Những nguyên nhân di truyền khiến trẻ biếng ăn Leave a comment

Khả năng đốt cháy năng lượng chậm, hormone kích thích ăn uống hoạt động kém, nhạy cảm với vị đắng… do một số gene quy định có thể khiến trẻ biếng ăn.

Sau giờ tan ca là chị Minh Uyên (quận 8, TP HCM) lại tất bật đi chợ, mua nguyên liệu tươi ngon về nấu ăn cho đứa con 2 tuổi, chỉ mong con ngon miệng. Song người mẹ trẻ lại nén tiếng thở dài. “Con không ăn món bên ngoài, chỉ chịu mỗi món mẹ nấu nhưng cũng được 5-6 muỗng là thôi. Nhìn thấy con người ta ăn béo tròn, phát ham mà con mình sao ngao ngán quá! Dù dụ đủ các kiểu nhưng con vẫn phun thức ăn phèo phèo”, chị trải lòng. Bác sĩ bảo con suy dinh dưỡng thể nặng nên chị thêm phiền muộn. Qua thực hiện các xét nghiệm chị mới biết, gene GHRL kích thích sự thèm ăn của con hoạt động kém.

Trẻ ăn uống không ngon miệng, biếng ăn, suy dinh dưỡng là lo lắng của rất nhiều phụ huynh. Nhiều mẹ tâm sự, mỗi khi đến bữa là lại như “cuộc chiến” giữa hai mẹ con. Mẹ dù áp dụng nhiều cách nhưng con vẫn không hợp tác, mím chặt môi và đôi khi còn chống cự bằng cách quấy khóc.

Bác sĩ Hà Thị Mỹ Hạnh tư vấn về dinh dưỡng và di truyền tại công ty Genetica cho biết, trẻ biếng ăn có thể do nhiều nguyên nhân sinh lý và bệnh lý. Nguyên nhân khách quan có thể do thời gian ăn của bé kéo dài 45-60 phút, khiến bé không tiết đủ dịch vị, chưa kịp tiêu hóa hết đã đến bữa ăn sau. Cha mẹ cũng nên lưu ý một số cách chọn món, chế biến chưa phù hợp với khẩu vị của bé nên con không hào hứng khi đến bữa.

Bác sĩ Mỹ Hạnh chia sẻ thêm, trẻ biếng ăn còn có thể do một số nguyên nhân trong nội tại cơ thể bé như khi cảm sốt, mệt mỏi hoặc mắc một số bệnh lý khác. Trong một số giai đoạn, trẻ em có cảm giác không ngon miệng, ăn kém và phụ huynh không nên quá lo lắng. Trẻ biếng ăn kéo dài cần được bác sĩ thăm khám vì có thể nguyên nhân đến từ bệnh lý.

Cũng có khi phụ huynh dù đã áp dụng nhiều cách từ thăm khám, bổ sung chất dinh dưỡng, uống thuốc, trang trí bữa ăn… nhưng trẻ vẫn “kén cá chọn canh”. Bác sĩ Mỹ Hạnh giải thích thêm, trong trường hợp này, một số xét nghiệm gene còn có thể hỗ trợ cha mẹ hiểu về đặc điểm sinh lý, dinh dưỡng của trẻ để xây dựng bữa ăn cho phù hợp. Ví dụ kết quả giải mã gene có thể hỗ trợ cha mẹ biết cảm nhận vị đắng của trẻ thế nào, nhu cầu các loại vitamin và khoáng chất của con ra sao để kích thích con ăn uống. Đây là những nguyên nhân từ gene nên có thể khó biết hay quan sát được.





