Nhiều trẻ nhập viện do nôn, tiêu chảy Leave a comment

Hà NộiNhiều trẻ được gia đình đưa vào viện cấp cứu do nôn, tiêu chảy, bác sĩ chẩn đoán nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và không liên quan bệnh viêm gan bí ẩn đang xảy ra ở các nước.

Chị Minh ở Định Công, ngày 9/5 cho biết con của chị 9 tháng tuổi bị nôn, trớ hai ngày không rõ nguyên nhân. Bé không ăn thức ăn lạ, không đi du lịch ở đâu. Chị tham gia diễn đàn bố mẹ chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc con nhỏ tại nhà, thấy các phụ huynh cho rằng đang có dịch tiêu chảy, nhiều người lo lắng liên quan đến bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân ở các nước. Lo con có thể mắc bệnh nào đó chưa được hiểu rõ, chị Minh đưa bé vào Bệnh viện Nhi Trung ương.

Một bé gái 4 tuổi ở Vĩnh Phúc cũng được người nhà đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám do nôn, sốt, đi ngoài không dứt. Mẹ bé cho biết con điều trị tại bệnh viện địa phương 5 ngày không bớt, vào Nhi Trung ương từ ngày 5/5 hiện vẫn chưa khỏi bệnh. Bác sĩ chẩn đoán bé nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, tiếp tục theo dõi sát.

Hiện khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày khám khoảng 200 bệnh nhi, trong đó 10-20 trẻ có triệu chứng nôn, tiêu chảy, tăng nhiều so với thời điểm trước khi nghỉ lễ 30/4. Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) khám 10-30 trẻ mỗi ngày, 40 bệnh nhi đang điều trị nội trú. Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cũng tiếp nhận hàng chục bé mắc bệnh về tiêu hóa, ăn uống kém, rối loạn điện giải, hạ đường huyết…

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết hiện bắt đầu vào mùa hè, thời tiết nắng nóng khiến thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn, các loài côn trùng như ruồi, muỗi, gián, kiến… sinh sôi làm lây lan mầm bệnh. Do đó, mùa hè cũng là mùa trẻ dễ mắc bệnh về đường tiêu hóa.

Tình trạng nhiều trẻ mắc bệnh tiêu hóa phải nhập viện như trên theo tiến sĩ Hà là không bất thường. Tuy nhiên, hiện hơn 20 nước xuất hiện các ca viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân, do đó nhiều gia đình lo lắng con trẻ mắc bệnh này nên đưa vào viện khám.

“Các trẻ nhập viện đều được xét nghiệm, kết quả chưa phát hiện nguyên nhân liên quan tới gan, mật, có thể bệnh là do nhiễm virus hoặc vi khuẩn”, bác sĩ Hà nói.

Bác sĩ Trần Thị Cườm, Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cũng chia sẻ là nhiều phụ huynh lo ngại trẻ mắc bệnh truyền nhiễm nên đổ xô đưa vào viện khám tạo cảm giác là số bệnh nhân tăng. Trên thực tế, bệnh đường tiêu hóa thường xảy ra vào mùa hè – môi trường sống thuận lợi cho vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể gây bệnh.





Bé gái 9 tháng tuổi bị tiêu chảy, nôn, sốt, điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 9/5. Ảnh: Chi Lê

Bé gái 9 tháng tuổi bị tiêu chảy, nôn, sốt, điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 9/5. Ảnh: Chi Lê

Các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh không nên quá hoang mang. lo lắng khi con bị ốm, mà cần bình tĩnh, đánh giá triệu chứng của con xuất hiện như thế nào, ví dụ sớm hay muộn, có liên quan đến các bữa ăn hàng ngày không… Nếu triệu chứng xuất hiện sau một bữa ăn tập thể hoặc chuyến du lịch, phụ huynh có thể nghĩ đến nguyên nhân ngộ độc thực phẩm. Trường hợp bé đi học, ở lớp có nhiều trẻ cùng mắc một chứng bệnh, thì có thể bị nhiễm virus, vi khuẩn.

Theo bác sĩ Hà, trẻ dưới 5 tuổi thường bị tiêu chảy cấp do rotavirus. Trẻ đã được tiêm phòng vẫn có thể bị tiêu chảy do norovirus, calicivirus, adenovirus. Nghiên cứu trên thế giới cho thấy 30-40% trẻ mắc Covid cũng có triệu chứng đường tiêu hóa như sốt, nôn, tiêu chảy; 10% trẻ bị đau bụng, nôn sau khi khỏi Covid 4-6 tuần.

Khi trẻ bị tiêu chảy, người nhà có thể bổ sung oresol pha với đầy đủ lượng nước theo hướng dẫn sử dụng, tránh cho uống dung dịch oresol quá đậm đặc gây rối loạn điện giải, co giật. Không nên sử dụng các nước giải khát công nghiệp vì chứa nhiều đường, dễ thẩm thấu vào máu; cũng không nên chỉ uống nước lọc để bù nước, làm rối loạn điện giải khiến trẻ mệt hơn.

Người lớn cũng không tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng sinh vì có thể gây loạn khuẩn đường ruột, dẫn đến tác dụng không mong muốn của thuốc kháng sinh. Tránh uống thuốc cầm nôn và tiêu chảy vì sẽ làm giảm nhu động ruột, không đào thải được nguyên nhân nhiễm khuẩn, khiến bệnh có xu hướng kéo dài.

Tránh cho trẻ ăn nhiều hơn khi bị nôn, hoặc ngừng sử dụng thức ăn quen thuộc hàng ngày nhằm giảm chứng rối loạn tiêu hóa. Bữa ăn cho trẻ bị bệnh tiêu hóa cần đầy đủ dinh dưỡng, không nên kiêng khem dẫn đến chậm hồi phục niêm mạc ruột, suy dinh dưỡng.

*Tên nhân vật được thay đổi

Chi Lê

Trả lời