Phẫu thuật dính thắng lưỡi cho trẻ Leave a comment

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh vừa phẫu thuật dính thắng lưỡi cho bé trai 3 tuổi phát hiện trễ, khiến trẻ phát âm không rõ, chậm nói.

Bé Lê Hồng Minh Đăng (3 tuổi) được bố mẹ đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khám với dấu hiệu phát âm khó khăn, ăn uống kém. Kiểm tra cho bệnh nhi, BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM phát hiện bé dính thắng lưỡi nặng (mức độ 3). Bé được phẫu thuật cắt phanh lưỡi bằng Bipolar – dao điện lưỡng cực với nhiệt độ thấp giúp cắt và cầm máu tại chỗ. Ca phẫu thuật chỉ diễn ra trong 15 phút, ít đau, không chảy máu và bé có thể ăn uống ngay sau mổ.

Bác sĩ Hằng chia sẻ thêm, dính thắng lưỡi là dị tật bẩm sinh, xuất hiện ở trẻ từ khi mới sinh ra, do bị bất thường dây thắng lưỡi (một lớp màng mỏng dưới lưỡi) làm hạn chế cử động bình thường của lưỡi. Thống kê có khoảng 5% trẻ sơ sinh gặp phải tật dính thắng lưỡi và được phát hiện ngay trong tháng đầu sau sinh khi thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc khi tiêm chủng.





Dính thắng lưỡi khiến trẻ gặp khó khi bú, phát hiện trễ gây chậm nói. Ảnh: Shutterstock

Dính thắng lưỡi khiến trẻ gặp khó khi bú, phát hiện trễ gây chậm nói. Ảnh: Shutterstock

Tật dính thắng lưỡi có thể phát hiện muộn hơn khi cha mẹ thấy bé khó bú, khó phát âm hay chậm lên cân. Trường hợp dính thắng lưỡi phát hiện muộn sẽ làm ảnh hưởng đến chức năng bú, nuốt và phát âm, đồng thời tác động lên sự phát triển thể chất và ngôn ngữ của trẻ.

Dính thắng lưỡi ở trẻ là dị tật bẩm sinh không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng chức năng của lưỡi. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân dị tật dính thắng lưỡi, có một số nghiên cứu chỉ ra, dính thắng lưỡi có yếu tố di truyền.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị dính thắng lưỡi

Bác sĩ Hằng chia sẻ thêm, để nhận biết sớm trẻ có bị tật dính thắng lưỡi, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra. Thông thường, trẻ sẽ có một số dấu hiệu điển hình như gặp khó khăn khi bú; thắng lưỡi của trẻ bị dày bất thường; lưỡi không thể di chuyển sang hai bên; không thể nâng lưỡi lên để có thể chạm vào hàm trên. Với trẻ nhỏ, khi bé khóc, đầu lưỡi thường có dạng chữ V, lưỡi không thể đưa ra khỏi môi dưới.

Dính thắng lưỡi là dị tật có thể được chẩn đoán thông qua việc quan sát và đo chiều dài dây thắng lưỡi. Bé bị dính thắng lưỡi sẽ được phân loại theo 4 mức độ dựa theo chiều dài của thắng lưỡi được đo từ nơi bám ở sàn miệng đến vị trí bám vào lưỡi.

Dính thắng lưỡi tuy là một dị tật bẩm sinh không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu được phát hiện trễ sẽ gây ra một số ảnh hưởng đến thể chất do chức năng ăn, bú bị ảnh hưởng. Khi trẻ bắt đầu tập nói sẽ ảnh hưởng đến việc phát âm, trẻ không chỉ khó nói mà còn nói ngọng, chậm nói. Hàm răng bị ảnh hưởng vì tật dính thắng lưỡi có thể đẩy răng cửa hàm dưới nghiêng, xô lệch.

“Thông thường chỉ định cắt thắng lưỡi (cắt phanh lưỡi) phụ thuộc vào mức độ bị dính nhiều hay ít và mức độ ảnh hưởng đến cử động lưỡi, quá trình phát âm, bú mẹ của trẻ. Trường hợp trẻ bị dính thắng lưỡi nhiều và ảnh hưởng đến việc bú cần chỉ định cắt sớm. Khi dính thắng lưỡi ảnh hưởng phát âm, bác sĩ có thể chỉ định cắt trước giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ”, bác sĩ Hằng cho biết.

Bác sĩ Hằng cho biết, tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, phẫu thuật cắt thắng lưỡi thường diễn ra trong vòng 10-15 phút khi trẻ đã được cho ngủ bằng cách úp mask. Bác sĩ sử dụng dao Bipolar – loại dao điện lưỡng cực với nhiệt độ thấp, cầm máu tại chỗ nên trẻ có thể ăn uống ngay sau khi cắt, xuất viện trong ngày và trẻ có thể hồi phục hoàn toàn sau 1-2 tuần.

Sau phẫu thuật, cha mẹ cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, không cho bé cắn, ngậm vật cứng hoặc sờ vào vết cắt để tránh chảy máu, nhiễm trùng; cho bé uống nhiều nước và vệ sinh miệng sau mỗi lần ăn.

Theo bác sĩ Hằng, tật dính thắng lưỡi gặp ở bé trai nhiều hơn bé gái với tỷ lệ khoảng 3:1. Đây là dị tật bẩm sinh nên không thể phòng tránh, tuy nhiên, phụ huynh có thể phát hiện dị tật bẩm sinh này ngay sau khi sinh bằng cách cho trẻ khám sức khỏe tổng quát sau sinh hoặc khám sức khỏe tổng quát định kỳ.

Tên nhân vật đã thay đổi

Tuệ Diễm

Trả lời