Sỏi thận hoàn toàn có thể ngăn ngừa bằng cách thay đổi những thói quen có hại như ăn nhiều muối, nhiều đạm động vật, uống ít nước…
Sỏi thận là chất cặn cứng từ khoáng chất và muối hình thành trong đường tiết niệu. Nước tiểu chứa nhiều chất thải khác nhau, bao gồm canxi, oxalat và axit uric. Thông thường, chúng sẽ đào thoát khỏi cơ thể khi đi tiểu. Nếu nước tiểu quá cô đặc, nghĩa là không có đủ chất lỏng để pha loãng các chất thải, chúng sẽ tồn tại trong cơ thể và kết tinh, tạo thành sỏi thận.
Sỏi thận có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng bệnh phổ biến nhất ở độ tuổi 30 trở lên. Dù tuổi tác làm tăng nguy cơ bị sỏi thận, những thói quen ăn uống, sinh hoạt cũng đóng một vai trò lớn.
Ăn nhiều đường và muối
Bên cạnh việc gây tăng cân, chế độ ăn cũng liên quan đến việc thu nạp các chất trực tiếp hình thành nên sỏi thận. Các thủ phạm chính bao gồm đường fructose (còn gọi là đường trái cây) có trong đường cát trắng, và muối, làm tăng lượng canxi trong thận.
Để giảm lượng muối, hãy hạn chế một số loại thực phẩm gồm: các loại thịt đã qua xử lý như giăm bông, xúc xích và thịt xông khói, đồ ăn nhẹ tẩm muối, sốt trộn salad, mù tạt, tương cà, nước tương, nước sốt thịt nướng, đồ muối chua, thực phẩm chế biến sẵn…
Ăn nhiều đạm động vật
Thịt đỏ, thịt gia cầm, trứng, sữa và hải sản có thể làm tăng nồng độ axit uric, dẫn đến hình thành sỏi. Hãy giảm tiêu thụ đạm động vật và tăng đạm thực vật từ quả hạch, các loại hạt như hạnh nhân, các loại đậu như đậu phộng hoặc đậu lăng, các sản phẩm từ đậu nành bao gồm sữa đậu nành hoặc đậu phụ.
Ăn thực phẩm giàu oxalat
Không chỉ thực phẩm không lành mạnh mới gây ra vấn đề. Oxalat, hợp chất hữu cơ được tìm thấy trong nhiều loại trái cây, rau và các loại hạt, cũng có thể gây sỏi thận.
Các thực phẩm giàu oxalat có thể tăng nguy cơ hình thành sỏi Calci Oxalat. Calci Oxalat chiếm tỷ lệ cao ở các nước nhiệt đới như Việt Nam. Sỏi này rất cứng và cản quang, có hình dáng gồ ghề, màu vàng hoặc màu nâu.
Một số thực phẩm có lượng oxalat cao gồm: rau bina, củ cải, đậu bắp, quả mâm xôi, quả chà là, quả bơ, cám gạo, bột đậu nành, bột gạo lứt, hạt kê, bột lúa mạch, bột ngô, đậu nành, bột cacao, chocolate nóng, súp miso, khoai tây nướng, khoai tây chiên, các loại ngũ cốc như lúa mì vụn và cám nho khô…
Uống ít nước
Nhiều người bị sỏi thận đơn giản vì uống không đủ nước. Nước giúp thải các khoáng chất dư thừa ra ngoài cơ thể. Khoáng chất có thể tích tụ trong thận, tạo thành sỏi thận, nếu không uống đủ nước.
Các chuyên gia khuyến cáo mỗi người nên uống ít nhất 2 lít chất lỏng mỗi ngày. Những người bị sỏi cystine có thể cần uống nhiều hơn 2 lít.
Nếu cơ thể đủ nước, nước tiểu sẽ có màu vàng nhạt hoặc trong. Nếu đang tham gia các buổi tập luyện cường độ cao hoặc làm việc ngoài trời nắng nóng, hãy đảm bảo rằng bạn bù nước đầy đủ.
Bổ sung canxi, vitamin không đúng cách
Quá nhiều hay quá ít canxi đều có thể dẫn đến sỏi thận. Tốt nhất nên bổ sung canxi qua chế độ ăn uống. Canxi có thể được tìm thấy trong nước trái cây, ngũ cốc hoặc bánh mỳ, một số loại rau đặc biệt là rau có màu xanh như cải xoăn hoặc rau bina, đậu nành, các sản phẩm từ sữa…
Bổ sung canxi có thể hữu ích với người có lượng canxi thấp. Tuy nhiên, dùng quá nhiều chất bổ sung cũng có thể gây ra vấn đề. Hãy trao đổi với bác sĩ về các loại vitamin bạn đang dùng. Thừa vitamin C hoặc D cũng có thể làm tăng nguy cơ tạo sỏi.
Quá cân
Nghiên cứu cho thấy người béo phì dễ bị sỏi thận hơn. Vì vậy, hãy giảm cân hoặc giữ mức cân nặng vừa đủ để giảm nguy cơ mắc sỏi thận.
Sỏi thận là một bệnh phổ biến, thường gặp trong đời sống hàng ngày. Tuy đây là một căn bệnh nguy hiểm nhưng không khó chữa. Mọi người hoàn toàn có thể chủ động dự phòng và chẩn đoán sớm sỏi thận bằng cách quan tâm đến sức khỏe, duy trì một lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống vệ sinh, khoa học.
Anh Ngọc (Theo Urology Center Of Florida)