Trẻ đến bữa không chịu ăn, lâu dần có thể gây thiếu hụt chất dinh dưỡng. Ảnh: Freepik

Trẻ đến bữa không chịu ăn, lâu dần có thể gây thiếu hụt chất dinh dưỡng. Ảnh: Freepik

Ảnh hưởng của gene đến khả năng ăn uống, chuyển hóa

Bác sĩ Mỹ Hạnh chia sẻ thêm, trong cơ thể có một hormone là ghrelin với chức năng chính là điều tiết cảm giác thèm ăn. Gene GHRL có chức năng tạo ra hormone ghrelin kích thích sự thèm ăn. Trường hợp trẻ biếng ăn có thể bị lỗi gen GHRL dẫn tới cơ thể của bé không tổng hợp ra ghrelin hoặc có tổng hợp nhưng nồng độ ghrelin rất thấp. Do đó, trẻ không có cảm giác đói bụng và thèm ăn, dẫn tới nhu cầu ăn kém hơn các trẻ khác.

Xét về góc độ di truyền, một số trẻ biếng ăn có thể do từ cha mẹ. Những phụ huynh đã biếng ăn từ thời thơ ấu thì thường con của họ cũng không dễ dàng trong chuyện ăn uống. Một số gene trong cơ thể do di truyền từ phụ huynh ảnh hưởng đến nhu cầu ăn uống của bé.

Chẳng hạn trẻ có thể cảm nhận vị đắng cao trong một số loại rau quả, trái cây do gene T2R38 tác động. Gene này có chức năng tổng hợp ra protein TAS2R38 với khả năng nhận biết vị đắng. Những bé có cả cha và mẹ mang gen T2R38 và thừa hưởng hai bản sao này sẽ có thể rất nhạy với vị đắng. Khi chỉ có mang một gene T2R38 thì mức độ cảm nhận vị đắng trung bình. Nếu không thừa hưởng bản sao nào thì trẻ cảm nhận vị đắng rất kém. Do đó, nếu bữa ăn có kết hợp thêm rau hoặc một số món khác là con thấy đắng và không thích ăn.

Các loại vitamin nhóm B và khoáng chất kẽm, sắt có thể kích thích trẻ ăn uống ngon miệng hơn. Với trẻ có nhu cầu cao các vitamin và khoáng chất này, nếu gia đình không biết và bổ sung kịp thời sẽ ảnh hưởng đến vị giác của con. Khi trẻ có nhu cầu vitamin nhóm B cao, phụ huynh có thể tăng cường bổ sung các thực phẩm chứa vitamin B trong bữa ăn của con.

Loại vitamin này có sẵn trong một số thức ăn và cũng có thể được thêm vào trong nhiều loại thực phẩm bổ sung. Các nguồn giàu vitamin B2 gồm trứng, nội tạng (như gan, thận), thịt nạc, sữa ít béo, rau xanh (như măng tây, bông cải xanh, rau bina), bánh mì và ngũ cốc. Qua phân tích một số gene có liên quan đến các vi chất, phụ huynh có thể biết được nhu cầu của con là cao hay thấp. Thông thường, kết quả xét nghiệm cho thấy nhu cầu vi chất của trẻ càng thấp càng tốt.

Việc chuyển hóa (đốt cháy năng lượng) nhanh hay chậm các chất bột đường, chất đạm, chất béo… cũng có ảnh hưởng đến khả năng ăn uống của trẻ. Một số trẻ có khả năng chuyển hóa “chậm”, việc đốt cháy năng lượng chậm khiến cơ thể ít có cảm giác lâu đói hơn nên dẫn đến việc không muốn ăn. Những bé có khả năng chuyển hóa nhanh thì nhanh đói hơn. Ở các bé ăn nhiều nhưng nếu vận động, tập thể dục đều đặn thì cha mẹ cũng không cần lo lắng chuyện tăng cân.

Kết quả xét nghiệm gene còn có thể giúp ích cho bác sĩ dinh dưỡng hiểu thêm về đặc điểm bên trong cơ thể của trẻ. Từ đó, bác sĩ cùng phụ huynh có thể kết hợp nhiều biện pháp để kích thích con ăn uống, giúp trẻ bắt kịp đà tăng trưởng, khỏe mạnh hơn.

Kim Uyên

Trả lời