Phân biệt cơn hoảng loạn với cơn đau tim Leave a comment

Cơn hoảng loạn, đau tim có nhiều triệu chứng giống nhau, một số cơn đau tim xảy ra do gắng sức, thời gian kéo dài hơn so với hoảng loạn.

Biểu hiện của cơn hoảng loạn và đau tim giống nhau nên khó phân biệt. Các triệu chứng của cơn hoảng loạn có thể bao gồm: đau nhói ở ngực, ngứa ran ở tay, khó thở, tim đập nhanh, đổ mồ hôi, run rẩy. Cơn hoảng loạn có thể xảy ra đơn lẻ hoặc là một dấu hiệu rối loạn hoảng sợ.

Các triệu chứng của cơn đau tim bao gồm: tức ngực, khó thở, buồn nôn, nôn mửa, đổ mồ hôi. Mặc dù các biểu hiện của hai tình trạng này giống nhau, biết cách phân biệt có thể giúp bạn xử lý tình huống nguy cấp. Dưới đây là một số yếu tố cho thấy sự khác biệt.





Cơn hoảng loạn và đau tim có nhiều triệu chứng giống nhau, trong đó có đau ngực. Ảnh: Freepik

Cơn hoảng loạn và đau tim có nhiều triệu chứng giống nhau, trong đó có đau ngực. Ảnh: Freepik

Đặc điểm của cơn đau

Đau ngực là triệu chứng thường xảy ra với cả cơn hoảng loạn và đau tim, nhưng các đặc điểm của cơn đau thường khác nhau. Khi hoảng loạn, cơn đau ngực thường sắc hoặc nhói như dao đâm, khu trú ở giữa ngực.

Đau ngực do đau tim có thể giống như áp lực hoặc cảm giác ép chặt. Đau ngực xảy ra do nhồi máu cơ tim cũng có thể bắt đầu ở giữa ngực, nhưng sau đó có thể lan từ ngực đến cánh tay, hàm hoặc bả vai.

Dấu hiệu khởi phát

Triệu chứng khởi phát cũng có thể giúp một người xác định họ đang bị đau tim hay hoảng loạn. Cả hai tình trạng này đều có thể phát triển đột ngột và không dấu hiệu báo trước. Tuy nhiên một số cơn đau tim vẫn xảy ra do gắng sức, như leo cầu thang.

Thời gian

Thời gian kéo dài của các triệu chứng cũng có thể giúp phân biệt cơn hoảng loạn với đau tim. Hầu hết triệu chứng hoảng sợ sẽ kết thúc sau vài phút. Trong khi đó với cơn đau tim, các biểu hiện có xu hướng kéo dài hơn, trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Chẳng hạn, đau ngực có thể nhẹ khi bắt đầu cơn đau tim nhưng trở nên nghiêm trọng sau vài phút.

Hoảng loạn không gây đau tim

Sự tắc nghẽn ở một hoặc nhiều mạch máu đến tim, dẫn đến gián đoạn lưu lượng máu quan trọng, gây ra cơn đau tim. Dù hoảng loạn không gây đau tim, sự căng thẳng và lo lắng vẫn có thể góp phần dẫn đến phát triển bệnh mạch vành. Các cơn hoảng loạn có thể xảy ra như một tình trạng riêng biệt hoặc một phần của rối loạn lo âu.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, những người bị rối loạn lo âu có thể tăng nguy cơ phát triển bệnh tim do sự biến đổi nhịp tim thấp (HRV). Sự biến đổi nhịp tim là thời gian giữa mỗi nhịp tim. Hệ thống thần kinh tự chủ kiểm soát nhịp tim. Nhịp tim thay đổi trong ngày, tùy thuộc vào hoạt động, cảm xúc của một người.

HRV cao cho thấy nhịp tim của một người thay đổi hiệu quả trong suốt cả ngày, dựa trên những việc họ làm. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy hệ thống thần kinh tự chủ đang hoạt động tốt. HRV thấp có nghĩa là tim không thay đổi tốc độ một cách hiệu quả. Một số nghiên cứu liên kết HRV thấp với tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Trong phân tích của các nhà nghiên cứu về HRV ở những người được chẩn đoán mắc nhiều loại rối loạn lo âu, bao gồm cả rối loạn hoảng sợ, kết quả cho thấy những người tham gia có HRV thấp hơn những người không bị rối loạn lo âu.

Điều quan trọng, khi bạn bị hoảng loạn không có nghĩa sẽ bị đau tim. Một người bị rối loạn hoảng sợ có thể trải qua các cơn hoảng loạn lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, các chuyên gia cần phải nghiên cứu thêm để xác định rối loạn hoảng sợ có làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim hay không.

Vì các triệu chứng của cơn hoảng sợ và đau tim tương tự nhau, người bệnh nên thăm khám bác sĩ khi nghi ngờ. Đặc biệt, bạn cần điều trị y tế khẩn cấp nếu có bất kỳ triệu chứng bao gồm: đau ngực đột ngột, dữ dội; áp lực trong lồng ngực kéo dài hơn 2-3 phút; đau ngực lan xuống cánh tay hoặc hàm.

Châu Vũ (Theo Medical News Today)

Trả lời