Nút mạch chữa ung thư gan khi không thể phẫu thuật Leave a comment

U gan đa ổ, kích thước lớn, nằm ở vị trí không thể phẫu thuật hoặc tình trạng bệnh nhân không cho phép… có thể can thiệp bằng phương pháp nút mạch.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Trinh (Phó giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) có nhiều phương pháp điều trị ung thư gan, tùy từng bệnh nhân và giai đoạn cụ thể. Nút mạch ung thư gan được lựa chọn trong trường hợp bệnh nhân không còn chỉ định phẫu thuật, ví dụ u gan kích thước lớn, u gan đa ổ, nằm ở vị trí không thể phẫu thuật hoặc tình trạng toàn thân không cho phép phẫu thuật…

Nút mạch can thiệp tối thiểu vào khối u gan, giúp bảo vệ tối đa phần gan lành trong quá trình điều trị. Mục tiêu của phương pháp là kiểm soát sự phát triển của khối u, kéo dài thời gian và chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Tiến sĩ Trinh cho biết, nút mạch làm hoại tử khối u theo hai cơ chế: tiêu diệt bằng hóa chất và cắt nguồn nuôi dưỡng. Bác sĩ sẽ đưa ống thông vào từ động mạch đùi (nếp bẹn) hoặc động mạch quay (cổ tay) qua một lỗ nhỏ. Dưới hệ thống máy chụp mạch DSA hiện đại, ống thông được đưa chọn lọc vào các nhánh nuôi khối u, sau đó bơm hóa chất diệt khối u kèm theo các chất gây tắc các nhánh mạch này.

“Nút mạch có chọn lọc và tránh các nhánh nuôi gan lành giúp bảo tồn tối đa chức năng gan cho người bệnh”, tiến sĩ Trinh nói.





Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Trinh (giữa) thực hiện một ca nút mạch tháng 3/2022. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Trinh (giữa) thực hiện một ca nút mạch tháng 3/2022. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Trinh cho biết thêm, so với phẫu thuật, nút mạch có một số ưu điểm như không cần gây mê, chỉ cần gây tê tại chỗ, bệnh nhân vẫn tỉnh táo trong quá trình thao tác; không làm mất máu; thời gian nằm viện ngắn, thường được ra viện ngay ngày hôm sau, tính thẩm mỹ cao do không để lại sẹo. Đây cũng là phương pháp có độ an toàn cao, hiếm khi xảy ra biến chứng lớn nếu được thực hiện bởi bác sĩ nhiều kinh nghiệm và hệ thống thiết bị hiện đại.

Phương pháp nút mạch ung thư gan được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân chưa có di căn ngoài gan, chưa có huyết khối thân tĩnh mạch cửa, chưa ảnh hưởng nặng đến chức năng gan và toàn trạng. Bệnh nhân sẽ không được chỉ định thực hiện nút mạch trong trường hợp có rối loạn đông máu nặng, bệnh lý não gan, bệnh lý ảnh hưởng nặng toàn trạng, dị ứng nặng với thuốc cản quang… Các trường hợp còn lại các bác sĩ sẽ cân nhắc và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Các dạng can thiệp nút mạch

Theo tiến sĩ Trinh, căn cứ vào tính chất khối u, tình trạng bệnh lý cụ thể và điều kiện của từng người bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn dạng nút mạch phù hợp.

Nút hóa chất động mạch gan (TACE): Bác sĩ dùng các vật liệu nút mạch thường quy là hỗn hợp lipiodol và hóa chất (cisplatin, doxorubicin, farmorubicin…) gây tắc mạch kèm diệt tế bào ung thư.

Nút mạch bằng các hạt vi cầu tải hóa chất: Phương pháp này sử dụng các hạt vi cầu (DC bead, hepasphere..). Hạt vi cầu là các hạt nhựa nhỏ tải hóa chất do vậy vừa làm tắc mạch vừa diệt tế bào ung thư, nhờ đó tăng khả năng tiêu diệt khối u so với hóa tắc mạch thông thường.

Nút mạch bằng hạt phóng xạ: Kỹ thuật này thực hiện bơm các hạt vi cầu có gắn dược chất phóng xạ vào khối u gan để tiêu diệt tế bào ung thư. Các hạt vi cầu gây tắc mạch đồng thời các dược chất phóng xạ phát các bức xạ gây diệt tế bào ung thư (chiếu xạ bên trong hay chiếu xạ chọn lọc) mang lại hiệu quả cao hơn trong điều trị. Dược chất được sử dụng nhiều nhất là yttrium 90.

Truyền hóa chất qua cổng truyền động mạch gan (HAIC): Áp dụng đối với những u gan tiến triển không thể phẫu thuật cắt bỏ, không thể gây tắc mạch điều trị, u lan tỏa nhiều khối hoặc u xâm lấn gây huyết khối tĩnh mạch cửa.

Phương pháp này sử dụng hệ thống buồng truyền và dây dẫn đặt chọn lọc vào động mạch gan, giúp đưa hoá chất với liều lượng lớn tới các khối ung thư gan, làm tăng tác dụng điều trị, đồng thời giảm các tác dụng không mong muốn tới các tạng khác so với dùng hoá chất toàn thân thông thường.

Kết hợp nút mạch (TACE) và đốt sống cao tần: Trong trường hợp ung thư khó kiểm soát hoàn toàn bằng phương pháp nút mạch, bác sĩ sẽ kết hợp nút mạch và đốt sóng cao tần giúp tăng khả năng kiểm soát khối u tốt hơn.

Theo tiến sĩ Trinh, nút mạch cần được thực hiện bởi bác sĩ nhiều kinh nghiệm để nhận định đúng tổn thương, đánh giá chính xác nguồn mạch nuôi dưỡng khối u, cân nhắc các phương án điều trị hợp lý, phù hợp với từng bệnh nhân cụ thể để có hiệu quả tối đa. Kỹ thuật cũng cần sự hỗ trợ của nhiều trang thiết bị hiện đại như máy siêu âm, máy chụp cắt lớp vi tính, máy chụp cộng hưởng từ, máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA).

Theo thống kê của Globocan năm 2020, Việt Nam có hơn 182.560 ca mắc ung thư mới, khoảng 122.690 ca tử vong do ung thư. Tiến sĩ Trinh cho biết, trong số các bệnh lý ung thư gan ở nước ta, ung thư biểu mô tế bào gan là bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong cao nhất. Ung thư gan thường tiến triển âm thầm, ít triệu chứng vì vậy người bệnh thường chủ quan, không để ý, do đó hầu hết các bệnh nhân đến khám đều ở giai đoạn muộn, chỉ có khoảng 20-30% số bệnh nhân ở giai đoạn còn có thể điều trị triệt căn bằng phẫu thuật.

Hoài Phạm

Trả lời

1.5346