Những thói quen làm tăng nguy cơ loãng xương Leave a comment

Chế độ ăn ít calo, lười vận động và lạm dụng thuốc kháng axit là nguyên nhân khiến hệ xương dần yếu ớt.

Loãng xương là một căn bệnh thầm lặng. Theo thời gian, tình trạng này sẽ làm cho xương bị yếu và dẫn đến cấu trúc xương trở nên giòn hơn và hậu quả cuối cùng là gãy xương. Nhiều người nghĩ rằng bệnh loãng xương là một phần tự nhiên và không thể tránh khỏi của tuổi già. Tuy nhiên, các nhà khoa học lại cho biết tình trạng này phần lớn là do thói quen sống của con người và có thể được cải thiện nếu thay đổi sớm. Dưới đây là 5 thói quen phá hủy sức khỏe xương.

Ăn kiêng ít calo

Nhiều người thừa cân thường lựa chọn theo đuổi chế độ ăn kiêng ít calo, với khoảng 800 calo mỗi ngày hoặc ít hơn. Tuy nhiên, các nhà khoa học khuyến cáo chế độ ăn này có thể khiến hàm lượng dinh dưỡng trong cơ thể bị suy giảm và tác động tiêu cực đến sức khỏe của xương. Việc tập thể dục kết hợp với hạn chế calo dẫn đến giảm chất béo trong tủy xương; từ đó khiến xương trở nên mỏng manh và yếu hơn.





Loãng xương sẽ làm mật độ xương bị suy yếu và dễ dẫn đến chấn thương ở hông là phổ biến nhất. Ảnh: Freepik

Loãng xương sẽ làm mật độ xương bị suy yếu và dễ dẫn đến chấn thương ở hông là phổ biến nhất. Ảnh: Freepik

Ít vận động

Dù tập luyện nhiều kèm chế độ ăn ít calo có thể gây vấn đề đối với sức khỏe của xương, nhưng những người không tập thể dục cũng tồn tại nguy cơ loãng xương và gãy xương. Theo Tiến sĩ Alexandra Mavroeidi – giảng viên tại Trường Khoa học Tâm lý & Sức khỏe Strathclyde (Anh), những người có thói quen nằm một chỗ và ít tập thể dục sẽ có nguy cơ mất xương rất cao. Kèm theo đó là các nguy cơ về sức khỏe khác như tăng huyết áp, dễ mắc các bệnh lý về tim mạch và mắc các rối loạn về cơ bắp.

Thiếu vitamin D

Vitamin D có vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể hấp thụ canxi giúp cho hệ xương và răng vững chắc. Tuy nhiên, hàm lượng chất dinh dưỡng này chủ yếu được tạo ra từ cholesterol trong da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Ngoài ra, loại vitamin này cũng tồn tại trong thực phẩm nhưng chỉ chiếm một hàm lượng rất ít. Chỉ một số ít thực phẩm chứa lượng vitamin D đáng kể như: gan động vật, cá hồi, cá mòi, cá ngừ, lòng đỏ trứng. Vậy nên để có đủ vitamin D từ thực phẩm, mỗi người sẽ cần tiêu thụ những loại thực phẩm trên gần như mỗi ngày hoặc sử dụng các thực phẩm chức năng khác để duy trì hệ xương khỏe mạnh.

Hút thuốc lá và uống rượu bia

Các chuyên gia y tế cảnh báo, hút thuốc lá sẽ làm suy yếu sức khỏe của xương và có thể dẫn đến loãng xương. Nguyên nhân là do hoạt chất nicotine làm suy giảm lưu lượng máu đi khắp cơ thể. Kết quả là chức năng tiêu hóa bị ức chế, mất cảm giác thèm ăn và cản trở quá trình hấp thụ canxi. Ở phụ nữ, nó ngăn chặn sự bài tiết nội tiết tố nữ (estrogen), ngăn cản quá trình thải canxi từ xương vào máu. Kết quả là phụ nữ có thói quen hút thuốc có thêm một yếu tố nguy cơ bị loãng xương so với phụ nữ không hút thuốc.

Ngoài ra, những người tiêu thụ hơn 80ml rượu cũng có nguy cơ mất xương theo thời gian. Theo các nhà khoa học, rượu có tác dụng lợi tiểu. Do đó, lượng canxi được cơ thể hấp thụ sẽ có nguy cơ bị đào thải ra ngoài nếu uống nhiều rượu bia.

Lạm dụng thuốc kháng axit

Thuốc kháng axit có tác dụng làm giảm lượng axit trong dạ dày và tăng độ pH. Do đó, loại thuốc này thường được chỉ định cho các triệu chứng như đau dạ dày, khó tiêu, trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày,… Tuy nhiên, các nhà khoa học đã cho thấy việc lạm dụng thuốc kháng axit có thể dẫn đến nguy cơ loãng xương. Theo lý giải, những loại thuốc này sẽ làm giảm việc sản xuất axit clohydric trong dạ dày. Về lâu dài, khả năng hấp thụ trong cơ thể người sẽ bị suy yếu và dẫn đến tình trạng gãy xương hông, cổ tay và cột sống.

Huyền My (Theo Eat This, Not That)

Trả lời