Những bệnh lý góp phần tăng nguy cơ đột quỵ Leave a comment

Đột quỵ xảy ra khi lưu lượng máu bị gián đoạn hoặc giảm, thường là hậu quả của một tình trạng như tiểu đường, tăng huyết áp hoặc nhiễm trùng.

Đa số các cơn đột quỵ thường xảy ra đột ngột, nhưng thực tế có những yếu tố rủi ro xảy ra trong nhiều năm mà mọi người không chú ý. Hầu hết những người trải qua cơn đột quỵ đều có một vài yếu tố như lớn tuổi, căng thẳng, béo phì, thói quen hút thuốc, lối sống ít vận động hoặc di truyền. Bên cạnh các yếu tố lối sống, các bệnh lý cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Bệnh tim: có thể bẩm sinh hoặc phát triển theo độ tuổi. Bệnh tim gây ra thay đổi trong lưu lượng máu khắp cơ thể, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và có khả năng dẫn đến đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Sau một cơn đau tim, cơ tim trở nên suy yếu, gây khó khăn cho việc bơm máu hiệu quả. Giảm cung cấp máu cho não có thể dẫn đến đột quỵ.

Nhịp tim không đều hoặc rối loạn nhịp tim góp phần hình thành cục máu đông. Chúng có thể di chuyển đến não và bị mắc kẹt trong các mạch máu nhỏ dẫn đến đột quỵ.





Đột quỵ có liên quan đến yếu tố tim mạch. Ảnh: Freepik

Đột quỵ có liên quan đến yếu tố tim mạch. Ảnh: Freepik

Huyết áp cao: huyết áp cao hoặc tăng huyết áp làm tổn thương các mạch máu đi khắp cơ thể, bao gồm tim, não và động mạch cảnh. Các mạch máu này khả năng cao hình thành cục máu đông dẫn đến đột quỵ do thiếu máu cục bộ.

Bệnh tiểu đường: là tình trạng khiến cơ thể khó duy trì mức đường huyết bình thường. Người mắc bệnh tiểu đường không được kiểm soát thường có mức đường huyết cao liên tục gây ra thay đổi chuyển hóa trong cơ thể. Những thay đổi này làm hỏng động mạch, gây ra bệnh nội sọ, bệnh động mạch cảnh và các bệnh khác của động mạch tim. Tất cả làm tăng đáng kể khả năng bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ.

Cholesterol cao: như tăng huyết áp và tiểu đường, có thể làm hỏng động mạch tim, động mạch cảnh và não. Cholesterol có xu hướng gây dính trong mạch máu làm tăng cơ hội hình thành cục máu đông trong mạch máu và gián đoạn quá trình cung cấp máu lên não.

Bệnh nội sọ: là tình trạng các mạch máu dẫn máu đến não bị tổn thương, hẹp hoặc không đều, thường là do tăng huyết áp, tiểu đường hoặc cholesterol cao. Các mạch máu ở cổ là động mạch cảnh. Nếu hẹp hoặc không đều, chúng có thể hình thành cục máu đông đọng lại trong các mạch máu của não.

Thai kỳ: mang thai có thể làm tăng nguy cơ đông máu và nó thường liên quan đến rối loạn đông máu cơ bản hoặc tình trạng viêm.

Bệnh tự miễn: một số rối loạn tự miễn dịch có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh tự miễn dịch như lupus, nguy cơ đột quỵ và các biến chứng đông máu khác sẽ tăng nhẹ.

Nhiễm trùng nặng: nhiễm trùng có thể dẫn đến hình thành các cục máu đông, mất nước hoặc suy tim. Mối liên hệ giữa nhiễm trùng và đột quỵ được cho là có liên quan đến sự gia tăng tình trạng viêm nhiễm khiến khả năng bị đột quỵ cao hơn.Trên thực tế, ngay cả sức khỏe răng miệng kém, gây nhiễm trùng miệng nhẹ cũng có liên quan đến đột quỵ.

Ung thư: có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ và cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, viêm và các vấn đề về đông máu. Tất cả các yếu tố này có thể dẫn đến đột quỵ.

Rối loạn đông máu: các tình trạng ảnh hưởng đến khả năng đông máu đều dẫn đến đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Những người bị rối loạn đông máu có khuynh hướng hình thành các cục máu đông, có thể đi khắp cơ thể và lưu trú trong não, cắt đứt nguồn cung cấp máu.

Virus gây suy giảm miễn dịch: ở người như HIV và AIDS có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, viêm và ung thư, gián tiếp làm tăng nguy cơ đột quỵ

Bệnh động mạch vành (CAD): là khi các mạch máu của tim bị tổn thương. Bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ cao hơn so với bệnh nhân có trái tim khỏe mạnh.

Phình động mạch não: là mạch máu có hình dạng bất thường với hình dạng chìa ra ngoài, thường xuất hiện từ khi trẻ mới sinh ra. Nó có thể bị vỡ do huyết áp dao động quá mạnh hoặc bệnh nặng. Phình mạch có thể là nguyên nhân đột quỵ nhưng rất ít.

Dị tật động tĩnh mạch (AVM): là một bất thường về mạch máu, khi bị vỡ sẽ gây ra đột quỵ xuất huyết. Đôi khi, AVM cũng có thể gây ra các thiếu hụt thần kinh bằng cách “đánh cắp” lưu lượng máu từ các mô não xung quanh.

Rối loạn chảy máu: chẳng hạn như bệnh máu khó đông, không có khả năng hình thành cục máu đông thích hợp dẫn đến chảy máu quá nhiều và kéo dài. Mặc dù chảy máu não hiếm khi liên quan đến rối loạn chảy máu nhưng nó có thể dẫn đến đột quỵ xuất huyết nếu xảy ra.

Anh Chi (Theo VeryWellHealth)

Trả lời