Phán đoán sức khỏe qua chất đờm Leave a comment

Màu sắc của đờm có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị nhiễm trùng hoặc mắc các bệnh lý liên quan đến phổi.

Chất đờm được tạo ra từ phổi, đường hô hấp dưới. Cơ thể thường không tiết ra đờm nếu không bị nhiễm bệnh hoặc không chịu sự tác động của các loại virus, vi khuẩn xâm nhập vào đường thở và phổi. Khi cơ thể nhiễm bệnh, chất đờm sẽ bị tống ra ngoài qua những cơn ho, thường có nhiều màu sắc khác nhau.

Đờm màu vàng và xanh lá cây

Chất đờm đặc quánh mang màu vàng và màu xanh lá cây là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang chống lại nhiễm trùng. Ban đầu, đờm sẽ có màu vàng, dần chuyển sang sắc xanh lá cây do sự thay đổi màu sắc của các tế bào bạch cầu đã chết. Điều này tương ứng mức độ nghiêm trọng của các loại bệnh như viêm phế quản, viêm phổi, viêm xoang, bệnh xơ nang.

Theo Medical News Today, hầu hết các trường hợp cơ thể khạc ra chất đờm xanh thường có thể tự khỏi mà không cần điều trị trong vài tuần. Nếu nhận thấy đờm xanh xuất hiện quá nhiều kèm khó thở, đau ngực hoặc ho ra máu, người bệnh cần đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán, chữa trị.

Đờm màu đỏ

Đờm đỏ là do máu. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng có máu trong đờm như ho nhiều, nhiễm trùng đường hô hấp hoặc khi các mạch máu nhỏ trong phổi, đường thở bị vỡ, chảy máu. Ngoài ra, có thể do tình trạng thuyên tắc phổi xảy ra khi cục máu đông bị vỡ và di chuyển đến phổi, từ đó hình thành nên dấu hiệu ho ra máu.

Nhiều nghiên cứu cho thấy có 7-35% người ho ra máu đều ở giai đoạn đầu của bệnh ung thư phổi. Ngoài ra, đờm màu đỏ cũng là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng như viêm phổi, bệnh lao, suy tim sung huyết.





Ho và hắt hơi giúp cơ thể đào thải chất nhầy dư thừa hoặc đờm. Ảnh: Freepik

Ho và hắt hơi giúp cơ thể đào thải chất nhầy dư thừa hoặc đờm. Ảnh: Freepik

Đờm màu hồng

Màu hồng được coi là một sắc thái khác của màu đỏ. Nếu nhận thấy có đờm màu hồng mang kết cấu sủi bọt kèm theo khó thở, đổ mồ hôi, đau ngực, hãy đến bệnh viện để được thăm khám. Bởi đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang mắc bệnh suy tim sung huyết ở giai đoạn muộn.

Đờm màu nâu

Màu nâu xuất hiện sau khi cơ thể trải qua đợt đờm có màu đỏ hoặc hồng; hoặc ở những người hút thuốc lá nặng. Đờm nâu thường do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi do vi khuẩn, viêm phế quản do vi khuẩn, bệnh xơ nang hoặc bệnh bụi phổi, áp xe phổi.

Cách giảm đờm trong cổ họng

Mặc dù đờm là hiện tượng bình thường của hệ hô hấp tuy nhiên tình trạng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Để sớm thuyên giảm đờm ở cổ họng, người bệnh có thể thử một vài cách sau đây:

Uống đủ nước: giữ cơ thể luôn đủ nước là cách làm giảm tắc nghẽn đờm ở cổ họng và giúp cơ thể dễ đẩy đờm ra ngoài nhanh hơn. Lượng nước cần uống trong ngày được khuyến nghị là 1,5-2 lít nước. Mặt khác, người bệnh cũng cần giữ ấm cơ thể để làm dịu hệ hô hấp.

Bổ sung thực phẩm tốt cho hệ hô hấp: nhiều nghiên cứu cho thấy đồ ăn hoặc thức uống chứa chanh, gừng và tỏi có thể làm thông đờm và điều trị cảm lạnh. Tránh ăn các thức ăn nhiều axit vì dễ gây trào ngược dạ dày, dẫn đến tăng chất đờm.

Không kìm nén cơn ho: ho là cách để cơ thể phóng thích đờm ra khỏi cổ họng. Do đó, người bệnh nên hạn chế dùng các loại thuốc ức chế cơn ho. Nếu tình trạng ho khiến cơ thể mất ngủ, người bệnh có thể nằm tựa trên một vài chiếc gối hoặc ngả lưng trên ghế. Bởi tư thế nằm thẳng có thể làm gia tăng cảm giác khó chịu vì đờm thường lắng đọng ở phía sau cổ họng.

Huyền My
(Theo Healthline, Medical News Today, Verywell Health)

Trả lời

1.3204