‘Núi đôi’ thay đổi như thế nào theo độ tuổi Leave a comment

Sự thay đổi của hormone estrogen và progesterone chính là nguyên nhân tạo nên sự thay đổi về hình dáng và kích cỡ của vòng một.

Sự phát triển của “núi đôi” sẽ xảy ra trong một số giai đoạn nhất định trong cuộc đời như độ tuổi dậy thì, trải qua quá trình sinh nở và giai đoạn mãn kinh. Bởi theo thời gian, nồng độ estrogen giảm xuống dẫn đến mất mô tuyến ở vú. Ngoài yếu tố này, những thay đổi về độ đàn hồi của da cũng khiến ngực nhỏ hơn và thấp hơn trước. Dưới đây là những cột mốc thay đổi đáng kể của vòng một.

Độ tuổi 20

Cột mốc 20 tuổi là khoảng thời gian hoàng kim của vòng một. Lúc này, đôi gò bồng đảo thường săn chắc và căng tràn. Nguyên nhân là do lượng hormone estrogen trong cơ thể đang tăng cao đột biến.

Theo Mayo Clinic, độ tuổi này cũng có thể phát triển u xơ – các khối u cơ lành tính. Chúng di chuyển khi ấn vào, không đau và có thể tự phát triển hoặc thu nhỏ. Tuy nhiên nếu các chị em phát hiện một khối u mới hoặc nhận thấy sự phát triển của chúng, hãy đến bệnh viện để kiểm tra.

Độ tuổi 30

Độ tuổi 30 thường là giai đoạn mang thai của phụ nữ. Trong thời gian này, sự gia tăng của các hormone progesterone và estrogen sẽ gây ra các thay đổi ở vú. Quá trình này nhằm chuẩn bị cho việc tiết ra sữa và cho con bú. Do đó, các chị em sẽ cảm nhận được những thay đổi thường thấy ở vú như vết rạn da, quầng vú to hoặc trở nên sậm màu.

Trong một số trường hợp, các bà mẹ sẽ còn cảm nhận vùng da ở vòng một dần mất độ đàn hồi và mềm hơn. Nguyên nhân là do mật độ các mô kết nối trong ngực đã được thay thế bởi mỡ. Đây là một trong những yếu tố đầu tiên của giai đoạn lão hóa.





Vòng một thường thay đổi theo tuổi tác. Ảnh: Freepik

Vòng một thường thay đổi theo tuổi tác. Ảnh: Freepik

Độ tuổi 40

Khi một người phụ nữ bước vào độ tuổi cuối 40 và đầu 50, thời kỳ tiền mãn kinh đang bắt đầu. Lúc này, nồng độ estrogen và progesterone thay đổi. Nồng độ estrogen giảm đột ngột dẫn đến nhiều triệu chứng như mất đi độ đàn hồi, chảy xệ

Ở độ tuổi này, một số phụ nữ cũng phát triển các u nang chứa đầy chất lỏng, trong đó chất lỏng bị giữ lại trong các ống dẫn sữa. Những u nang này có thể gây đau đớn nhưng thường được cho là vô hại. Chúng không ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển ung thư vú. Dù vậy, các chị em vẫn nên thực hiện kiểm tra vú tại nhà và lên lịch chụp x-quang tuyến vú hoặc siêu âm vú để tầm soát ung thư vú.

Độ tuổi 50

Khi bước vào tuổi 50, lực hấp dẫn sẽ giảm dần. Ngực của bạn gần như bao gồm hoàn toàn chất béo khi cơ thể bạn chuẩn bị cho thời kỳ mãn kinh. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, độ tuổi 50 thường có nguy cơ phát triển ung thư vú cao, ước tính tỷ lệ mắc bệnh là 1/38.

Vì vậy, độ tuổi này thường bắt buộc thực hiện tầm soát theo định kỳ. Đồng thời, nhóm tuổi này cũng cần chú ý đến bất kỳ thay đổi nào trong mô vú như vú nhăn nheo, mẩn đỏ, da vú dày lên, xuất hiện cục cứng ở vú, núm vú bị tụt hoặc thụt vào trong và tiết dịch núm vú bất thường,…

Huyền My (Theo Prevention, Verywell Health)

Trả lời