Phân biệt sốt xuất huyết, tay chân miệng và Covid Leave a comment

Sốt xuất huyết, tay chân miệng và Covid-19 có một số triệu chứng ban đầu khá giống nhau nhưng khác nhau về yếu tố dịch tễ, đường lây truyền cũng như bệnh cảnh.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I (TP HCM), sốt xuất huyết, tay chân miệng và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus. Cả ba bệnh có triệu chứng ban đầu khá giống nhau là sốt nhưng có những điểm đặc trưng riêng về yếu tố dịch tễ, đường lây truyền cũng như bệnh cảnh.

Về yếu tố dịch tễ và đường lây truyền, sốt xuất huyết là bệnh do virus Dengue gây nên. Virus Dengue được truyền từ người bệnh sang người lành qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes Aegypti (gọi là muỗi vằn). Thời gian ủ bệnh thường trong vòng 5-7 ngày.

Covid-19 do virus nCoV gây ra, lây truyền từ người sang người qua các giọt bắn đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc giao tiếp, tiếp xúc gần. Thời gian ủ bệnh có thể kéo dài đến 14 ngày, trung bình từ 4-5 ngày tính từ khi có tiếp xúc với mầm bệnh.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Virus sống trong đường tiêu hóa và truyền nhiễm từ người này sang người khác. Trẻ rất dễ bị mắc bệnh khi tiếp xúc với nước bọt, chất dịch từ các bọng nước, chất nôn của người bệnh, giọt bắn khi ho hoặc hắt hơi. Thời gian ủ bệnh từ 3-7 ngày.

Về triệu chứng, ở bệnh sốt xuất huyết, dấu hiệu là sốt cao đột ngột, liên tục 39-40 độ trong 2-7 ngày liền; chán ăn, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, đau bụng. Người bệnh xuất huyết dưới dạng chấm rải rác trên da hoặc bầm chỗ chích, chảy máu cam, ói ra máu. Các dấu hiệu của sốc như mạch nhanh, nhẹ, huyết áp giảm, kẹp, hoặc không đo được, chi lạnh, bứt rứt…

Trong đó cần đặc biệt lưu ý các triệu chứng theo mức độ nặng hay nhẹ. Nếu sốt xuất huyết mức độ nhẹ, người bệnh chỉ sốt, chưa có hoặc có kèm theo triệu chứng xuất huyết. Sốt xuất huyết mức độ nặng, người bệnh bắt đầu có dấu hiệu sốc hoặc sốc nặng như người bứt rứt, chân tay lạnh, mạch nhanh nhỏ, hạ huyết áp; huyết áp kẹt, kèm theo các triệu chứng như da lạnh, ẩm, bứt rứt hoặc vật vã li bì, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được.

Với Covid-19, người bệnh sốt (trên 37,5 độ) hoặc ớn lạnh, mệt mỏi; ho, hụt hơi hoặc khó thở; đau đầu, đau họng, đau cơ hoặc đau cả người; mất vị giác hoặc khứu giác; ngạt mũi hoặc chảy nước mũi; buồn nôn hoặc nôn mửa; tiêu chảy.

Theo bác sĩ Khanh, sốt xuất huyết và Covid-19 đều là do siêu vi nên giai đoạn đầu triệu chứng khá giống nhau, cả hai đều có sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ, nhức đầu. Tuy nhiên, người mắc Covid-19 thường kèm theo triệu chứng hô hấp như ho, đau họng, thở khó; trong khi sốt xuất huyết thường không kèm theo triệu chứng đường hô hấp mà sẽ có triệu chứng xuất huyết da niêm. Người bị sốt xuất huyết giai đoạn đầu sốt rất cao và ít đáp ứng với thuốc hạ sốt, thời gian này thường ít có triệu chứng kèm theo.

Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ trong độ tuổi nhũ nhi (một tháng tuổi đến một năm tuổi) và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, một số ít trường hợp ở người trưởng thành. Bệnh nhân thường mệt mỏi, có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao 39-40 độ. Ngoài ra, mụn nước sẽ xuất hiện ở niêm mạc miệng, ví dụ trong má, lợi, mặt bên lưỡi, kích thước 2-3 mm. Các mụn này thường vỡ rất nhanh, tạo thành vết trợt, loét khiến trẻ bị đau rát, khó ăn uống. Ở bàn chân, mông, bàn tay cũng xuất hiện mụn, bọng nước, song không gây đau rát.

Ở thể nhẹ, bệnh gây tổn thương da, niêm mạc, sốt nhẹ, mệt mỏi. Bệnh tay chân miệng hiện chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Các triệu chứng sẽ hết trong vòng một tuần đến 10 ngày. Ở thể nặng, tay chân miệng gây tổn thương thần kinh, trẻ li bì, giật mình, yếu liệt chi. Trẻ có thể bị tổn thương cơ quan hô hấp và tuần hoàn, khó thở, phù phổi cấp khi mắc bệnh ở thể rất nặng. Lúc này, trẻ cần được nhập viện, điều trị hồi sức nhi khoa.





Một bé sơ sinh phải nhập viện điều trị do tổn thương gan sau sốt xuất huyết. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

Một bé sơ sinh phải nhập viện điều trị do tổn thương gan sau sốt xuất huyết. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

Một số loại sốt khác như sốt siêu vi, sốt phát ban… cũng dễ bị nhầm lẫn với một trong ba loại bệnh trên.

Sốt siêu vi biểu hiện ban đầu giống với sốt xuất huyết, sốt từng cơn, thân nhiệt cao 38-39 độ C, có lúc 40-41 độ C. Khi sốt siêu vi, đầu và cơ thể có cảm giác đau mỏi, sau đó chảy nước mũi, hắt hơi, họng đỏ, viêm đường hô hấp; khu vực quanh cổ – mặt – đầu thường có dấu hiệu sưng to; mắt đỏ và chảy nước.

Sốt siêu vi có thể diễn tiến thành sốt xuất huyết, cũng có thể là viêm đường hô hấp, cảm cúm hay sốt phát ban, thậm chí là bệnh tay chân miệng. Do đó, bác sĩ thường hẹn phụ huynh đưa bệnh nhi tới khám lại mỗi ngày, hoặc làm một số xét nghiệm để biết chính xác trẻ bị bệnh gì. Nếu không tìm được nguyên nhân gây sốt, cũng như đã loại trừ các yếu tố vi khuẩn như viêm amiđan, viêm tai giữa cấp, nhiễm trùng tiểu… và các xét nghiệm không thấy gợi ý nhiễm khuẩn, bác sĩ vẫn giữ nguyên chẩn đoán nhiễm siêu vi và bệnh này thường sẽ tự khỏi trong vòng 5-7 ngày.

Sốt phát ban hầu hết bắt đầu bằng triệu chứng sốt cao từng cơn (39-40 độ C). Sau đó ho, đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, mệt mỏi; các hạch khu vực đầu, mặt, cổ thường sưng to, đau, có thể nhìn hoặc sờ thấy. Hầu hết từ ngày thứ 4 trở đi, người bệnh sẽ hết sốt, ăn được, da có thể nổi ban 3-5 ngày rồi lặn. Ngoài ra, bệnh còn có triệu chứng nổi ban đỏ giống sốt xuất huyết.

Để phân biệt, dùng ngón tay cái và trỏ cùng bên căng vùng da quanh nốt phát ban. Nếu thấy chấm đỏ mất đi, buông tay ra thì chấm đỏ hồi phục ngay, là sốt phát ban. Còn nếu vẫn thấy chấm li ti, hoặc sau 2 giây màu đỏ mới xuất hiện lại, là sốt xuất huyết.

Nếu thấy sốt 2-3 ngày dù không có triệu chứng liên quan đến sốt xuất huyết (bầm máu dưới da, ho ra máu, đi tiêu ra máu…), thì vẫn phải dè chừng. Tốt nhất nên chủ động thăm khám để bác sĩ xét nghiệm máu và chẩn đoán bệnh.

Thúy Quỳnh

Trả lời

1.5307