Nước dừa có tốt cho người bệnh tiểu đường? Leave a comment

Người tiểu đường có thể chọn nước dừa không cho thêm đường để hạn chế tác động đến đường huyết nhưng chỉ nên uống 240 ml mỗi ngày.

Nước dừa là loại nước giải khát rất phổ biến, giàu dinh dưỡng. Nước dừa còn là nguồn cung cấp đường, chất điện giải và hydrat hóa nhanh chóng. Không giống như thịt dừa, có nhiều chất béo, nước dừa chứa chủ yếu là carbs. Do đó, nhiều người mắc bệnh tiểu đường lo lắng có nên uống nước dừa mỗi ngày hay không.

Nước dừa có vị ngọt do các loại đường tự nhiên tạo ra. Trong quá trình sản xuất, loại nước này còn có thể được thêm vào lượng đường. Hàm lượng đường có thể thay đổi tùy thuộc vào lượng đường mà nhà sản xuất thêm vào. Dưới đây là lượng calo, đường, carb, chất xơ có trong 240 ml nước dừa không đường và có đường.

Nước dừa không đường Nước dừa có đường
Lượng calo 44 91
Carb 10,5 gram 22,5 gram
Chất xơ 0 gram 0 gram
Đường 9,5 gram 18 gram

Nước dừa có đường có lượng đường gấp đôi so với nước dừa không đường 18 gram. Trong khi đó, một lon Pepsi 240 ml chứa 27 gram đường. Do đó, nước dừa không cho thêm đường là lựa chọn tốt hơn nhiều so với nhiều loại đồ uống có đường khác (bao gồm cả soda có đường) cho những người mắc bệnh tiểu đường hoặc người muốn giảm lượng đường nạp vào cơ thể. Tuy nhiên, người bệnh tiểu đường chỉ nên uống hạn chế với một cốc khoảng 240 mỗi ngày.





Người bệnh tiểu đường có thể chọn nước dừa tự nhiên, không cho thêm đường. Ảnh: Freepik

Người bệnh tiểu đường có thể chọn nước dừa tự nhiên, không cho thêm đường. Ảnh: Freepik

Người bệnh tiểu đường nên tránh nước dừa đã thêm đường vì có thể làm tăng lượng calo và lượng đường trong máu. Bạn nên đọc thành phần trên nhãn bao bì để chắc chắn đang dùng 100% nước dừa tươi nguyên chất. Một số nhãn hiệu đóng chai có thể chứa thêm đường hoặc chất tạo hương vị.

Có rất ít nghiên cứu về nước dừa và tác dụng của nó đối với bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, một số nghiên cứu trên động vật đã cho thấy sự cải thiện trong việc kiểm soát lượng đường trong máu và mức hemoglobin A1C khi uống nước dừa. Các nhà nghiên cứu cho rằng do hàm lượng kali, magiê, mangan, vitamin C và L-arginine cao trong nước dừa giúp cải thiện độ nhạy insulin. Tuy nhiên để khẳng định kết quả này cần phải thực hiện thêm nhiều nghiên cứu liên quan đến con người.

Người tiểu đường uống nước dừa đúng cách có thể mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Bởi nước dừa còn chứa nhiều kali, mangan, vitamin C, cung cấp lần lượt 9%, 24% và 27% giá trị dinh dưỡng hàng ngày chỉ trong 240 ml. Loại nước này còn chứa nhiều chất điện giải có lợi cho tim, giúp cải thiện sức khỏe của thận, cho bạn cảm giác sảng khoái và cung cấp nước sau khi tập luyện thể thao.

Kim Uyên
(Theo Healthline)

Trả lời