Những người phục vụ thầm lặng tại SEA Games 31 Leave a comment

Những phút cuối trận chung kết bóng chuyền nam giữa Việt Nam và Indonesia, sau pha tranh chấp bóng, một cầu thủ ngã vật ra sân, hai tay ôm cổ chân phải, co rúm vì đau đớn.

“Lấy băng ca”, bác sĩ ngoài đường biên giọng gấp gáp. Tuyển thủ bị thương mang áo số 20, là tay đập cao nhất của đội tuyển Việt Nam. Ngay lập tức, ba nhân viên y tế có mặt, sơ cứu tại chỗ cho anh. Đánh giá tình trạng khá nghiêm trọng, tổ cấp cứu đưa cầu thủ này ra khỏi sân để không ảnh hưởng trận đấu. Hàng trăm người trên khán đài dừng hò reo, theo dõi thao tác của đội cấp cứu.

“Tuyển thủ bị lật cổ chân khá nặng, không thể tiếp tục thi đấu”, bác sĩ Dương Văn Linh (Trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh – phụ trách chính tổ cấp cứu) thông báo cho ban huấn luyện, rồi chuyển bệnh nhân vào bệnh viện để kiểm tra chuyên sâu. Cầu thủ này cần 2-3 tháng mới có thể bình phục hoàn toàn. Đây cũng là ca chấn thương nặng nhất mà các y bác sĩ tiếp nhận trong nửa tháng phục vụ tại SEA Games 31 vừa qua.

Bác sĩ Linh cho biết, anh và các đồng nghiệp nhận nhiệm vụ phục vụ tại sự kiện thể thao này hồi cuối tháng 4. Khi đó, ai cũng tự hào vì được lựa chọn, song cũng rất hoang mang vì không biết SEA Games sẽ tổ chức thế nào, mọi người có được vào xem, hay “có ca Covid thì ảnh hưởng thế nào đến trận đấu”… Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm chống dịch trong suốt hai năm, có chuyên môn, giỏi ngoại ngữ, anh tự tin mình và đồng nghiệp sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trong 17 ngày diễn ra giải, Bệnh viện Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh điều động gần 40 nhân viên y tế gồm 11 bác sĩ , 22 điều dưỡng, ba lái xe cấp cứu. Thông thường, mỗi trận đấu huy động hai đội cấp cứu túc trực, riêng trận chung kết là ba đội. Ngoài ra còn có đội phòng chống dịch, đội quản lý an toàn thực phẩm…

Mỗi ngày, bác sĩ Linh cùng đồng nghiệp có mặt từ 9h và chỉ trở về nhà khi trận đấu cuối cùng trong ngày kết thúc. Riêng đội bác sĩ tại khu vực nghỉ của vận động viên phải túc trực 24/24h. Hầu hết vận động viên chỉ gặp chấn thương nhẹ, áp lực điều trị ca nặng gần như không có, còn các bác sĩ đều thuần thục kỹ năng xử lý tình huống nội khoa, ngoại khoa cho cả vận động viên, trọng tài và cả người đến cổ vũ. Chưa kể, không khí làm việc không bị ám ảnh tiếng máy thở, tiếng còi cấp cứu… mà chỉ có tiếng hò reo, cổ vũ, được bác sĩ Linh ví là “trải nghiệm khó quên” sau 14 năm theo nghề.

SEA Games 31 là sự kiện lớn đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới với Covid. “Làm thế nào đảm bảo phòng chống dịch, tránh lây nhiễm Covid cho hơn 7.000 vận động viên, 3.000 khách mời tham dự cũng như khán giả đến sân?” là nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho Bộ Y tế.

Cục trưởng Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê – Phó trưởng Thường trực Tiểu ban Y tế và Kiểm tra doping, ngày 25/5 cho biết Bộ và các đơn vị đã nhiều lần họp để trả lời câu hỏi “làm thế nào để sẵn sàng nhận nhiệm vụ”. Trong đại dịch, nhiều nhân viên y tế đã bị vắt kiệt sức. Hơn 25.000 y bác sĩ lên đường vào phía Nam và gần 3.500 người trong đó bị lây nhiễm, hàng chục người qua đời.

