Những thói quen thường ngày có thể gây bệnh đường tiêu hóa Leave a comment

Chế độ, thói quen ăn uống không lành mạnh, không vận động nhiều, căng thẳng… là những nguyên nhân phổ biến gây nên các bệnh về đường tiêu hóa.

Là nhân viên văn phòng, chị La Thy Vi (28 tuổi, TP HCM) thường ngồi liên tục 3-4 tiếng đồng hồ ở bàn làm việc. Công việc nhiều nên có những ngày, chị phải vừa làm việc vừa ăn hoặc bỏ bữa vì quá bận. Sau nhiều tháng, chị Vi xuất hiện những cơn đau nhói xung quanh rốn, lan lên vùng trên (vùng thượng vị), sau khi ăn vào có cảm giác như kim châm kèm buồn nôn, ợ nóng… Đi khám và nội soi tại bệnh viện, chị được chẩn đoán viêm loét dạ dày.

“Bác sĩ bảo viêm loét dạ dày kéo dài có thể gây ra xuất huyết dạ dày. Tôi lại có người thân mắc ung thư dạ dày nên lại càng phải cẩn thận hơn nữa”, chị Thy Vi nói.

Không chỉ viêm loét dạ dày, bệnh về đường tiêu hóa như bệnh rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày, viêm đại tràng và ung thư dạ dày… rất thường gặp ở giới văn phòng và những người ăn uống thiếu khoa học.

Bác sĩ nội tiêu hóa Hoàng Đình Thành, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết, bệnh về đường tiêu hóa đứng hàng đầu trong các bệnh nội khoa tại Việt Nam. Nhiều người Việt mắc bệnh đường tiêu hóa từ nhẹ như rối loạn tiêu hóa, khó tiêu chức năng, trào ngược dạ dày, đến nặng hơn như viêm loét dạ dày mạn tính, teo niêm mạc dạ dày, chuyển sản, loạn sản, viêm ruột, ung thư…

Thống kê của Tổ chức ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2020 cho thấy, tỷ lệ mắc ung thư dạ dày là 9,8% và ung thư đại trực tràng là 9% trong tổng số hơn 182.560 ca mắc ung thư tại Việt Nam. Theo bác sĩ Thành, nguyên nhân phổ biến dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa đến từ chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt không lành mạnh, ít luyện tập, hay căng thẳng.

Chế độ ăn uống thiếu khoa học

Chế độ ăn uống thiếu khoa học như dùng nhiều thực phẩm có tính axit, thực phẩm nhiều dầu mỡ, thực phẩm đóng hộp, thực phẩm nhiều muối… là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh đường tiêu hóa.





Viêm loét dạ dày là một trong những bệnh thường gặp do chế độ ăn uống không lành mạnh, thiếu khoa học. Ảnh: Shutterstock.

Viêm loét dạ dày là một trong những bệnh thường gặp do chế độ ăn uống không lành mạnh, thiếu khoa học. Ảnh: Shutterstock.

Sử dụng thực phẩm nhiễm khuẩn do chưa được làm chín, nhiễm hóa chất độc hại hoặc bảo quản trong điều kiện vệ sinh kém cũng là một trong những con đường đưa vi khuẩn vào đường ruột, làm mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, gây các bệnh về đường tiêu hóa.

Bác sĩ Thành chia sẻ thêm, chế độ ăn ít chất xơ, nhiều thịt, uống nhiều rượu, bia hoặc ăn uống nhiều bột, đường, bánh kẹo ngọt… cũng ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa. Việc ăn uống không lành mạnh còn làm cho nồng độ pH máu bị axit hóa. Khi đó, các tế bào khỏe mạnh sẽ bị ảnh hưởng trong môi trường này, tạo cơ hội cho các tế bào bệnh phát triển.

Ăn uống không điều độ

Thói quen ăn uống ảnh hưởng lớn đến hoạt động của đường tiêu hóa. Nếu ăn không tập trung (vừa ăn vừa lướt điện thoại, xem TV hoặc vừa làm việc…) dẫn đến ăn vội, nhai không kỹ, từ đó gây áp lực lên dạ dày, khiến men tiêu hóa ở khoang miệng và đường ruột tiết ra không điều độ. Điều này gây nên chứng đầy hơi, khó tiêu, gây tiêu chảy, táo bón, dài hạn có thể gây các bệnh tiêu hóa như viêm dạ dày, viêm đại tràng…





Thói quen vừa ăn vừa làm việc không tốt cho đường tiêu hóa. Ảnh: Medical News Today.

Thói quen vừa ăn vừa làm việc không tốt cho đường tiêu hóa. Ảnh: Medical News Today.

Thói quen thường xuyên bỏ bữa, nhất là bữa sáng hoặc để bụng quá đói hoặc quá no cũng tác động xấu đến cơ quan tiêu hóa. Vì khi đó, dạ dày sẽ làm việc quá sức, hoạt động nhu động ruột co bóp chậm, lượng dịch tiêu hóa không đủ gây đầy hơi, khó tiêu, chướng bụng. Thói quen ăn vô độ và ăn bất kỳ thời gian nào cũng làm đảo lộn thời gian sinh học của bài tiết các men tiêu hóa. Điều này ảnh hưởng xấu đến tiêu hóa và hấp thu dưỡng chất.

Việc ăn khuya cũng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của cơ thể. Vì sau khi ăn, cơ thể cần thời gian để tiêu hóa thực phẩm. Ăn khuya khiến nhịp sinh học của các bộ phận chức năng bị rối loạn, làm giảm khả năng phá vỡ cấu trúc thực phẩm, dẫn đến thực phẩm khó được tiêu hóa trọn vẹn. Ăn các thức ăn khó tiêu, đồ chua hay nhiều chất béo vào ban đêm cũng là một trong những nguyên nhân gây trào ngược dạ dày và hại cho gan. Tình trạng axit trào ngược lặp đi lặp lại có thể dẫn tới nhiều vấn đề sức khỏe.

Thường xuyên stress

Hệ tiêu hóa và não có mối liên kết mật thiết. Do đó, stress thường xuyên sẽ sinh ra các vấn đề về tiêu hóa. Bác sĩ Thành giải thích, các chất dẫn truyền thần kinh sẽ yếu đi khi bị stress, trong đó có serotonin có vai trò hỗ trợ điều tiết và kích thích quá trình tiêu hóa. Bệnh nhân sẽ không muốn ăn uống, giảm tiết axit tại dạ dày, gây rối loạn nhu động ruột, từ đó mắc hoặc làm trầm trọng thêm các bệnh như viêm đại tràng co thắt, bệnh dạ dày, tình trạng tiêu chảy, khô miệng, ăn không tiêu…

Ít vận động

Thói quen ngồi làm việc liên tục, ít vận động cũng tác động xấu đến hệ tiêu hóa. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng táo bón, bệnh trĩ… thường gặp ở giới văn phòng. Vận động hàng ngày tạo điều kiện hệ tiêu hóa đưa dinh dưỡng di chuyển dọc theo cơ thể, từ đó giúp cơ thể hấp thu tốt hơn các chất.

Kim Uyên

Trả lời

1.4569