Nốt chấm đen trên mặt cảnh báo suy tủy xương Leave a comment

Hà NộiBé gái 11 tuổi bỗng dưng nổi vài chấm đen trên mặt, nghĩ do dị ứng nên không đi khám, một tháng sau nhiều nốt chấm đen xuất hiện hơn.

Kèm theo đó, bé bị chảy máu chân răng rất nhiều, được gia đình đưa vào bệnh viện khám. Xét nghiệm cho thấy bé bị suy giảm ba dòng máu ngoại vi gồm hồng cầu, bạch cầu hạt và tiểu cầu. Bệnh nhi phải nhập viện truyền máu điều trị một tuần. Khoảng 10 ngày sau xuất viện, bé lại chảy máu chân răng không cầm được.

Bé được người nhà đưa đến Bệnh viện Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ chẩn đoán suy tủy xương, kèm xuất huyết não, cách chữa trị duy nhất là ghép tế bào gốc (ghép tủy). Xét nghiệm hòa hợp mô (HLA) cho thấy tế bào gốc của bé hòa hợp với em ruột 4 tuổi của mình. Tuy nhiên, em ruột chỉ nặng 15 kg, quá nhỏ so với chị gái cân nặng 41 kg. Các bác sĩ phải lấy máu từ tủy xương và thêm cả máu ngoại vi của em ruột mới đủ truyền cho bệnh nhi.

May mắn ca ghép tủy diễn ra thành công, cả hai chị em đều ổn định sức khỏe và hồi phục tốt. Sau 30 ngày, sức khỏe của bệnh nhi ổn định, số lượng bạch cầu tăng dần.





Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi trước khi xuất viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi trước khi xuất viện, ngày 5/5. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Hương, Trưởng khoa Huyết học lâm sàng, cho biết suy tủy xương là tình trạng giảm sinh các tế bào máu ở tủy xương dẫn đến tình trạng thiếu máu, chảy máu do xuất huyết và sốt do nhiễm trùng. Nguyên nhân có thể bẩm sinh hoặc mắc phải. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể tử vong do thiếu máu nặng, xuất huyết não hoặc nhiễm vi khuẩn, virus.

Bệnh viện Nhi Trung ương ứng dụng phương pháp ghép tế bào gốc từ sớm. Kể từ ca ghép tủy đầu tiên vào năm 2006, đến nay nhiều bệnh nhân thuộc các nhóm bệnh khác nhau như suy tủy, tan máu bẩm sinh, suy giảm miễn dịch bẩm sinh thể kết hợp nặng, giảm chức năng bạch cầu hạt, u nguyên bào thần kinh, teo đường mật bẩm sinh… được điều trị bằng ghép tế bào gốc tạo máu. Bệnh viện cũng lưu trữ hàng nghìn mẫu máu cuống rốn. Một số trong các mẫu đó đã được sử dụng để ghép điều trị cho các bệnh nhân là anh chị em trong gia đình không may bị bệnh.

Thúy Quỳnh

Trả lời

1.4466