Nước tiểu màu đục là bệnh gì? Leave a comment

Nước tiểu màu đục có thể là do mất nước hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm âm đạo ở nữ, sỏi thận, suy thận hoặc bệnh tình dục…

Dù nước tiểu đục thường không quá nguy cấp, đó có thể là dấu hiệu của một số vấn đề y tế nghiêm trọng dưới đây:

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs) hay còn gọi là nhiễm trùng tiểu là một nguyên nhân phổ biến dẫn tới nước tiểu đục. Khi vi khuẩn phát triển ngoài tầm kiểm soát, cơ thể kích thích sự phát triển của các tế bào bạch cầu để chống lại nhiễm trùng. Các tế bào này thường được bài tiết qua nước tiểu. Khi các tế bào bạch cầu trộn lẫn với nước tiểu, nó có màu đục hoặc trắng đục.

Nhiễm trùng có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào dọc theo đường tiết niệu, gây ảnh hưởng đến niệu đạo, bàng quang, niệu quản và thận. Nhiễm trùng tiểu phổ biến hơn ở phụ nữ so với nam giới do ở nữ giới, niệu đạo có cấu tạo ngắn, âm đạo và hậu môn cũng gần niệu đạo hơn.





Nước tiểu đục có thể do nhiễm trùng đường tiết niệu Ảnh: Kidney Protect

Nước tiểu đục có thể do nhiễm trùng đường tiết niệu Ảnh: Kidney Protect

Nhiễm trùng tiểu cần điều trị ngay lập tức bằng thuốc kháng sinh. Nếu để lâu ngày có thể dẫn đến: tổn thương thận, nhiễm trùng lan sang các bộ phận khác như nhiễm trùng máu đe dọa tính mạng nghiêm trọng,…

Viêm âm đạo

Nước tiểu có màu đục đôi khi do bệnh viêm âm đạo gây ra. Viêm âm đạo là một bệnh nhiễm trùng ở âm đạo do vi khuẩn, nấm men hay bệnh trichomonas. Âm đạo khỏe mạnh thường duy trì sự cân bằng của vi khuẩn có lợi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, sự mất cân bằng này bị đảo lộn dẫn đến sự phát triển quá mức của vi khuẩn không lành mạnh và thay đổi môi trường trong âm đạo được gọi là viêm âm đạo do vi khuẩn. Cũng giống như nhiễm trùng tiểu, tình trạng nước tiểu đục do mắc viêm âm đạo là do các tế bào bạch cầu hoặc dịch tiết ra trộn lẫn với nước tiểu của bạn.

Phương pháp điều trị viêm âm đạo tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra, trong đó có thể lựa chọn thuốc kháng sinh (viêm âm đạo do vi khuẩn) hoặc thuốc chống nấm (bệnh do nhiễm trùng nấm âm đạo). Viêm âm đạo lâu ngày không được chữa trị có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Sỏi thận

Sự lắng đọng bất thường của các khoáng chất và muối hình thành bên trong đường tiết niệu gây ra sỏi thận. Đôi khi những viên sỏi có thể phát triển khá lớn và gây ra đau đớn. Sỏi thận cũng có gây nhiễm trùng và tắc nghẽn. Nước tiểu đục có thể là một dấu hiệu của tình trạng bệnh sỏi thận đã dẫn đến nhiễm trùng.

Hầu hết, sỏi thận kích thước không lớn sẽ tự biến mất mà không cần điều trị, nhờ uống nhiều nước để đào thải khỏi cơ thể. Những viên sỏi lớn hơn hoặc sỏi dẫn đến nhiễm trùng có thể cần đến sự can thiệp y tế thông qua các phương pháp phẫu thuật.

Suy thận do tiểu đường hoặc tăng huyết áp

Thận có nhiệm vụ lọc chất thải ra khỏi cơ thể. Ở các bệnh nhân bị tiểu đường hoặc tăng huyết áp có nguy cơ xảy ra bệnh thận mãn tính hoặc suy thận. Suy thận xảy ra khi chức năng thận suy giảm từ 15% so với bình thường. Ở bệnh nhân suy thận, các chất thải sẽ tích tụ và phá vỡ sự cân bằng của muối và khoáng chất trong máu. Những thay đổi này cũng dẫn tới tình trạng nước tiểu bị đục hoặc có mùi.

Các phương pháp điều trị suy thận bao gồm chạy thận nhân tạo và ghép thận. Trong quá trình chạy thận nhân tạo, máu bệnh nhân sẽ được xử lý qua một bộ lọc bên ngoài hoạt động giống như một quả thận nhân tạo.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục

Các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs) là bệnh có thể lây truyền trong quá trình hoạt động tình dục như bệnh lậu và chlamydia. Cũng như các bệnh nhiễm trùng kể trên (viêm âm đạo và nhiễm trùng tiểu), các tế bào bạch cầu phản ứng với tác nhân nhiễm trùng thông qua đường tiểu tạo ra nước tiểu màu đục. STIs cũng có thể gây ra sự bất thường ở tiết dịch âm đạo hoặc dương vật. Khi nước tiểu thoát ra khỏi niệu đạo, nó có thể trộn lẫn với dịch tiết và trở nên đục hơn.

STIs không được điều trị sẽ ảnh hưởng không tốt tới chức năng sinh sản, ở phụ nữ là nhiễm trùng vùng chậu nghiêm trọng, gây các biến chứng khi mang thai. Ở nam giới, STIs có thể dẫn đến nhiễm trùng tuyến tiền liệt và các cơ quan khác của đường sinh sản. Phương pháp điều trị STI tùy thuộc vào loại bạn mắc phải, trong đó dùng thuốc kháng sinh là chủ yếu.

Các vấn đề về tuyến tiền liệt

Các vấn đề với tuyến tiền liệt, như viêm, nhiễm trùng tuyến tiền liệt,… có thể khiến cho dương vật chảy mủ trộn lẫn với nước tiểu gây ra màu đục.

Điều trị viêm tuyến tiền liệt tùy thuộc vào nguyên nhân, nhưng phổ biến là dùng thuốc kháng sinh, thuốc chẹn alpha hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID).

Bên cạnh nguyên nhân do các bệnh trên, nước tiểu có màu đục có thể do chế độ ăn bổ sung nhiều chế phẩm từ sữa có chứa canxi photphat. Thận có nhiệm vụ lọc phốt pho ra khỏi máu, vì vậy lượng phốt pho dư thừa sẽ hòa lẫn trong nước tiểu.

Ở phụ nữ mang thai, nước tiểu đục có thể do nhiễm trùng tiểu, STIs hoặc viêm âm đạo, nếu không được điều trị có thể dẫn đến sinh con nhẹ cân, sinh non và sảy thai.

Ngoài ra, nước tiểu đục cũng do mất nước. Tình trạng này phổ biến nhất ở trẻ nhỏ, người lớn tuổi và những người mắc bệnh mãn tính. Khi bị mất nước, cơ thể sẽ giữ được nhiều nước nhất có thể. Điều này có nghĩa là nước tiểu sẽ có độ đậm đặc cao và có màu sẫm hơn bình thường. Tình trạng này có thể khắc phục đơn giản bằng cách bổ sung lượng nước trong vài giờ cho cơ thể.

Bảo Bảo (Theo Healthline)

Trả lời