, với trung bình 900 người mắc mới mỗi ngày, riêng ngày 21/7 ghi nhận gần 1.300 – cao nhất trong 47 ngày qua. Hà Nội tiếp tục là địa phương có nhiều ca mắc nhất. Từ 23/6 đến nay, cả nước ghi nhận 6 trường hợp tử vong. Cùng thời gian trên, số ca nặng tăng 21% từ 422 lên 510.

Bộ Y tế đánh giá dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của biến chủng mới, nhất là tại khu vực châu Âu với nhiều ca tái nhiễm. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã khuyến cáo người dân đeo khẩu trang trở lại.

Lý giải số ca mắc mới tăng, trong đó nhiều người tái nhiễm, phó giáo sư Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng tình trạng này có thể liên quan biến chủng mới và do người dân chủ quan, lơ là.

Theo ông Phu, các biến chủng mới như BA.4, BA.5, BA.2.12.1… dễ lây truyền và trốn tránh miễn dịch tốt hơn so với phiên bản trước đây của Omicron. Những người đã mắc Covid-19 trước đó, ngay cả với BA.1 hoặc BA.2 vẫn có nguy cơ nhiễm BA.4 và BA.5.

Nghiên cứu gần đây của Đại học Columbia, Mỹ, cũng cho thấy hai biến chủng phụ BA.4 và BA.5 có khả năng thoát khỏi sự bảo vệ của hệ thống miễn dịch cao hơn các phiên bản trước đó của Omicron ít nhất 4 lần. Điều này khiến nhiều người từng mắc Covid hoặc tiêm vaccine, kể cả liều tăng cường, vẫn có khả năng tái nhiễm. Tuy nhiên, các nhà khoa học khẳng định tiêm vaccine vẫn là cách tốt nhất để bảo vệ người dùng trước tình trạng chuyển nặng và tử vong do Covid-19, đồng thời giảm cả nguy cơ tái nhiễm.

Do đó, phó giáo sư Phu khuyến cáo, người dân không lơ là khi thấy Covid-19 đã được kiểm soát, đặc biệt người cao tuổi, nhiều bệnh nền, người suy giảm miễn dịch. Đây là những nhóm nguy cơ trở nặng cao khi mắc Covid-19. Bên cạnh đó, khi tập trung đông người, mọi người cố gắng đeo khẩu trang. Tiếp tục tiêm vaccine phòng bệnh. Nếu có triệu chứng đường hô hấp trên, cúm cần đi khám để phát hiện, cách ly sớm, tách nguồn lây khỏi cộng đồng.





Trước diễn biến dịch khó lường, ngành Y tế khuyến cáo người dân tích cực tiêm chủng, nhất là nhóm nguy cơ cao cần tiêm mũi nhắc lại để tránh biến chứng nặng khi không may nhiễm bệnh. Ảnh: Phạm Chiểu

Trước diễn biến dịch khó lường, các chuyên gia khuyến cáo người dân tích cực tiêm chủng, nhất là nhóm nguy cơ cao cần tiêm mũi nhắc lại để tránh biến chứng nặng khi không may nhiễm bệnh. Ảnh: Phạm Chiểu

Năm 2020, các ca tái nhiễm nCoV được coi là rất hiếm. Vào năm 2021, hiện tượng nhiễm trùng đột phá ở người đã tiêm chủng có xảy ra, nhưng nguy cơ thấp. Đến năm 2022, tình trạng này trở nên phổ biến hơn. Các chuyên gia chưa thể ước đoán số lần tái nhiễm ở một người, bởi bất kỳ ai cũng có nguy cơ khi tiếp xúc lần thứ hai, thứ ba với virus và tái nhiễm.

“Chúng ta nên coi việc tái nhiễm là một phần của cuộc sống bình thường mới. Hy vọng với nhiều lần mắc bệnh, phản ứng kháng thể sẽ liên tục cải thiện”, tiến sĩ Julie McElrath, Giám đốc bộ phận vaccine và bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, Mỹ, nói và cho biết thêm khả năng tái nhiễm của một người phụ thuộc vào độ mạnh của phản ứng miễn dịch và tình trạng tiêm phòng.

Sau mỗi lần tiếp xúc với mầm bệnh, phản ứng miễn dịch trưởng thành và được củng cố xa hơn, do đó phần lớn các ca tái nhiễm có triệu chứng ít nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, theo bà McElrath, vẫn có các trường hợp phát triển triệu chứng nguy hiểm sau tái nhiễm, ví dụ những người tiếp xúc với lượng virus cao hơn nhiều so với lần đầu, hoặc khả năng miễn dịch đã suy yếu hoàn toàn. Người cao tuổi, có bệnh nền tiềm ẩn hoặc bị suy giảm miễn dịch vẫn có thể chuyển nặng.

Thùy An – Chi Lê

Trả lời

1.4218