Những loại thuốc, dụng cụ y tế cho trẻ cần có trong nhà Leave a comment

Thuốc hạ sốt, ho, chống dị ứng… là những loại thuốc gia đình cần trang bị bởi trẻ thường xuyên ốm, sốt trong những năm tháng đầu đời.

Theo Dược sĩ Phan Thị Khánh Ngọc – BVĐK Tâm Anh, mỗi gia đình có trẻ nhỏ cần trang bị tủ thuốc dự phòng với các danh mục sản phẩm dưới đây.

Thuốc giảm đau và hạ sốt

Paracetamol: đây là thuốc không kê đơn phổ biến, thuốc ưu tiên trong hạ sốt, giảm đau vì có độ an toàn cao, ít tác dụng phụ. Bố mẹ có thể chọn mua loại paracetamol dành riêng cho trẻ em hàm lượng 80 mg, 150 mg và 250 mg dạng gói hoặc đặt hậu môn. Riêng thuốc đặt hậu môn phải bảo quản lạnh, không để chung trong tủ thuốc gia đình.

Phụ huynh cũng cần lưu ý chỉ dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn khi trẻ sốt trên 38,5 độ C, không sử dụng được hạ sốt bằng đường uống. Liều dùng 10-15mg/kg/lần, 3-4 lần một ngày. Dạng 80 mg dùng cho trẻ từ 4-6 kg, tức là trẻ từ 1-5 tháng tuổi. Dạng 150 mg dùng cho trẻ có cân nặng từ 7-12 kg, tức là từ 6 tháng đến 1 tuổi. Dạng 250 mg dùng cho trẻ từ 13-24 kg, tức là trẻ từ 2-9 tuổi. Khi sử dụng thuốc hạ sốt, các lần dùng nên cách nhau khoảng 4-6 giờ (nếu dùng quá liều có thể gây ngộ độc).

Gia đình tuyệt đối không dùng aspirin cho trẻ em dưới 12 tuổi vì có liên quan đến hội chứng Reye, một rối loạn hiếm gặp ảnh hưởng tới não và gan và có thể dẫn đến tử vong cho trẻ.





Mỗi gia đình có trẻ nhỏ cần trang bị tủ thuốc cần thiết. Ảnh Shutterstock

Mỗi gia đình có trẻ nhỏ cần trang bị tủ thuốc cần thiết. Ảnh Shutterstock

Thuốc ho

Các thuốc siro thảo dược là loại an toàn cho trẻ em. Ngoài ra có một số thuốc chuyên biệt như thuốc giãn phế quản dạng bình xịt dành cho bé bị hen suyễn khi lên cơn. Phụ huynh cần thận trọng với thuốc ho chứa dextromethorphan (đặc biệt với trẻ dưới 6 tuổi) vì có nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng.

Thuốc chống dị ứng

Những thuốc chống dị ứng thường dùng giúp trẻ chống lại phản ứng dị ứng nhẹ làm giảm triệu chứng của viêm mũi dị, cảm cúm, ngứa, nổi mề đay. Một số thuốc có tác dụng phụ gây buồn ngủ, không nên dùng cho trẻ dưới 2 tuổi nếu không có sự tư vấn của bác sĩ nhi khoa.

Thuốc đau bụng, ói, tiêu chảy, đầy hơi

Gia đình trang bị thuốc dùng cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa, ói mửa, đầy hơi. Hydrite hay Oresol giúp bù nước điện giải khi bị bệnh tiêu chảy.

Thuốc bôi ngoài da

Kem dưỡng da hoặc kem bôi da tại chỗ giúp chữa trị vết thương do côn trùng cắn và phát ban. Thuốc mỡ giúp làm lành những vùng da, môi bị nứt nẻ hay thoa hậu môn bị nứt hoặc bôi làm trơn hậu môn trước khi đi tiêu ở trẻ bị táo bón. Đối với những gia đình có trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cần có sẵn kem chống hăm chứa kẽm oxid, petrolatum có tác dụng bảo vệ da khỏi ẩm ướt.

