Khối u tuyến mang tai, kích thước 3×4 cm được bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh bóc tách lấy trọn, đồng thời bảo tồn dây thần kinh mặt cho bệnh nhân.
Bệnh nhân Nguyễn Thái Hoàng (65 tuổi, ngụ tại TP HCM) đến khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM thăm khám vì vùng cổ gần góc hàm phồng lên bất thường gây căng tức, khó chịu.
Chẩn đoán ban đầu của BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng là bệnh nhân có khối u nên chỉ định thực hiện siêu âm, CT-scan hàm mặt có tiêm thuốc, sinh thiết FNA (chọc hút tế bào bằng kim nhỏ). Sau đó, bác sĩ phát hiện một khối u tuyến mang tai, khoảng 3×4 cm nhưng chưa thể xác định lành tính hay ác tính. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật loại bỏ khối u, sau đó làm thêm xét nghiệm giải phẫu bệnh.
Ông Hoàng cho biết phát hiện khối u từ năm 2021 nhưng không đi bệnh viện do dịch Covid-19 phức tạp. Trước khi đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, ông thăm khám ở một cơ sở y tế địa phương nhưng bác sĩ khuyên nên đến bệnh viện tuyến cao hơn.
Theo bác sĩ Hằng, phẫu thuật u tuyến mang tai là kỹ thuật khó do đặc điểm giải phẫu rất phức tạp của các cấu trúc thần kinh và mạch máu liên quan tuyến mang tai. Cấu trúc thần kinh mặt đâm xuyên qua tuyến mang tai, chia các nhánh nhỏ hơn bên trong để chi phối vận động cho rất nhiều cơ vùng mặt. Việc bóc tách bệnh tích u ở tuyến mang tai còn phải bảo tồn thần kinh mặt hoặc bảo tồn mạch máu lớn nếu cắt cả thùy sâu.
Điều này đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật phải nắm vững kiến thức giải phẫu, có kinh nghiệm đánh giá về tình trạng u trong lúc mổ và thao tác bóc tách cẩn thận. Trang thiết bị hiện đại cũng cần thiết để tránh các biến chứng chấn thương dây thần kinh mặt dẫn đến lệch mặt, liệt mặt; tụ máu, huyết thanh; lỗ rò nước bọt và hội chứng Frey (đổ mồ hôi trộm).
Bác sĩ Thúy Hằng chia sẻ thêm, đối với bệnh nhân Hoàng, do khối u nằm ở thùy nông, chưa loại trừ ác tính trước mổ nên việc cắt rộng quanh u sẽ đảm bảo an toàn về mặt mô bệnh học kể cả trong trường hợp không may mắn khối u ác tính. Việc tìm và bảo tồn dây thần kinh mặt cũng giúp đảm bảo chất lượng sống cho người bệnh sau khi mổ. Êkip bác sĩ sử dụng phương pháp cắt thùy nông tuyến mang tai bảo tồn dây thần kinh mặt với sự hỗ trợ của dao cắt đốt siêu âm (Harmonic Focus) giúp cầm máu tốt, rút ngắn thời gian nằm viện sau mổ.
Sau cuộc phẫu thuật kéo dài 150 phút, khối u được bóc tách trọn vẹn. Bệnh nhân phục hồi tốt và xuất viện sau 5 ngày theo dõi hậu phẫu.
Chăm sóc bệnh nhân hậu phẫu
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM phối hợp nhiều chuyên khoa trong chẩn đoán, tầm soát và điều trị với hệ thống máy móc hiện đại. Vì vậy, kết quả chẩn đoán có độ chính xác cao, giúp xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Ở những ca bệnh phức tạp, các chuyên khoa Tai Mũi Họng, Ung Bướu, Chẩn đoán hình ảnh, Giải phẫu bệnh có thể phối hợp hội chẩn và xây dựng phác đồ điều trị cá thể hóa, toàn diện cho người bệnh.
Bác sĩ Hằng cho biết, nhờ phẫu thuật bằng phương pháp bảo tồn, ít xâm lấn, ít chảy máu, hồi phục nhanh nên bệnh nhân có thể sinh hoạt thể lực ở mức độ nhẹ đến trung bình ngay ngày đầu sau mổ. Tuy nhiên, người bệnh chú ý không vận động mạnh trong tháng đầu tiên. Nếu vết mổ bị sưng đau, phù nề, bệnh nhân nên nằm ngủ gối đầu cao trong vài ngày đầu sau phẫu thuật. Hiện tại không có khuyến cáo hạn chế món ăn đặc biệt sau phẫu thuật u tuyến mang tai nếu trước đó người bệnh ăn uống bình thường. Chế độ ăn cần đầy đủ các chất dinh dưỡng để sức khỏe mau hồi phục.
Trong nhóm u tuyến mang tai lành tính vẫn có một loại có thể phát triển thành ác tính qua thời gian đó là u tuyến đa dạng. U tuyến đa dạng có tiềm năng biến đổi ác tính và xu hướng tái phát sau khi điều trị. Do đó, người bệnh cần tiếp tục theo dõi, thăm khám định kỳ và làm các xét nghiệm chẩn đoán, thậm chí tầm soát để phòng ngừa ung thư theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng hoặc Răng Hàm Mặt.
Bác sĩ Hằng chia sẻ thêm, u tuyến mang tai là một dạng của u tuyến nước bọt không hiếm gặp và 80% là lành tính, khả năng ác tính 20%. Loại u này có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em nhưng nguy cơ ác tính ở trẻ em và ở người từ 60 tuổi cao hơn. U tuyến mang tai ác tính rất hiếm gặp, tỷ lệ mắc bệnh trên thế giới ước tính là 0,5 – 3/100.000 người mỗi năm, chiếm khoảng 5% tổng số các khối u ác tính ở đầu và cổ.
Nguyên nhân hình thành u tuyến mang tai hiện tại vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, có những yếu tố nguy cơ xuất hiện u tuyến mang tai nói riêng hay u tuyến nước bọt nói chung là thay đổi gene, tiếp xúc với tia xạ, thuốc lá. Do đó, không hút thuốc lá và hạn chế tiếp xúc với tia xạ là cách giúp phòng ngừa ung thư.
Theo bác sĩ Hằng, hiện tại vẫn chưa có phác đồ hay xét nghiệm cụ thể nào để tầm soát u tuyến nước bọt cho dân số chung. Tuy nhiên, người dân nên khám sức khỏe tổng quát hàng năm để phát hiện sớm bất thường và xử trí kịp thời.
Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Nguyên Phương