Cục trưởng Khuê chia sẻ: “Ít ai biết rằng trước thời điểm SEA Games 31 khai mạc, ngành y tế đã đối mặt với câu hỏi hóc búa liệu có hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình Việt Nam vừa trải qua làn sóng dịch bệnh khốc liệt”.

Lần này, gần 2.000 nhân viên y tế được huy động tham gia hỗ trợ các hoạt động tại SEA Games. Ngành y tế 12 tỉnh, thành phố chuẩn bị nhân lực, thiết bị, thuốc men… phục vụ sự kiện. Trong đó, Quảng Ninh là địa phương tổ chức nhiều môn thi đấu như bóng chuyền, bóng ném, cờ tướng, cờ vua…, chỉ sau Hà Nội nên áp lực rất lớn.

Những ngày đầu, công việc của các đội y bác sĩ tương đối nhẹ nhàng. Về sau, nhiều vận động viên bị chấn thương do tần suất thi đấu dày, tâm lý căng thẳng cần hỗ trợ, có người không hợp khẩu vị, đau bụng, tiêu chảy… nên áp lực dồn lên nhân viên y tế nhiều hơn. Trong đó, khâu tổ chức là bài toán khó, nhất là khi diễn biến dịch đang phức tạp.





Sau khi sơ cứu, các y bác sĩ tổ cấp cứu nhanh chóng di chuyển tuyển thủ bị thương ra ngoài đường biên bằng cáng để không làm ảnh hưởng đến trận đấu. Ảnh: An Tô

Sau khi sơ cứu, các y bác sĩ tổ cấp cứu nhanh chóng di chuyển tuyển thủ bị thương ra ngoài đường biên bằng cáng để không làm ảnh hưởng đến trận đấu. Ảnh: An Tô

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Phòng Y học, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia, phụ trách y tế cho đội tuyển bóng ném nam và nữ. Anh cho biết chấn thương thường gặp với cầu thủ bóng ném là ở vùng cổ chân, đầu gối và vai. Anh luôn nhắc nhở các vận động viên tập luyện nhẹ nhàng, cẩn trọng, không để bị thương.

Khó khăn thứ hai là nhiều vận động viên kiệt sức sau thi đấu nhưng phải di chuyển dài mới được về nơi nghỉ ngơi. Do đó, anh vừa điều trị, chăm sóc vừa là bác sĩ tâm lý để động viên, khích lệ mọi người. Đặc biệt, trong vòng loại bóng ném nam, một cầu thủ bị rách đuôi lông mày bên phải sau va chạm với bóng. Ngay lập tức, anh đưa cầu thủ này ra ngoài, sát khuẩn, xử lý vết thương, gây tê tại chỗ và khâu 4 mũi. 15 phút sau, cầu thủ này đã vào sân tiếp tục thi đấu tranh suất vào bán kết.

“Bác sĩ phải biết cách nhận biết mức độ chấn thương của cầu thủ để có phương án xử trí phù hợp”, Tuấn Anh nói. Ở bệnh viện có đầy đủ thiết bị, bác sĩ dễ dàng đưa ra chẩn đoán và phác đồ. Còn trên sân thi đấu, bác sĩ phải tự phán đoán mức độ chấn thương, từ đó đưa ra quyết định vận động viên có thể tiếp tục thi đấu hay phải dừng lại, tránh đánh giá chủ quan dẫn đến sai sót nguy hiểm.

Ngày đội tuyển bóng ném nam và nữ nhận được huy chương vàng, bác sĩ Tuấn Anh nhắn tin “khoe” với nhiều đồng nghiệp, bạn bè. Anh nói đùa “từ hôm nay có thể kê cao gối ngủ, vì tất cả đều hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.