Thuốc sát trùng

Trong tủ thuốc gia đình nên có lọ thuốc sát trùng thông dụng để sát trùng vết thương ngoài da, đồng thời chống nhiễm trùng cho vết thương. Cồn 70 độ hay 90 độ thường dùng để sát trùng tay trước khi thao tác. Dầu khuynh diệp có tính sát khuẩn giảm sưng dành cho những trường hợp bị côn trùng cắn đốt (muỗi đốt chẳng hạn) hay thoa lúc bị cảm lạnh.

Nước muối sinh lý

Dung dịch NaCl 0,9% (còn gọi là nước muối sinh lý) được dùng để nhỏ mắt, mũi khi bé bị sổ mũi, nghẹt mũi hoặc đơn giản là làm sạch mắt, mũi của bé.





Trẻ khó chịu vì mắc bệnh rối loạn tiêu hóa. Ảnh: Shutterstock

Trẻ khó chịu vì mắc bệnh rối loạn tiêu hóa. Ảnh: Shutterstock

Ống hút mũi

Ống hút mũi rất cần thiết cho gia đình có trẻ nhỏ giúp hút chất nhầy ra khỏi mũi bị nghẹt.

Dụng cụ đo lường

Xylanh, cốc, thìa dùng để đo liều lượng thuốc, giúp trẻ uống thuốc đủ và đúng cách.

Bông, băng, gạc y tế

Tủ thuốc cần có sẵn bông, băng dán cá nhân, băng gạc và băng dính để cầm máu, lau chùi và băng bó vết thương. Gia đình trang bị kéo và kẹp bằng inox để cắt, thực hiện các thao tác chăm sóc.

Nhiệt kế

Trong tủ thuốc cần có một nhiệt kế điện tử để theo dõi nhiệt độ cơ thể trẻ. Phụ huynh cần đưa bé đi khám với bác sĩ nếu trẻ sốt cao trên 39 độ C.

Một số lưu ý khi xây dựng tủ thuốc gia đình

Dược sĩ Khánh Ngọc cho biết, phụ huynh dùng thuốc thông thường trị các rối loạn nhẹ ở trẻ. Sau một ngày nếu không đỡ phải đưa trẻ đến bác sĩ khám bệnh. Trẻ em không được dùng thuốc của người lớn chia nhỏ, cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi cho bé dùng.

Đối với tủ thuốc gia đình, nên để ở nơi khô ráo, thoáng mát, không có ánh nắng chiếu trực tiếp, tránh xa tầm với của trẻ nhỏ. Hàng năm, phụ huynh cần tiến hành rà soát tủ thuốc một lần để loại bỏ những sản phẩm hết hạn. Gia đình nên giữ nguyên bao bì của những loại thuốc đã mua để biết thông tin quan trọng như hạn sử dụng, liều dùng, cách bảo quản.

Ngoài ra, phụ huynh nên dán hoặc treo cạnh tủ thuốc hướng dẫn xử trí sơ cứu trong những trường hợp khẩn cấp như bị bỏng, bị đột quy, số điện thoại của bệnh viện, bác sĩ gia đình. Trong tủ nên để sổ y bạ hoặc sổ để ghi chép theo dõi sức khỏe các thành viên khác trong gia đình. Trong sổ nên ghi tóm tắt về những lần trẻ ốm, thuốc trẻ đã dùng, kỳ tiêm vaccine đã thực hiện, những kỳ hẹn tiếp theo.

Các loại thuốc riêng của từng thành viên nên trữ theo tiền sử bệnh của người đó (thuốc hen, xoang, cao huyết áp, thuốc chữa đau bụng kinh…). Trên cánh cửa tủ thuốc nên ghi rõ danh mục các loại thuốc, đồ dùng y tế có trong tủ để dễ kiểm soát.

Dược sĩ Khánh Ngọc cho biết, xây dựng tủ thuốc gia đình cần thiết. Tuy nhiên, hàng năm có không ít trường hợp phải nhập viện vì dùng sai thuốc, dùng phải thuốc quá hạn, tai nạn do trẻ nhỏ uống nhầm thuốc vì tưởng kẹo… Vì vậy, phụ huynh cần thiết xây dựng tủ thuốc gia đìnhdễ sử dụng, an toàn dựa trên nguyên tắc từ đơn giản đến phức tạp.

Tuệ Diễm

Trả lời