Ô nhiễm hạt – ‘kẻ thù’ thầm lặng gây hại cho phổi Leave a comment

Những vật chất có kích thước siêu nhỏ lơ lửng không khí tuy không thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng có thể âm thầm gây hại cho phổi.

Ô nhiễm hạt (vật chất hạt) là một hỗn hợp của các hạt, giọt được tạo thành từ bụi bẩn, bụi, bồ hóng, khói và các hợp chất lỏng. Những hạt này là một dạng ô nhiễm không khí, chúng có thể tàn phá sức khỏe mỗi người.

Theo CDC Mỹ, ô nhiễm hạt có thể đến từ hai loại nguồn khác nhau, gồm nguồn nguyên sinh tự gây ô nhiễm hạt. Ví dụ, bếp củi và cháy rừng là những nguồn chính. Nguồn thứ cấp thải ra các chất khí có thể tạo thành các hạt như nhà máy điện, cháy than, khói ôtô và xe tải, và các công trường xây dựng. Ô nhiễm hạt thường được tạo thành từ các thành phần như nitrat, sunfat, hóa chất hữu cơ, kim loại, đất hoặc các hạt bụi. Các thành phần có thể thay đổi theo mùa. Ví dụ, bồ hóng và khói từ các đám cháy thường phổ biến hơn vào mùa đông.

Hít thở không khí bị ô nhiễm hạt có thể gây hại cho sức khỏe. Cụ thể các hạt thô (lớn hơn), gây kích ứng mắt, mũi và cổ họng. Các hạt nhỏ nguy hiểm hơn vì chúng có thể đi vào các phần sâu của phổi, thậm chí vào máu.





Ô nhiễm hạt gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Ảnh: Freepik

Ô nhiễm hạt gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Ảnh: Freepik

Ô nhiễm hạt có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai. Tuy nhiên, người bị bệnh tim hoặc phổi (ví dụ hen suyễn, COPD), người cao tuổi, trẻ em, trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng sức khỏe do ô nhiễm hạt cao hơn. Ô nhiễm hạt cũng liên quan đến các cơn đau tim, ung thư phổi, trẻ sinh nhẹ cân. Ngoài ra, tiếp xúc với loại ô nhiễm không khí này có thể dẫn đến đau mắt và viêm họng.

Khi đề cập đến mức độ ô nhiễm hạt, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) cho rằng kích thước của hạt là yếu tố quan trọng nhất.

Nhìn chung, các hạt nhỏ hơn (đường kính từ 10 micromet trở xuống) có khả năng gây ra các vấn đề về sức khỏe hơn những hạt có kích thước lớn. Nguyên nhân là do các hạt nhỏ có thể xâm nhập vào phổi dễ dàng hơn nhiều trong quá trình hít thở, thông qua mũi, cổ họng. Một số hạt thậm chí có thể xâm nhập vào đường máu.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) phân loại ô nhiễm hạt thành 2 dạng, bao gồm:

Các hạt thô có thể hít vào cơ thể: thường tìm thấy gần các con đường bụi bặm hoặc các khu công nghiệp. Chúng lớn hơn 2,5 micromet, đường kính nhỏ hơn 10 micromet. Các nguồn gây ô nhiễm hạt này có thể từ hoạt động xay xát và bụi giao thông.

Hạt mịn: thường tìm thấy trong khói và sương mù, nó có thể được khuếch tán từ các đám cháy rừng hoặc có thể hình thành từ khí các nhà máy điện công nghiệp hoặc ôtô. Chúng bay vào không khí và tạo ra phản ứng hóa học. Người ta ước tính rằng giảm ô nhiễm hạt mịn 10% có thể ngăn chặn hơn 13.000 ca tử vong hàng năm ở Mỹ.

Bảo vệ bản thân khỏi ô nhiễm hạt như thế nào?

Theo các nhà khoa học, ô nhiễm hạt tồn tại trong môi trường và rất gần mỗi người. Để bảo vệ chính mình khỏi nguy cơ từ loại vật chất độc hại này, đầu tiên, bạn hãy cập nhật chỉ số chất lượng không khí của EPA báo cáo hàng ngày trên các trang web về thời tiết (và trên các chương trình dự báo thời tiết, đặc biệt là khi chỉ số vượt mức an toàn).

Trước khi ra ngoài, hãy kiểm tra các chỉ số này trước, xem xét có nên thay đổi kế hoạch để dành nhiều thời gian ở nhà nếu chất lượng không khí hôm nay quá tệ.

Ngoài ra, khi chất lượng không khí không tốt hoặc dưới mức an toàn, bạn hãy cố gắng giảm thiểu các hoạt động ngoài trời vì ra ngoài lúc này có thể khiến việc hít thở trở nên khó khăn. Nói cách khác, bạn hãy đi bộ nhẹ nhàng thay vì chạy bộ và tránh những con đường đông đúc, nơi có nhiều xe cộ hơn với mức độ ô nhiễm cao hơn.

Với người lớn tuổi, những người mắc bệnh tim hoặc phổi, trẻ sơ sinh và trẻ em là những đối tượng dễ bị các vấn đề sức khỏe nhất do ô nhiễm hạt. Vì vậy hãy chú ý ưu tiên bảo vệ họ khỏi các hạt ô nhiễm nguy hại này.

Quỳnh Chi (Theo CDC Mỹ, VeryWellHealth)

Trả lời

1.4545