Những mẹo giúp trẻ tăng cân lành mạnh Leave a comment

Không cho trẻ uống nhiều nước trước khi ăn, hạn chế nạp calo rỗng, ăn nhiều bữa nhỏ một ngày… giúp thúc đẩy sự thèm ăn, tăng cân lành mạnh.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhẹ cân ở trẻ. Giai đoạn sơ sinh, trẻ không phát triển có thể do các vấn đề về bú, chẳng hạn như: khó khăn khi bú mẹ, dị ứng với các thành phần trong sữa, trào ngược. Trẻ em ở mọi lứa tuổi có thể chậm lớn do: dị ứng hoặc không dung nạp thực phẩm; bị bệnh; vấn đề về răng miệng; tình trạng tiêu hóa; các vấn đề về hành vi, phát triển hoặc thần kinh.

Bên cạnh đó, một số loại thuốc cũng có thể cản trở sự thèm ăn, gây sụt cân ở trẻ em. Thuốc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) có thể gây tác dụng phụ giảm cảm giác thèm ăn. Nếu cha mẹ cho rằng thuốc ảnh hưởng đến sự thèm ăn hoặc tăng cân của trẻ, hãy tham khảo tư vấn của bác sĩ nhi khoa. Phụ huynh lưu ý đừng dừng bất kỳ loại thuốc nào đột ngột.

Đôi khi, tình trạng nhẹ cân ở trẻ có thể chỉ đơn giản là do chúng không hấp thụ đủ calo so với lứa tuổi. Những em bé năng động, đang lớn có thể cần nhiều năng lượng hơn, chẳng hạn các bé trai trước tuổi dậy thì thường cần mức calo tương đương người lớn.





Thịt đỏ chứa nhiều dinh dưỡng, có thể chế biến thành nhiều món ăn, kích thích sự thèm ăn của trẻ. Ảnh: Freepik

Thịt đỏ chứa nhiều dinh dưỡng, có thể chế biến thành nhiều món ăn, kích thích sự thèm ăn của trẻ. Ảnh: Freepik

Tuy nhiên, dấu hiệu tích cực là bất kể nguyên nhân nào khiến trẻ chậm tăng cân, các bậc phụ huynh có thể kiểm soát sự phát triển của con bằng chế độ ăn uống. Các chuyên gia khuyến nghị sử dụng đa dạng thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và calo góp phần tạo ra các bữa ăn bổ dưỡng, giúp trẻ tăng cân lành mạnh.

Trong đó, protein gồm các loại thịt đỏ (thịt bò, lợn, trâu); thịt trắng (thịt gà, ngan, vịt); xúc xích heo, sườn heo, thịt xông khói, giăm bông; cá béo (cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá lóc, cá basa); các loại hạt, bơ hạt (quả hồ đào, óc chó, hạnh nhân, hạt chia, hạt lanh); các loại đậu (đậu phụ, sữa đậu, đậu lăng, đậu phộng, đậu Hà Lan); trứng…

Các sản phẩm bơ sữa có: sữa, sữa chua, phô mai, sữa lên men… Chất béo gồm dầu oliu, dầu bơ, dầu hạt cải, bơ miếng, mayonnaise… Các loại carbohydrate như: cơm, bún phở, bánh mì nguyên cám, ngô, khoai tây, khoai lang, ngũ cốc giàu chất xơ… Rau củ quả có: chuối, bơ, cam, dừa, nho… các loại rau xanh. Các loại đồ uống gồm: sinh tố với các thành phần quan trọng như sữa chua béo, bơ hạt, nước cốt dừa…; sữa sôcôla, cacao nóng với sữa nguyên chất…





Chọn đa dạng thực phẩm để làm nguyên liệu nấu ăn cho trẻ, vừa cung cấp đủ dinh dưỡng, vừa tạo sự thèm ăn. Ảnh: Freepik

Chọn đa dạng thực phẩm để làm nguyên liệu nấu ăn cho trẻ, vừa cung cấp đủ dinh dưỡng, vừa tạo sự thèm ăn. Ảnh: Freepik

Để thúc đẩy cảm giác thèm ăn của bé, cha mẹ có thể thử các mẹo dưới đây.

Không cho trẻ uống quá nhiều loại nước

Hydrat hóa rất quan trọng đối với trẻ em từ giai đoạn sơ sinh đến tuổi thiếu niên. Nhưng đôi khi bé uống quá nhiều loại nước có thể làm giảm khoảng trống trong bụng. Để làm tăng cảm giác thèm ăn trước bữa cơm, cha mẹ nên cho con ăn trước, uống nước sau. Ngoài ra, tránh đồ uống có đường như nước ngọt, nước hoa quả vì chúng chứa loại đường không tốt cho sức khỏe, trí não của trẻ.

Cho trẻ ăn bất cứ khi nào lên cơn đói

Đối với trẻ khó tăng cân, cho phép trẻ ăn bất cứ lúc nào trong ngày có thể là một biện pháp thúc đẩy cảm giác thèm ăn có thể chấp nhận, thay vì bắt trẻ phải ăn đúng bữa chính, bữa phụ.

Ăn nhiều bữa nhỏ mỗi ngày

Đây là một chiến lược song hành với mô hình ở trên. Thay vì một lịch ăn sáng, trưa, tối chặt chẽ, các bậc phụ huynh có thể cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày. Con có thể hấp thụ nhiều calo hơn bằng cách ăn 6-8 bữa nhỏ mỗi ngày so với ăn ba bữa.





Ăn nhiều bữa trong ngày có thể giúp trẻ chậm tăng cân nạp nhiều calo hơn. Ảnh: Freepik

Ăn nhiều bữa trong ngày có thể giúp trẻ chậm tăng cân nạp nhiều calo hơn. Ảnh: Freepik

Hạn chế trẻ nạp nhiều calo rỗng

Các thực phẩm như nước ngọt, khoai tây chiên và thức ăn nhanh có thể làm tăng cân, nhưng những lựa chọn này thường ít chất dinh dưỡng nên không có lợi cho sức khỏe của bé. Vì vậy, hãy chọn các thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.

Bổ sung các thực phẩm giàu calo lành mạnh

Cha mẹ không nên chọn các sản phẩm đóng gói “thân thiện với trẻ” vì thực tế không giống như quảng cáo. Thay vào đó, các chuyên gia khuyến nghị nên kết hợp thực phẩm bổ sung nhiều calo vào chế độ ăn hàng ngày. Bơ hạt, quả bơ, nước cốt dừa và nhiều nguyên liệu giàu calo lành mạnh khác có thể được chế biến thành sinh tố cho trẻ ăn giữa các bữa chính.

Đừng giới hạn trẻ vận động

Về cơ bản, tăng cân là một phép tính giữa lượng calo nạp vào, lượng calo bị đốt cháy. Do đó, một số phụ huynh có xu hướng hạn chế các hoạt động hàng ngày của trẻ. Nhưng trẻ em cần vận động nhiều. Trừ khi được bác sĩ khuyên, nếu không cha mẹ không nên giới hạn sự hoạt động của con.

Tham khảo chuyên gia dinh dưỡng

Tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia dinh dưỡng, đặc biệt là bác sĩ nhi khoa, có thể tạo nên sự khác biệt. Với kiến thức chuyên môn về dinh dưỡng trẻ em, các chuyên gia nhi khoa có thể hướng dẫn phụ huynh đưa ra những lựa chọn tốt nhất cho chế độ ăn uống của con.

Châu Vũ (Theo Healthline)

Trả lời