Những cách đơn giản giúp mẹ bầu giảm phù chân Leave a comment

Chân bị phù nề, sưng tấy gây cảm giác khó chịu; uống nhiều nước và thay đổi chế độ ăn uống là những cách giúp thai phụ thoải mái hơn.

Dưới đây là những cách giúp thai phụ giảm phù chân trong giai đoạn thai nghén.

Giảm lượng natri

Một cách giúp bà bầu giảm phù chân khi mang thai là hạn chế lượng natri (muối) ăn vào. Muối làm cho cơ thể phụ nữ giữ thêm nước. Mẹ bầu cố gắng tránh thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn, những sản phẩm này đặc biệt chứa nhiều natri. Ngoài ra, thai phụ hạn chế cho thêm muối ăn vào thức ăn hằng ngày. Thay vào đó, mẹ bầu sử dụng các loại thảo mộc mặn như hương thảo, cỏ xạ hương, rau kinh giới, vừa tăng thêm hương vị vào món ăn mà không cần dùng đến muối.

Tăng lượng kali

Phụ nữ không bổ sung đủ kali có thể khiến tình trạng sưng tấy trở nên trầm trọng hơn bởi kali giúp cân bằng lượng chất lỏng trong cơ thể. Một số thực phẩm tự nhiên chứa nhiều kali mẹ bầu nên ăn như khoai tây (cả vỏ), khoai lang (cả vỏ), chuối, rau bina, đậu, nước trái cây (lựu, cam, cà rốt), sữa chua, cá hồi.

Giảm lượng caffeine

Trong thời gian mang thai, phụ nữ uống nhiều caffeine không có lợi cho em bé, đồng thời làm tình trạng phù nề trở nên tệ hơn. Caffeine là một chất lợi tiểu, khiến mẹ bầu đi tiểu nhiều hơn. Thay vào đó, thai phụ hãy thử một ly cà phê decaf với sữa hoặc trà thảo mộc bạc hà để tăng cường năng lượng tốt cho cơ thể.

Uống nhiều nước

Mẹ bầu cố gắng uống ít nhất 10 cốc nước mỗi ngày để giữ cho thận đào thải chất độc hại ra ngoài. Nếu cảm thấy khó chịu khi uống nhiều nước, bà bầu có thể tạo hương vị bằng chanh, bạc hà hoặc quả mọng để tạo cảm giác thú vị hơn.

Nâng cao chân và thư giãn

Bà bầu lưu ý cố gắng ngồi và luôn gác chân lên khi có thể. Việc ngồi nhiều không tốt cho quá trình tuần hoàn nhưng đứng liên tục cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cơ thể bà bầu. Ngồi nâng chân lên cao một chút, đặc biệt là vào cuối ngày giúp thai phụ thoát chất lỏng tích tụ ở chân suốt cả ngày.

Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái

Nếu mẹ bầu mặc quần áo chật, đặc biệt là quanh cổ tay, thắt lưng, mắt cá chân sẽ khiến tình trạng phù nề trở nên trầm trọng hơn. Việc phụ nữ mặc đồ bó khiến máu khó lưu thông. Thai phụ nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái với những chiếc váy maxi dành cho bà bầu vào mùa hè hay áo len dáng thụng vào mùa đông.





Bà bầu thường phù chân khi mang thai. Ảnh: Verywellfamily

Bà bầu thường phù chân khi mang thai. Ảnh: Verywellfamily

Mang vớ cao đến thắt lưng

Nếu phụ nữ đang gặp phải tình trạng bàn chân phù nề mà phải đi lại thường xuyên thì hãy mang vớ cao đến thắt lưng, loại tất này bóp nhẹ bàn chân giúp lưu thông máu. Thai phụ không nên đi các loại tất cao đến đầu gối, loại này thường chật ở giữa chân khiến tình trạng sưng tấy trở nên trầm trọng hơn.

Đi bộ

Mẹ bầu nên đi bộ 5-10 phút vài lần mỗi ngày giúp cải thiện tuần hoàn và giảm sưng. Đây cũng là một cách để tập thể dục an toàn cho thai kỳ.

Đi giày thoải mái

Mang giày thoải mái, vừa vặn là chìa khóa giúp thai phụ giảm phù nề bàn chân, ngăn ngừa các vấn đề về hông, lưng có thể phát sinh khi trọng tâm thay đổi và trọng lượng tăng lên. Các dây chằng trong cơ thể bà bầu bị giãn ra khi mang thai, do đó, bàn chân sẽ thay đổi kích thước.

Massage

Massage giúp lưu thông các chất lỏng tích tụ ở bàn chân của mẹ bầu, do đó sẽ làm giảm sưng tấy. Việc massage không chỉ giúp giảm sưng mà còn giúp giảm bớt một số căng thẳng xảy ra khi mang thai.

Ngủ nghiêng về bên trái

Ngủ nghiêng về bên trái giúp thai phụ cải thiện lưu lượng máu, giảm sưng bàn chân. Nằm nghiêng về bên trái sẽ làm giảm áp lực của tử cung lên tĩnh mạch chủ dưới, đây là mạch máu lớn đưa máu trở về tim của bà bầu.

Thời điểm khiến thai phụ bị phù chân thường rơi vào tuần 28 của thai kỳ. Khi đến tuần thứ 40 của thai kỳ, ngón chân của mẹ bầu thường sưng lên. Tử cung của thai phụ cũng trở nên nặng hơn nhiều khi thai nhi lớn lên, điều này làm chậm quá trình lưu thông máu từ chân trở về tim. Một số yếu tố góp phần làm phù chân như: thời tiết nóng, mất cân bằng chế độ ăn uống, uống không đủ nước. Phù chân là vấn đề rất thường gặp khi phụ nữ mang thai, tuy nhiên, đôi khi đây là dấu hiệu cảnh báo chứng tiền sản giật.

Thăm khám bác sĩ ngay nếu thai phụ có dấu hiệu sưng tay, chân, mặt hoặc quanh mắt, chóng mặt, mờ mắt, đau đầu dữ dội, đau bụng (phần trên bên phải của bụng), lú lẫn, khó thở. Trong trường hợp thai phụ sưng ở một bên chân kèm theo đau, đỏ hoặc nóng, điều này cảnh báo mẹ bầu bị huyết khối tĩnh mạch sâu (có cục máu đông, thường ở chân).

Quỳnh Anh (Theo Healthline)

Trả lời

1.4037