Những sai lầm phổ biến khi vệ sinh tai mũi họng Leave a comment

Lấy ráy tai thường xuyên, súc họng bằng nước muối thật mặn hay lạm dụng xông mũi… có thể khiến bệnh tai mũi họng nặng hơn.

BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng – Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, tai mũi họng được xem là cửa ngõ quan trọng để ngăn chặn sự xâm nhập của các loại virus, vi khuẩn, nấm. Nếu vệ sinh những cơ quan này đúng cách sẽ giúp diệt các mầm bệnh, hạn chế khả năng lây nhiễm bệnh đường hô hấp, bệnh tai mũi họng và nhiều bệnh khác.

Lấy ráy tai thường xuyên

Có nhiều ý kiến cho rằng, tai có cơ chế tự làm sạch và có thể đẩy ráy tai ra ngoài nên lấy ráy tai là một việc làm không cần thiết. Một số quan điểm khác lại cho rằng nên lấy ráy tai thường xuyên để tai được thông thoáng.

Ráy tai được tiết ra từ ống tai và có tác dụng bảo vệ cho ống tai tránh khỏi tổn thương và nhiễm trùng. Trong ráy tai có chất cerumen được tạo ra để bảo vệ và bôi trơn tai. Nếu không có ráy, tai sẽ ngứa và khô.

Theo bác sĩ Hằng, ráy tai giống như bộ lọc, giúp loại bỏ những thứ có hại như bụi bẩn, vi trùng và ngăn chúng vào sâu bên trong tai. Khi nhai, cử động hàm sẽ giúp đẩy ráy tai cũ ra khỏi ống tai đến lỗ tai. Cấu tạo của ống tai dốc ra ngoài giúp đẩy các chất bụi bẩn ra bên ngoài và làm sạch ống tai. Như vậy, về cơ chế chức năng, đôi tai có khả năng tự làm sạch và không cần chăm sóc thêm.

Tuy nhiên, khi ráy tai được đẩy ra ngoài cũng mang theo vi khuẩn và chất bẩn, nếu không được lấy ra kịp thời cũng sẽ ảnh hưởng tới tai. Nhưng theo bác sĩ Hằng, không nên lấy ráy tai thường xuyên. Hơn nữa, ráy tai không hình thành ở phần sâu trong ống tai, nó nằm ở phần bên ngoài. Nếu dùng tăm bông hoặc thứ gì đó tương tự thụt sâu để làm sạch tai sẽ vô tình đẩy ráy tai vào sâu bên trong có thể gây nhiễm trùng.

Khi ráy tai được đẩy ra ngoài ống tai, bạn nên dùng bông gòn, khăn giấy lau nhẹ nhàng bên ngoài để vệ sinh, tránh việc dùng tăm bông, vật sắt nhọn thụt sâu vào trong vì có thể làm tổn thương tai, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh về tai. Một số trường hợp có ráy tai quá dày có thể ảnh hưởng tới khả năng nghe, cần thăm khám để bác sĩ có biện pháp xử lý, can thiệp nhằm bảo vệ tai và đảm bảo chức năng nghe.





Lấy ráy tai thường xuyên sẽ khiến tai mất đi lớp áo giáp bảo vệ tự nhiên khỏi bụi bẩn, vi khuẩn. Ảnh: Freepik.

Lấy ráy tai thường xuyên sẽ khiến tai mất đi lớp “áo giáp” bảo vệ tự nhiên khỏi bụi bẩn, vi khuẩn. Ảnh: Freepik.

Lạm dụng rửa mũi, xông mũi

Theo bác sĩ Hằng, rửa mũi là một phương pháp để phòng và hỗ trợ cải thiện các bệnh về đường hô hấp. Tuy nhiên, lưu ý việc rửa mũi thường xuyên có thể khiến mũi bị nhiễm trùng do dụng cụ rửa mũi ở các gia đình thường không được vô trùng. Rửa mũi thường xuyên bằng nước muối ưu trương cũng sẽ làm khô lớp chất nhầy có tác dụng giữ ẩm, sát khuẩn tự nhiên của niêm mạc mũi. Bởi vì trong mũi, họng đều có một lượng dịch tự nhiên đủ để bôi trơn niêm mạc, có tác dụng ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn và bụi bẩn.

Một biện pháp khác cũng liên quan đến vệ sinh mũi là xông mũi, nhất là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người đã xông đủ loại dung dịch (nước muối, nước tỏi, nước gừng sả) vào mũi vì nghĩ rằng diệt được virus, ngăn bệnh đường hô hấp liên quan. Thực tế, theo bác sĩ Hằng, đây chỉ là một trong những biện pháp giảm tình trạng khó thở do nghẹt mũi hoặc tắc mũi, chứ không diệt virus, không nên lạm dụng.

Cần giữ an toàn khi xông mũi, hơi nóng cao có khả năng gây bỏng rát niêm mạc mũi họng và mỗi lần cũng chỉ xông 10-15 phút, không nên xông quá lâu làm tổn thương mũi. Quan trọng là không nên xông các loại tinh dầu hay dầu có tính cay nóng mạnh như tỏi, dầu gió, dầu cù là vì có thể gây bỏng rát đường hô hấp, cay mắt.





Rửa mũi, xông mũi có thể giảm tình trạng khó thở do ngạt hoặc tắc mũi, nhưng không diệt được virus. Ảnh: Shutterstock.

Rửa hay xông mũi có thể giảm tình trạng khó thở do ngạt hoặc tắc mũi, nhưng không diệt được virus. Ảnh: Shutterstock.

Súc họng bằng nước muối thật mặn

Súc họng hàng ngày giúp phòng ngừa và hỗ trợ cải thiện tình trạng cảm cúm, viêm đường hô hấp trên, làm sạch răng, miệng. Do đó, súc miệng và họng bằng nước muối hay dung dịch sát khuẩn được nhiều người áp dụng. Tuy nhiên, nhiều người quan niệm rằng nước muối càng mặn thì tính sát trùng, sát khuẩn càng cao nên đã tự pha nước muối thật mặn để súc miệng, súc họng hàng ngày. Đây là sai lầm thường gặp.

Bác sĩ Hằng giải thích, súc họng bằng nước muối mặn có thể gây tổn thương niêm mạc vùng họng khiến họng khô rát, thậm chí gây tổn thương viêm họng. Người có các bệnh lý nền như tăng huyết áp dùng nước muối súc miệng nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh những phản ứng xấu, có hại cho sức khỏe.

Bác sĩ Hằng khuyến cáo, có thể súc miệng bằng nước muối pha loãng nồng độ khoảng 0,9%, ấm và các dung dịch sát khuẩn họng mỗi ngày để phòng chống lây nhiễm bệnh đường hô hấp. Ngoài ra, cũng cần lưu ý súc họng và súc miệng là hoàn toàn khác nhau. Nhiều người chỉ vệ sinh miệng chứ chưa vệ sinh họng. Súc họng là để dung dịch sát khuẩn, nước muối xuống tận sâu cổ họng và khò ngược lên, như vậy mới có tác dụng rửa sạch vùng họng. Thời điểm súc họng hiệu quả nhất là khi vừa đi ngoài đường về hoặc sau khi tiếp xúc với những nguồn có nguy cơ lây nhiễm bệnh hô hấp cao; khi cảm thấy đau, rát, vướng, khó chịu ở vùng họng…

Mai Cát

Trả lời

1.4120