Những nguyên nhân gây nhược thị ở trẻ nhỏ Leave a comment

Mắt lác, cận thị, viễn thị hay loạn thị ở trẻ là những nguyên nhân hình thành nên tình trạng nhược thị vĩnh viễn trong tương lai.

Nhược thị (mắt lười) là một trong những tình trạng phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Theo Cleveland Clinic, nhược thị có thể ảnh hưởng từ 2%-4% trẻ em từ 15 tuổi trở xuống. Tình trạng này thường ít được phát hiện cho đến khi trẻ thực hiện kiểm tra mắt. Vì vậy, mọi bé nên được tầm soát thị lực sớm, thường xuyên. Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, nhược thị có thể khiến đôi mắt trở nên đờ đẫn, luôn nhìn về hướng khác; đồng thời khiến đôi mắt bị giảm hoặc mất thị lực vĩnh viễn. Dưới đây là những nguyên nhân gây nên tình trạng nhược thị ở trẻ.

Mắt lác

Mắt lác là tình trạng đôi mắt không nhìn thẳng được mà thường nhìn theo hai hướng khác nhau. Lác trong do điều tiết là loại lác trong hay gặp nhất và thường xảy ra ở trẻ em tuổi hoặc hơn. Với loại lác này, khi trẻ tập trung để nhìn rõ vật thì cả hai mắt sẽ nhìn vào trong. Sự di chuyển hướng nhìn này có thể xảy ra khi tập trung nhìn vật ở khoảng cách xa, ở gần, hoặc cả hai.





Trẻ bị nhược thị thường xuất hiện triệu chứng nhìn mờ hoặc nheo mắt. Ảnh: Freepik

Trẻ bị nhược thị thường xuất hiện triệu chứng nhìn mờ hoặc nheo mắt. Ảnh: Freepik

Tật khúc xạ

Tật khúc xạ xảy ra khi ánh sáng đi vào mắt không hội tụ vào đúng vị trí trên võng mạc; từ đó khiến mắt nhìn vật trở nên nhòe, mờ hoặc không rõ. Ba tật khúc xạ phổ biến gồm cận thị, viễn thị và loạn thị. Khi trẻ mắc tật khúc xạ, trẻ sẽ có cảm giác căng mỏi mắt, nhức đầu một bên mắt hoặc nheo mắt khi nhìn xa. Nguyên nhân gây ra thường do ngồi sai tư thế hoặc mắt thường xuyên hoạt động trong môi trường ánh sáng kém.

Đục thủy tinh thể

Nhiều người nghĩ rằng đục thủy tinh thể chỉ gặp ở người cao tuổi, nhưng trẻ em vẫn có thể mắc chứng bệnh này. Khi thủy tinh thể bị vẩn đục, các tia sáng sẽ không thể đi qua được võng mạc, khiến mọi thứ trở nên mờ hơn. Tình trạng này thường xảy ra do di truyền (chiếm 10-25%) hoặc do người mẹ bị nhiễm khuẩn trong thai kỳ. Theo các chuyên gia y tế, trẻ sơ sinh cần được điều trị tình trạng này khẩn cấp để ngăn ngừa mất thị lực vĩnh viễn vì đây là loại nhược thị nghiêm trọng nhất.

Ngoài 3 nguyên nhân trên, trẻ vẫn có thể mắc nhược thị bởi các yếu tố nguy cơ như sinh thiếu tháng (sinh non), trẻ sơ sinh nhẹ cân, gia đình có tiền sử giảm thị lực hoặc các bệnh lý khác về mắt, khi trẻ được chẩn đoán chậm phát triển.

Hướng điều trị và phòng ngừa nhược thị

Theo Hiệp hội Đo thị lực Mỹ khuyến cáo, các phụ huynh nên cho trẻ kiểm tra thị lực kỹ lưỡng trước 6 tháng tuổi, một lần nữa trước khi chúng được 3 tuổi. Trong đời sống hằng ngày, cha mẹ cũng có thể nhận biết con có bị mắc bệnh nhược thị qua các biểu hiện khi trẻ đang xem tivi, chơi đùa hoặc đọc sách như: đôi mắt không nhìn cùng một hướng, trẻ thường nheo hoặc nhắm mắt, một bên mắt của trẻ hay nhìn vào trong hoặc nhìn ra ngoài, trẻ nghiêng đầu khi nhìn,…

Nhược thị cần được chữa trị dựa trên nguyên nhân. Theo các chuyên gia y tế, hầu hết các trẻ em sẽ được khuyến khích đeo kính, sử dụng thêm thuốc nhỏ mắt để giúp mắt tập trung, điều chỉnh các vấn đề thị lực cơ bản như cận thị, viễn thị, loạn thị hoặc mắt lác. Trong tình trạng bị đục thủy tinh thể, các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phẫu thuật.

Bên cạnh việc điều trị nhược thị theo chỉ định của bác sĩ thì một số một số bài tập cho mắt giúp bạn cải thiện. Dưới đây là các bài tập dễ thực hiện dành cho trẻ:

Đưa mắt theo chiều kim đồng hồ và ngược lại: Dùng mảnh giấy nhỏ che một bên mắt cho trẻ. Sau đó, hướng dẫn bé chuyển động mắt theo kim giây đồng hồ trong 2 phút, thực hiện cho bên mắt còn lại.

Dùng bút chì: Với bài tập này, phụ huynh cần cầm một chiếc bút bất kỳ rồi đưa thẳng tay ra trước mặt bé và di chuyển từ trái sang phải. Hướng dẫn bé để mắt di chuyển theo chiều của bút. khoảng 10 lần trong 1 lần tập.

Huyền My (Theo Cleveland Clinic, Mayo Clinic, Healthline)

Trả lời