Những nguyên nhân gây trễ kinh Leave a comment

Sức khỏe, lối sống và mức độ căng thẳng là nguyên nhân khiến kỳ kinh trở nên bất thường và có thể biến mất trong 3 tháng liên tiếp.

Trễ kinh (chậm kinh) là biểu hiện của chu kỳ kinh nguyệt bất thường. Đây là hiện tượng đến kỳ hành kinh nhưng vẫn chưa xuất hiện kinh nguyệt. Tuy nhiên, trễ kinh không phải lúc nào cũng là dấu hiệu mang thai. Theo Verywell Health, các chị em có thể trễ kinh từ một đến hai tháng, hoặc bị vô kinh hoàn toàn trong ba tháng liên tiếp hoặc nhiều hơn. Dưới đây là những nguyên nhân khiến phụ nữ bị trễ kinh.

Tập thể dục quá mức

Tập thể dục thường xuyên là một cách tuyệt vời để duy trì sức khỏe như ngăn ngừa các bệnh mạn tính, tăng cường sức khỏe thể chất cũng như tinh thần. Tuy nhiên, tập thể dục với cường độ cao và quá mức có thể khiến lượng estrogen trở nên thấp hơn bình thường; từ đó, ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng và kinh nguyệt.

Theo các chuyên gia khuyến nghị, một hoặc hai giờ tập thể dục sẽ không gây ra những thay đổi về nội tiết tố. Nếu đang trong kế hoạch tập luyện, các chị em cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để tối ưu hóa chế độ ăn uống, tăng cường thêm các bài tập giãn cơ, thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Căng thẳng

Căng thẳng mạn tính có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Bởi lúc này, cơ thể sẽ sản sinh ra một loại hormone gọi là cortisol. Hormone này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản sinh các nội tiết tố nữ như estrogen và progesterone. Sự rối loạn của 2 loại nội tiết tố này là nguyên nhân chính gây trễ kinh. Theo thời gian, căng thẳng còn có thể dẫn đến bệnh tật hoặc tăng hoặc giảm cân đột ngột, tất cả đều có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.





Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Ảnh: Freepik

Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Ảnh: Freepik

Thay đổi về cân nặng

Bất kỳ thay đổi nào về cân nặng đều có thể làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt. Béo phì sẽ khiến cơ thể sản xuất quá mức estrogen và gây ra bất thường trong chu kỳ, thậm chí nó còn có thể làm ngừng kinh hoàn toàn. Trong khi đó, tình trạng thiếu cân cũng làm tạm dừng quá trình rụng trứng vì cơ thể không có đủ chất béo và chất dinh dưỡng cần thiết.

Ngoài ra, các bệnh và những rối loạn phổ biến liên quan đến cân nặng như béo phì, biếng ăn, ăn vô độ hoặc bệnh đái tháo đường cũng có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt trở nên bất thường.

Tiền mãn kinh

Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (Mỹ), độ tuổi trung bình của việc bắt đầu thời kỳ mãn kinh là 51. Còn lại, thời kỳ mãn kinh xảy ra trước 40 tuổi được gọi là mãn kinh sớm (tiền mãn kinh). Trong thời gian này, một số phụ nữ sẽ gặp phải tình trạng chậm kinh. Theo các nhà khoa học lý giải, những thay đổi hormone trong thời điểm này sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình phóng thích trứng; từ đó kinh nguyệt chậm, ít hơn hoặc tắt kinh trong vài tháng.

Dùng biện pháp ngừa thai

Một số biện pháp ngừa thai, đặc biệt là các phương pháp nội tiết tố có thể là nguyên nhân gây trễ kinh. Theo Medical News Today, biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố thường cung cấp một dạng estrogen kết hợp với progesterone trong một khoảng thời gian nhất định. Sau đó là một vài ngày không có hormone. Chính việc tạm ngừng các hormone này sẽ gây ra rối loạn kinh nguyệt.

Bên cạnh đó, những hormone trong thuốc còn có thể khiến lớp niêm mạc tử cung quá mỏng. Khi niêm mạc tử cung không đủ dày thì sẽ không bong tróc và xuất hiện kỳ kinh không đều đặn.

Hội chứng buồng trứng đa nang

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một tình trạng khiến cơ thể của phụ nữ sản xuất nhiều nội tiết tố nam androgen. U nang hình thành trên buồng trứng và gây nên tình trạng mất cân bằng nội tiết tố; từ đó làm cho quá trình rụng trứng không đều hoặc ngừng hoàn toàn.

Ngoài ra, các bệnh về tuyến thượng thận, khối u tuyến yên, u nang buồng trứng, rối loạn chức năng gan hoặc bệnh tuyến giáp cũng có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt mất cân bằng.

Cho con bú

Trong giai đoạn đang con bú, các bà mẹ có khả năng bị trễ kinh nguyệt nhẹ, kinh nguyệt không đều hoặc vô kinh. Nguyên nhân do chất prolactin có trong sữa mẹ làm hoạt động của hệ thống hạ đồi, tuyến yên và buồng trứng bị thay đổi; từ đó làm chậm chu kỳ kinh nguyệt.

Theo Verywell Health, nhiều phụ nữ lầm tưởng cho con bú là một hình thức kiểm soát sinh sản. Tuy nhiên, ngay cả khi không có kinh lúc đang cho con bú, các chị em vẫn có khả năng mang thai.

Huyền My
(Times of India, Verywell Health, Medical News Today)

Trả lời

2.5347