Những điều cần biết khi tầm soát ung thư cổ tử cung Leave a comment

Chị em không quan hệ tình dục, dùng băng vệ sinh, thuốc đặt âm đạo trong vòng 2-3 ngày trước khi xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung.

ThS.BS Kiều Lệ Biên – Trung Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP HCM, cho biết, để đạt hiệu quả tầm soát ung thư cổ tử cung chính xác, phát hiện sớm, điều trị bệnh kịp thời phái đẹp không quan hệ tình dục trong 2-3 ngày trước khi xét nghiệm; không sử dụng băng vệ sinh (tampons), thuốc đặt âm đạo, không thụt rửa âm đạo trong 2-3 ngày trước khi xét nghiệm. Thời gian tốt nhất để thực hiện Pap’s test ít nhất 5 ngày sau khi sạch kinh. Chị em nên đi tiểu trước khi thực hiện xét nghiệm bởi bàng quang đầy có thể khó chịu.





ThS.BS Kiều Lệ Biên (thứ 2 từ trái qua phải) tư vấn trực tuyến về tầm soát ung thư cổ tử cung tại BVĐK Tâm Anh.

ThS.BS Kiều Lệ Biên (thứ 2 từ trái qua phải) tư vấn trực tuyến về tầm soát ung thư cổ tử cung tại BVĐK Tâm Anh.

Theo bác sĩ Lệ Biên, hiện phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung cho chị em từ 21 tuổi đã quan hệ tình dục gồm: phết tế bào cổ tử cung (cổ điển hoặc nhúng dịch), xét nghiệm HPV, quan sát cổ tử cung bằng dung dịch acid acetic (áp dụng tại cơ sở y tế không có sẵn Pap’s và HPV).

Xét nghiệm tế bào học và HPV được thực hiện trên tế bào cổ tử cung. Quá trình thực hiện nhanh, đơn giản. Các tế bào sẽ được lấy bằng một bàn chải nhỏ, không gây đau, khó chịu, sau đó đặt vào một dung dịch đặc biệt, gửi đến phòng xét nghiệm.





Phát hiện sớm và điều trị bảo tồn sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị và đảm bảo chất lượng sống của bệnh nhân ung thư cổ tử cung. Ảnh: Shutterstock

Phát hiện sớm, điều trị bảo tồn sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị, đảm bảo chất lượng sống của bệnh nhân ung thư cổ tử cung. Ảnh: Shutterstock

Bác sĩ Lệ Biên cho biết thêm, khi người bệnh có kết quả tầm soát bất thường, chuyên gia sẽ chỉ định thực hiện soi cổ tử cung khi cần thiết. Bác sĩ sẽ sinh thiết vùng nghi ngờ, gửi giải phẫu bệnh để chẩn đoán xác định sang thương. Ngoài ra, người bệnh có thể kết hợp với chẩn đoán hình ảnh hiện đại như MRI để đánh giá giai đoạn đối với trường hợp ung thư xâm lấn.

Tuỳ theo mức độ tổn thương, tiền ung thư cổ tử cung được điều trị bằng phương pháp: theo dõi, phá hủy (áp lạnh, đốt điện, laser) hay cắt bỏ sang thương như khoét chóp, điều trị triệt để là cắt tử cung.

Tại Việt Nam, ung thư cổ tử cung là ung thư phổ biến thứ 4 ở phụ nữ, phổ biến thứ 2 ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, sau ung thư vú. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do virus HPV. Khoảng 80% phụ nữ bị nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời nhưng chủ yếu là nhiễm thoáng qua. Trong đó, khoảng 20% trường hợp nhiễm HPV nguy cơ cao dai dẳng gây nên biến đổi tế bào ở cổ tử cung.

Quá trình một phụ nữ nhiễm HPV nguy cơ cao tiến triển thành ung thư xâm lấn mất khoảng 10-15 năm. Trong một số ít trường hợp, khoảng thời gian này rút ngắn còn 1-2 năm. Do đó, tầm soát phát hiện sớm bệnh khi chưa có biểu hiện quan trọng. Điều này có thể xử trí, điều trị kịp thời, giúp giảm tỷ lệ mắc, tử vong do bệnh ác tính. Tổn thương tiền ung thư nếu phát hiện sớm có thể được điều trị khỏi với tỷ lệ rất cao. Do đó, bác sĩ Biên khuyến cáo chị em từ 21 tuổi trở lên nếu đã quan hệ tình dục cần tầm soát bệnh.

Tuệ Diễm

Trả lời