Nhân viên y tế luôn có mặt kịp thời để xử trí, cấp cứu kịp thời các trường hợp chấn thương khi thi đấu. Ảnh: Minh Trí

Nhân viên y tế có mặt kịp thời để xử trí, cấp cứu kịp thời các trường hợp chấn thương khi thi đấu. Ảnh: Minh Trí

Tham gia đội ngũ y tế chăm sóc vận động viên ngay trước khi SEA Games bắt đầu, bác sĩ Nguyễn Trường An, Trung tâm Phục hồi chấn thương Thể thao Quốc tế (IRC) cũng tất bật với khối lượng công việc lớn.

Thời gian đầu, anh và mọi người mất nhiều thời gian để làm quen. Công việc nhiều, thời gian tập dày đặc, số lượng vận động nhiều mà mỗi người lại có một vấn đề riêng biệt khiến cho bác sĩ An thêm áp lực. Nhiều hôm về, toàn thân anh đau nhức mỏi, hai mắt trũng xuống vì thiếu ngủ nhưng vẫn cười nói động viên các tuyển thủ. Theo anh, hầu hết vận động viên đều đau mỏi cơ, lệch cổ chân, đau đầu gối song đều được hướng dẫn cách giãn cơ, giảm đau, hạn chế chấn thương. Tại buổi tập, anh và đồng nghiệp luôn “đi trước, về sau”, tập trung theo sát các vận động viên để kịp thời đưa ra phương án khi có tình huống bất ngờ.

“Mỗi vị trí đều có đặc thù riêng, như người phục vụ giai đoạn luyện tập thì phải đảm bảo VĐV không bị chấn thương dẫn đến bỏ giải, còn trong lúc thi đấu phải xử trí nhanh, phán đoán chính xác. Thật may là tất cả hoàn thành tốt, vị trí nhất toàn đoàn là kết quả xứng đáng”, bác sĩ An nói.

Bộ Y tế ghi nhận, trong thời gian diễn ra SEA Games 31, phát hiện 58 trường hợp mắc Covid, trong đó 42 người là vận động viên, đều thể nhẹ hoặc không triệu chứng. Các y bác sĩ đã cấp cứu kịp thời cho nhiều trường hợp bị chấn thương, kiệt sức. Trong đó, một vận động viên Campuchia đau ruột thừa, một vận động viên khác lên cơn động kinh, vận động viên marathon bị ngất và hôn mê tại chỗ.

CĐV ấn tượng các sân thi đấu SEA Games đầy ắp khán giả

Khán giả đầy khán đài để theo dõi các trận đấu tại SEA Games 31. Video: Văn Phú

Ông Khuê cho rằng điều ấn tượng nhất ở SEA Games năm nay là sự ủng hộ của người dân. Các nhà thi đấu, sân vận động đầy ắp khán giả, kể cả trận đấu không có đội nước chủ nhà. Đặc biệt, trận chung kết bóng đá với hơn 40.000 cổ động viên là hình ảnh ấn tượng mà các nhân viên y tế tự hào nhất, “chứng minh đại dịch kiểm soát và mọi người đã hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Hiện, các y bác sĩ đã quay trở lại với công việc thường ngày. Bác sĩ Tuấn Anh, bác sĩ Trường An tiếp tục chăm sóc cho vận động viên tại trung tâm thể thao. Bác sĩ Linh và nhiều y bác sĩ ở 11 tỉnh khác trở về với công việc thăm khám, điều trị bệnh nhân thông thường. Thỉnh thoảng hết ca, vãn người bệnh, anh Linh và mọi người lại nhớ khoảng thời gian phục vụ tại SEA Games.

“Người Việt Nam rất yêu thể thao và chúng tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng vừa được xem thể thao, vừa góp sức cho sự kiện thành công, niềm vui nhân lên nhiều lần”, bác sĩ Linh nói qua điện thoại trước khi quay lại buồng bệnh để tiếp tục công việc.

Thùy An

Trả lời