Nỗ lực bao phủ vaccine ở ‘vùng trũng’ tiêm chủng Leave a comment

Liên tục khai trương nhiều trung tâm mới tại các địa phương, áp dụng nhiều ưu đãi, Hệ thống tiêm chủng VNVC nỗ lực giúp người dân tiếp cận với vaccine dễ dàng hơn.

Trong vòng một tuần đầu tháng 5, Hệ thống tiêm chủng VNVC khai trương thêm 2 trung tâm tiêm chủng tuyến huyện là VNVC Thuận An và VNVC Phan Thiết, nâng tổng số trung tâm trên toàn quốc của VNVC lên 66. VNVC Thuận An có diện tích gần 1.000 m2, gồm 20 phòng khám và tiêm. Đây là trung tâm thứ 3 của VNVC tại tỉnh Bình Dương, cho thấy nhu cầu tiêm chủng và phòng bệnh của thành phố năng động này đang rất cao. Trong khi đó, VNVC Phan Thiết là trung tâm tiêm chủng cao cấp đầu tiên tại tỉnh Bình Thuận, nơi có nhiều du khách quốc tế, dân số đông, nhu cầu phòng bệnh cao.





Phụ huynh cho trẻ tiêm vaccine tại VNVC để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Phụ huynh cho trẻ tiêm vaccine tại VNVC để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Sáng ngày 6/5, anh Lê Văn Lân, 32 tuổi, hiện là công nhân tại KCN Đồng An (Thuận An, tỉnh Bình Dương) xin nghỉ ca làm buổi sáng để đến tiêm vaccine cúm và tả tại VNVC Thuận An. Anh cho biết 3 tuần trước, hàng xóm có người bị bệnh tả, tiêu chảy liên tục phải nhập viện điều trị. Dãy trọ của anh đa phần là công nhân, khá chật chội, đông đúc, rất dễ lây lan khi có bệnh truyền nhiễm.

“Tôi đã biết VNVC từ lâu nhưng ngại đi xa để đi chích ngừa. Nay VNVC khai trương ngay gần nhà, chỉ cần tranh thủ buổi trưa hoặc đi làm sớm chích luôn là yên tâm phòng bệnh”, anh Lân nói.

BS. Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, hiện nay rất nhiều người dân ở vùng sâu vùng xa, đặc biệt là tuyến huyện, tuyến xã chưa được tiếp cận các dịch vụ tiêm chủng cao cấp, đầy đủ vaccine, bảo quản đạt chuẩn, an toàn với chi phí hợp lý. Phần lớn là do chưa có các đơn vị tiêm chủng đầu tư lớn cho các tuyến địa phương này, chủ yếu vẫn khai thác các khu cư dân thành thị đông đúc. Điều này khiến người dân, đặc biệt là trẻ em, chịu nhiều thiệt thòi về tiêm chủng, nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa bằng vaccine.

Thống kê của Sở Y tế Bình Dương cho thấy trong năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi chưa đạt kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, các loại vaccine bại liệt uống, bại liệt tiêm, sởi, sởi – rubella… chỉ đạt 80% kế hoạch năm. Tại các khu vực đông dân cư ở xa, các khu nhà trọ, việc tiếp cận, tuyên truyền và xử lý khi có dịch gặp nhiều khó khăn.

Số liệu từ Sở Y tế Bình Thuận trong 3 tháng đầu năm 2022 cũng cho thấy tỉnh chỉ đạt tỷ lệ tiêm chủng ở mức rất thấp. Số trẻ dưới 1 tuổi tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine quan trọng như vaccine 6 trong 1, lao, sởi đạt 20,26%, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2021 và là con số thấp so với bình quân cả nước.

“Mở nhiều trung tâm tiêm chủng ở y tế tuyến huyện, xã, VNVC cố gắng rút ngắn khoảng cách địa lý, hạn chế đi lại xa, tạo tâm lý thoải mái, yên tâm cho người dân để thuận tiện tiêm vaccine phòng bệnh. Việc đồng loạt khai trương nhiều trung tâm ở các địa phương cũng khẳng định chiến lược cam kết đưa việc tiêm chủng vaccine trở nên gần gũi với người dân, từ đó chủ động bảo vệ, nâng cao sức khỏe”, BS. Chính nhấn mạnh.





VNVC mở nhiều trung tâm tiêm chủng ở các địa phương, giúp người dân dễ dàng tiếp cận vaccine. Ảnh: Phúc Trần

VNVC mở nhiều trung tâm tiêm chủng ở các địa phương, giúp người dân dễ dàng tiếp cận vaccine. Ảnh: Phúc Trần

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tính toán rằng 1 USD đầu tư vào vaccine thì tiết kiệm được 16 USD chi phí điều trị. Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc – UNICEF, vaccine cứu sống gần 3 triệu người mỗi năm. Trung bình mỗi 5 phút trôi qua, có 5 người được cứu sống nhờ vaccine. Tuy nhiên, việc lưỡng lự, do dự không cho trẻ tiêm vaccine đã khiến hàng triệu trẻ em không được bảo vệ. WHO xem việc lưỡng lự không tiêm vaccine là một trong 10 nguy cơ y tế công cộng trên toàn thế giới. UNICEF cũng cho hay khoảng 1,5 triệu ca tử vong có thể ngăn ngừa được nếu tăng độ bao phủ của tiêm chủng trên toàn cầu.

Theo BS. Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM, những con số trên cho thấy cần phải có sự chuẩn bị sớm cho tình huống bùng nổ các dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là ở những vùng nông thôn. Do nhiều người dân chưa kịp chủng ngừa bằng vaccine, một số bệnh truyền nhiễm có thể xuất hiện trở lại như tả, thương hàn, viêm não Nhật Bản, viêm màng não…

Nhằm nhanh chóng hỗ trợ người dân phòng ngừa dịch bệnh trong giai đoạn hậu Covid-19, đặc biệt là các bệnh thời đại như cúm, viêm phổi do phế cầu, ho gà – bạch hầu – uốn ván, thuỷ đậu… trong những tháng đầu năm 2022, Hệ thống VNVC đã khai trương hàng loạt các trung tâm tiêm chủng, từ những vùng từng có bệnh dịch bạch hầu, viêm màng não như Hoàng Mai (Nghệ An), Thái Bình; đến các địa phương nhu cầu tiêm chủng đang tăng cao như phường Long Bình Tân (TP Biên Hòa, Đồng Nai), TP Mỹ Tho (Tiền Giang) và mới nhất là sự ra đời VNVC Thuận An và VNVC Phan Thiết.

“VNVC nỗ lực giúp người dân khắp cả nước bình đẳng về vaccine và dịch vụ tiêm chủng chất lượng cao, đồng thời nỗ lực bình ổn giá trên toàn quốc và áp dụng nhiều ưu đãi giá, giúp bà con dễ dàng sử dụng nhiều hơn các loại vaccine phòng bệnh”, BS Chính cho biết thêm.

Anh Ngọc

Trả lời