Những điều cần chuẩn bị khi nội soi dạ dày Leave a comment

Nhịn ăn uống từ 6-8 giờ, ngưng một số thuốc từ 2-4 tuần trước khi nội soi, nên có người thân bên cạnh hỗ trợ nếu cần điều trị thêm.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hữu Tùng (Trưởng khoa Nội soi tiêu hóa, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM), nội soi dạ dày là thủ thuật sử dụng ống soi mềm tích hợp đèn và camera đưa vào đường tiêu hóa để phát hiện, đánh giá các tổn thương. Những trang thiết bị hiện đại với tính năng phóng đại và nhuộm màu điện tử giúp bác sĩ nhìn thấy tổn thương ung thư ở giai đoạn rất sớm. Đây là giai đoạn có thể điều trị triệt để bằng can thiệp cắt bỏ tổn thương qua nội soi.

Bác sĩ cũng có thể thông qua nội soi để can thiệp điều trị các bệnh lý ở thực quản dạ dày như cắt polyp, gắp dị vật, cầm máu, thắt tĩnh mạch thực quản… Sinh thiết mẫu mô dạ dày giúp xét nghiệm tìm vi trùng H.pylori hoặc xét nghiệm mô bệnh học nhằm khẳng định tình trạng ác tính của một số tổn thương.





Bác sĩ Hữu Tùng đang nội soi dạ dày. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Hữu Tùng đang nội soi dạ dày. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Trong quá trình nội soi, thuốc gây mê có thể được dùng để hỗ trợ thủ thuật diễn ra thuận lợi, giảm cảm giác khó chịu và lo lắng cho người bệnh. Để đạt được hiệu quả tầm soát, chẩn đoán, điều trị và đảm bảo an toàn, bác sĩ Tùng khuyến cáo người bệnh nên chuẩn bị khi nội soi dạ dày như sau:

Nhịn ăn uống từ 6-8 giờ

Trước khi nội soi dạ dày, yêu cầu đầu tiên là người bệnh phải nhịn ăn tối thiểu 6 giờ. Khi dạ dày trống, bác sĩ sẽ khảo sát rõ bề mặt của niêm mạc bên trong, phát hiện những dấu hiệu bất thường hiệu quả hơn. Với thức uống, người bệnh cũng cần phải kiêng hoàn toàn, đặc biệt các loại nước có màu như trà, cà phê, nước có gas… Vì nó ảnh hưởng đến khả năng quan sát và dẫn đến việc chẩn đoán thiếu chính xác, nhất là khi người bệnh có biến chứng xuất huyết.

Nhịn ăn uống giúp làm rỗng dạ dày, tránh cho người bệnh bị trào ngược, sặc thức ăn và nước vào phổi, dẫn đến viêm phổi, ngạt thở, thậm chí gây tử vong.

Thông báo về việc dùng thuốc

Người bệnh có thể được gây mê ngắn để bớt khó chịu khi làm thủ thuật. Thuốc an thần thường được tiêm qua đường tĩnh mạch. Người bệnh có thể tỉnh lại ngay sau khi kết thúc thủ thuật hoặc 10-15 phút sau thủ thuật. Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc có khả năng kéo dài hơn.

Để tránh biến chứng của gây mê do tương tác thuốc, bác sĩ khuyến cáo người bệnh thông báo về các loại thuốc đang sử dụng, nhất là các loại thuốc điều trị đái tháo đường, ngừa đông máu, thuốc kháng viêm… Một số thuốc ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm vi trùng H.pylori trong dạ dày như kháng sinh, kháng tiết dạ dày, Busmuth… Những thuốc này cần được ngưng 2-4 tuần trước khi nội soi (nếu có kết hợp sinh thiết lấy mẫu thử H.pylori)

Khi có can thiệp thủ thuật điều trị, nếu người bệnh có dùng các thuốc kháng đông hoặc chống ngưng tập tiểu cầu thì phải ngưng từ 3-7 ngày tùy từng loại, để dự phòng xuất huyết trong và sau thủ thuật. Riêng các loại thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc tim mạch không có tác dụng chống đông sẽ tiếp tục được sử dụng.

Sắp xếp công việc và người chăm sóc

Người bệnh thực hiện xong nội soi dạ dày và ra về trong ngày. Nhưng đôi khi vẫn có một số trường hợp đòi hỏi phải nghỉ ngơi nhiều hơn và nên có người bên cạnh chăm sóc, nhất là với người bệnh cao tuổi, trẻ nhỏ hoặc người được can thiệp nội soi điều trị. Nếu được gây mê khi nội soi không nên tự điều khiển xe nhằm tránh té ngã do tác dụng phụ của thuốc. Trường hợp cần phải ở bệnh viện để theo dõi thêm thì nên có người thân bên cạnh.

Theo bác sĩ Tùng, nội soi là thủ thuật ít xâm lấn, an toàn và không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Mặc dù có tỷ lệ rất thấp nhưng một số ít trường hợp có thể gặp các biến chứng trong quá trình nội soi như xây xát niêm mạc, chảy máu, thủng, biến chứng tim mạch và hô hấp do tác dụng phụ của thuốc gây mê… Trong một số trường hợp cần phải hoãn hoặc không được thực hiện thủ thuật như người bị suy hô hấp cấp, suy tim cấp, người có dấu hiệu bất thường về thần kinh hoặc người không thể hợp tác khi thực hiện nội soi, thủng hoặc nghi ngờ thủng đường tiêu hóa…

Bác sĩ Hữu Tùng chia sẻ thêm, để giảm khó chịu khi nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Tâm Anh đang áp dụng phương pháp nội soi không đau. Người bệnh được tiêm một liều thuốc an thần nhẹ đủ để ngủ trong quá trình thực hiện thủ thuật. Điều này cũng giúp cho quá trình diễn ra nhẹ nhàng và hiệu quả hơn.

Hân Thái

Trả lời