Những thực phẩm không an toàn đối với trẻ sơ sinh Leave a comment

Trẻ sơ sinh cần nhiều chất dinh dưỡng nhưng thức ăn nhanh, sữa bò hay sữa đậu nành đều không nên nằm trong thực đơn của bé.

Các loại thực phẩm mẹ nên tránh cho trẻ sơ sinh ăn bao gồm mật ong, sữa bò, sữa đậu nành, nước hoa quả, đồ uống có đường, thực phẩm chưa tiệt trùng, thực phẩm thêm đường hoặc quá nhiều natri.

Nguy cơ mắc nghẹn ở trẻ sơ sinh cũng là điều đáng lo ngại. Vì vậy mẹ không nên cho trẻ ăn những miếng lớn, rau sống, các loại hạt, thức ăn cứng hoặc giòn, thức ăn dính, bơ hạt. Nếu trẻ nổi chàm hãy liên hệ bác sĩ về việc cho chúng ăn những thực phẩm dễ gây dị ứng như trứng, đậu phộng, lúa mì, đậu nành, cá, hải sản.

Với trẻ 0 đến 6 tháng

Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) khuyến cáo chỉ nên cho trẻ ăn sữa mẹ hoặc sữa công thức trong khoảng 6 tháng đầu. Tất cả thực phẩm và đồ uống khác mẹ không nên cho trẻ ăn.





Những thực phẩm nhiều calo, đường, muối, ít chất dinh dưỡng đều không tốt cho trẻ sơ sinh. Ảnh: istock

Những thực phẩm nhiều calo, đường, muối, ít chất dinh dưỡng đều không tốt cho trẻ sơ sinh. Ảnh: istock

Với trẻ 6 đến 12 tháng

Mật ong: mật ong có thể chứa bào tử của vi khuẩn clostridium botulinum, gây ngộ độc. Đường ruột của người lớn có thể ngăn chặn sự phát triển của các bào tử này nhưng ở trẻ nhỏ, các bào tử này có thể phát triển, tạo ra độc tố đe dọa tính mạng.

Sữa bò và sữa đậu nành: Mẹ hãy cho trẻ gắn bó với sữa mẹ hoặc sữa công thức cho đến ngày sinh nhật đầu tiên của chúng. Bởi vì em bé khó tiêu hóa các protein có trong sữa bò và sữa đậu nành, đặc biệt chúng chứa một lượng khoáng chất có thể gây hại cho thận của trẻ.

Nước hoa quả và đồ uống có đường: nước hoa quả (thậm chí nước hoa quả nguyên chất 100%) và đồ uống có đường như soda không được khuyến khích cho trẻ em dưới 12 tháng. Mặc dù nước ép trái cây có vẻ tốt cho sức khỏe, nhưng nó nhiều calo và đường hơn so với trái cây tươi, điều này làm trẻ tăng cân và sâu răng. AAP khuyến cáo không dùng nước trái cây cho trẻ sơ sinh và chỉ khoảng 118 ml mỗi ngày cho trẻ mới biết đi từ 1-3 tuổi.

Thực phẩm chưa tiệt trùng: không cho trẻ sơ sinh và trẻ em uống nước trái cây hoặc các sản phẩm từ sữa chưa được tiệt trùng (sống). Chúng có thể chứa vi khuẩn có hại và ký sinh trùng dẫn đến bệnh tật nghiêm trọng hoặc tử vong.

Đường bổ sung: mẹ nên tránh thêm đường trong chế độ ăn của trẻ em dưới 2 tuổi. Quá nhiều đường trong chế độ ăn của trẻ chỉ làm chúng béo phì, tăng nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe tương lai như bệnh tiểu đường, bệnh tim.

Quá nhiều natri: natri là một chất dinh dưỡng thiết yếu được tiêu thụ chủ yếu dưới dạng muối. Tuy nhiên, quá nhiều natri có thể gây hại cho trẻ. Trẻ em ở độ tuổi này không cần nhiều hơn 1.200 mg natri mỗi ngày, mẹ kiểm tra kỹ thông tin dinh dưỡng khi mua thực phẩm đóng hộp, đông lạnh.

Miếng thức ăn lớn: một phần nhỏ thức ăn có thể mắc kẹt trong cổ họng của bé, AAP khuyến nghị rằng mẹ nên cắt thức ăn thành miếng nhỏ. Ví dụ: cắt nhỏ các loại trái cây như nho, cà chua bi, dâu tây, thái nhỏ các loại thịt, rau, pho mai.

Hạt: mẹ loại bỏ hạt và vết rỗ khỏi trái cây tươi như dưa hấu, đào, mận, anh đào trước khi cho trẻ ăn. Tuyệt đối không cho bé ăn các loại hạt, chẳng hạn như hạt hướng dương hoặc hạt bí ngô. Hạt quá nhỏ để làm trẻ bị nghẹn nhưng rất dễ mắc vào đường hô hấp của trẻ, gây nhiễm trùng.

Thực phẩm cứng, giòn: quả hạch, bỏng ngô và bánh quy giòn đều là những thực phẩm có nguy cơ gây nghẹt thở, các loại kẹo cứng, thuốc giảm ho cũng vậy.

Thức ăn dính: việc nhai kẹo cao su và thức ăn dính, chẳng hạn như thạch hoặc kẹo dẻo, trái cây khô có thể khiến trẻ mắc nghẹn. Phô mai cũng có thể là một nguy cơ gây nghẹt thở khi trẻ ăn phải.

Quỳnh Anh (Theo Babycenter)

Trả lời

1.5013