Những lý do khiến đầu gối bị đau khi chạy bộ Leave a comment

Hội chứng đau bánh chè, viêm bao hoạt dịch hay rách sụn chêm là những nguyên nhân khiến đầu gối bị đau khi chạy bộ.

Chạy bộ là cách hiệu quả để tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, môn thể thao này có thể ảnh hưởng đáng kể đến cơ thể, nhất là đầu gối, bởi đây là khu vực có tần suất hoạt động cao và là nơi gánh chịu áp lực trọng lượng cơ thể. Dưới đây là những chấn thương thường gặp khi chạy bộ. khiến đầu gối bị đau.

Hội chứng đau bánh chè

Hội chứng đau trước đầu gối hay còn gọi là đau bánh chè. Khi mắc phải hội chứng này, người chạy sẽ xuất hiện cảm giác đau xung quanh phía trước đầu gối hoặc phía sau xương bánh chè. Theo các chuyên gia y tế, cơn đau sẽ trầm trọng hơn nếu người bệnh thực hiện các cử động như chạy xuống dốc, ngồi xổm hoặc lên xuống cầu thang.

Khi mắc hội chứng đau bánh chè, người bệnh nên nghỉ ngơi và chườm đá ngay. Sau khi khỏi bệnh, mỗi người nên dành 15 phút đi bộ trước khi chạy để giảm thiểu nguy cơ chấn thương, đồng thời kết hợp thêm các bài tập giãn cơ hoặc các môn tăng cường khác.

Hội chứng dải chậu chày

Hội chứng dải chậu chày (Iliotibial Band Syndrome) thường mang đến cảm giác đau nhói ở mặt ngoài đầu gối. Đây là một chấn thương rất phổ biến ở những vận động viên chạy bộ. Cơn đau xảy ra do dây chằng bị bó chặt và bị viêm khi người chạy ngả đầu gối vào bên trong quá nhiều hoặc do chân chưa đủ khỏe để đón nhận lực chạy quá nhanh.

Cách tốt nhất để xoa dịu cơn đau là hãy nghỉ ngơi ít nhất một tuần. Ngoài ra, người mắc hội chứng này nên thực hiện các bài tập giãn cơ vài lần mỗi ngày và các bài tập tăng cường sức mạnh cho hông.





Hội chứng dải chậu chày do người chạy hay ngả đầu gối vào bên trong quá nhiều. Ảnh: Freepik

Hội chứng dải chậu chày do người chạy hay ngả đầu gối vào bên trong quá nhiều. Ảnh: Freepik

Viêm gân xương bánh chè

Gân của xương bánh chè có nhiệm vụ kết nối xương bánh chè với xương ống quyển. Khi gân này bị căng thẳng lặp đi lặp lại có thể dẫn đến đau và cứng khớp gối, gây ra tình trạng viêm gân xương bánh chè. Dấu hiệu nhận biết tình trạng này là cảm giác đau liên tục và giảm dần. Nếu người bệnh thực hiện các vận động mạnh như leo cầu thang hay ngồi xổm, cơn đau sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.

Tương tự như các cách giảm đau thông thường, người bệnh cần chườm đá và nghỉ ngơi. Để ngăn ngừa viêm gân xương bánh chè tái phát, người chạy cần tăng cường các bài tập căng cơ tứ đầu và thay giày chạy bộ để bảo vệ gân gót chân.

Rách sụn chêm

Sụn chêm có tác dụng giảm xóc giữa xương đùi và xương chày. Tình trạng rách sụn chêm có thể xảy ra khi người chạy thay đổi hướng đột ngột. Ngoài ra, người cao tuổi cũng có nguy cơ mắc phải tình trạng này do sụn chêm yếu đi theo tuổi tác. Theo các chuyên gia y tế, dấu hiệu nhận biết khi rách sụn chêm là cảm giác đau và sưng tấy ở đầu gối, cứng khớp gối, khó khăn khi di chuyển hoặc cảm giác lộp độp khi vận động mạnh.

Để điều trị rách sụn chêm, người bệnh sẽ được chỉ định nẹp đầu gối và các hoạt động không chịu lực từ 4-6 tuần như bài tập vật lý trị liệu hoặc căng cơ nhẹ nhàng. Nếu muốn ngăn ngừa bệnh tái phát, người chạy nên mang giày phù hợp với chân để tránh bị ngã hoặc trẹo đầu gối.

Viêm bao hoạt dịch

Cảm giác đau ở phía trên xương bánh chè hoặc ở mặt trong của đầu gối bên dưới khớp là dấu hiệu của tình trạng viêm bao hoạt dịch khớp gối. Trong trạng thái bình thường, các túi dịch này có tác dụng bôi trơn và nuôi dưỡng những sụn khớp của cơ thể. Khi bị chấn thương, các bao hoạt dịch sẽ phản ứng lại bằng cách sản sinh ra chất dịch nhiều hơn bình thường và dẫn đến tình trạng tụ dịch trong các ổ khớp và gây viêm nhiễm bao hoạt dịch. Do đó, người bệnh sẽ cảm thấy đau khi di chuyển.

Để giảm bớt cảm giác khó chịu, người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc hoặc chọc hút dịch và phẫu thuật. Ngoài ra, phương pháp vật lý trị liệu cũng được khuyến khích.

Huyền My (Theo Health.com, Verywell Fit)

Trả lời