Nhiều trẻ nhập viện vì tai nạn trong kỳ nghỉ hè Leave a comment

Nhiều trẻ nhập viện tại BVĐK Tâm Anh TP HCM vì tai nạn trong kỳ nghỉ hè, trong đó 70% bé gặp tai nạn ở độ tuổi từ 1-3 tuổi.

Theo Th.S.BS.CKI Lê Thị Ngọc – Khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết, thời gian gần đây khoa Nhi và khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ đến khám, nhập viện vì tai nạn trong kỳ nghỉ hè. Trong đó, 70% trẻ ở độ tuổi 1-3 tuổi gặp các tai nạn thương tích tại nhà như dị vật đường thở, dị vật đường tiêu hóa, bỏng, uống nhầm thuốc, hóa chất, chấn thương…





Nội soi dạ dày gắp đồng xu mắc kẹt một tuần trong dạ dày bé trai 8 tuổi tại BVĐK Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Nội soi dạ dày gắp đồng xu mắc kẹt một tuần trong dạ dày bé trai 8 tuổi tại BVĐK Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Mới đây, khoa Nhi, tiếp nhận điều trị cho bé Gia An, 14 tháng tuổi được mẹ đưa đến khám vì sưng đau tay trái. Phụ huynh bé chia sẻ, bé ngã từ trên giường xuống đất với độ cao 60 cm. Sau khi ngã, tay bé sưng đau, bé quấy khóc liên tục nên được gia đình đưa đi khám. Bệnh nhi được chụp X-quang kiểm tra, kết quả bé bị gãy tay, phải thực hiện phẫu thuật bắt vít.

Trường hợp khác là bé Minh Khang (2 tuổi), được mẹ đưa đến khám tại khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM vì đau ngực, sau đó 10 phút bé kêu đau tại vùng bụng. Bác sĩ suy đoán có thể bé nuốt dị vật, dị vật đang di chuyển theo đường tiêu hóa từ trên xuống dạ dày. Bé trai kiểm tra, phát hiện dị vật một đoạn dài có kích thước khoảng 2 cm tại tá tràng. Mẹ bé có kể ở nhà bé có thói quen cắn ống hút, nghi ngờ đây là đoạn ống hút nhựa.

ThS.BS.CKI Lê Thị Ngọc cho biết, xem xét trường hợp bệnh nhi này dị vật có khuynh hướng tự đào thải ra ngoài nên bác sĩ đã cho bé uống bổ sung men tiêu hóa, hướng dẫn người nhà cho bé ăn các thức ăn dễ tiêu hóa như cháo lỏng, khoai lang, uống nhiều nước. Đúng như dự tính, sau 2 ngày, bé trai tự đào thải dị vật ra ngoài theo đường tiêu hóa.

Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tiếp nhận nhiều trường hợp nuốt phải dị vật nhưng không thể đào thải ra ngoài theo đường tiêu hóa, mà tiến hành nội soi gắp dị vật. Các dị vật trẻ dễ nuốt phải là: đồng xu, viên bi, mặt dây chuyền, một số hóc dị vật như xương cá, xương gà…

Bệnh viện cũng tiếp nhận trường hợp ngộ độc thuốc điều trị thần kinh rất nặng. Bé 11 tuổi bị rối loạn tự kỷ, thi thoảng có cơn động kinh. Mỗi ngày bé được uống một viên thuốc điều trị bệnh thần kinh theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị tại một bệnh viện trên địa bàn TP HCM. Gần đây mẹ để bé một mình trong phòng xuống nhà nấu cơm, bé lấy được hộp thuốc, uống liền 10 viên. Khoảng 30 phút sau khi rời phòng, mẹ lên kiểm tra thì hiện bé co giật, lơ mơ, người nhà nhanh chóng đưa đến BVĐK Tâm Anh TP HCM cấp cứu. Lập tức, bệnh nhi được súc rửa ruột, điều trị bằng thuốc chống độc, bù dịch liên tục. Tuy bệnh nhi phải điều trị lâu dài, nhưng may mắn em được cấp cứu kịp thời, tránh biến chứng suy gan, suy thận.

Cách phòng tránh tai nạn mùa hè

Thời gian hè, trẻ nghỉ học ở nhà nên phụ huynh có thể lơ là việc trông coi trẻ, do đó dễ xảy ra nhiều tai nạn từ mức độ nhẹ như chấn thương chảy máu đến mức độ nặng nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng. Những tai nạn phổ biến thường gặp trong kỳ nghỉ hè như: ngạt nước, ong đốt, rắn cắn, phỏng, điện giật, uống nhầm hóa chất, dị vật đường thở, sặc sữa, sặc cháo, đuối nước, tai nạn té ngã, vết thương do vật sắc nhọn…

Do đó, phụ huynh cũng cần trang bị cho bản thân, các bé những kỹ năng sống cơ bản như: kỹ năng sơ cứu ngộ độc thực phẩm, sơ cứu rắn cắn, sơ cứu khi bị điện giật, sơ cứu gãy xương… để phòng trường hợp rủi ro có thể xảy ra cho trẻ.





Phụ huynh lưu ý phòng tránh tai nạn trong mùa hè cho trẻ. Ảnh: Shutterstock

Phụ huynh lưu ý phòng tránh tai nạn trong mùa hè cho trẻ. Ảnh: Shutterstock

Tai nạn nào cũng có độ nguy hiểm, nhưng phụ huynh có thể phòng ngừa những nguy cơ cho trẻ. Đặc biệt trong mùa hè, bé thường được đi tắm biển, sông suối, ao hồ, nên phụ huynh cần lưu ý, chỉ cho trẻ đi tắm khi có sự giám sát từ người lớn, địa điểm tắm an toàn, không để bé tắm nơi nước sâu, nước chảy xiết… tránh nguy cơ đuối nước.

Theo bác sĩ Lê Thị Ngọc, phụ huynh nên chủ động việc phòng tránh nguy cơ tai nạn cho trẻ. Nếu phụ huynh đi làm, phải có người trông giữ trẻ trong kỳ nghỉ hè, đặc biệt lưu ý đến nhóm dưới 3 tuổi.

Ngoài ra, phụ huynh cần thiết kế, chăm chút ngôi nhà an toàn cho trẻ. Cha mẹ nên sắp xếp đồ đạc gọn gàng phòng tránh trơn trượt té ngã. Phòng ngủ của trẻ nhỏ phải thiết kế an toàn, giường không quá cao, phải có tấm che chắn phòng trẻ té ngã. Ngoài ra, phụ huynh cẩn trọng với ổ điện, quạt điện, bàn thờ có đèn điện bố trí thấp như bàn thờ ông địa. Gia đình có trẻ nhỏ bắt buộc rào chắn cẩn thận các cửa sổ, lối cầu thang, đề phòng trẻ té ngã. Phụ huynh cần cẩn trọng khi có hồ cá, hồ bơi không có lưới che chắn. Ngoài ra, phụ huynh cần bỏ thói quen tích trữ nước trong những xô, chậu lớn ở trong nhà mà không che chắn vì nhiều trẻ gặp trường hợp “đuối nước trên cạn”.

Trong gia đình tủ thuốc người lớn, trẻ em phải để hộp riêng có khóa. Ngoài ra, gia đình cần phải để thuốc tránh xa tầm tay trẻ em, tuyệt đối không chứa thuốc trong hộp đựng kẹo, chai nước ngọt, siro,…

Tuệ Diễm

Trả lời

2.5098