Phòng ngừa biến chứng thai sản, giảm nguy cơ sinh non Leave a comment

Thai phụ cần tuân thủ lịch khám thai định kỳ, đặc biệt là khi mang đa thai, hoặc có tiền căn sinh non, để phòng ngừa biến chứng thai sản, sinh non.

Chị Phạm Vương Phương (26 tuổi, ngụ Hải Phòng) mang thai đầu song sinh kể lại, ở tuần 19, chị có biểu hiện căng tức, đau bụng dữ dội, khó thở, cơn gò nhiều, dọa sinh non. Qua thăm khám tại bệnh viện tỉnh, các bác sĩ thông tin, nếu sinh non ở tuần thai quá sớm, cơ hội cứu sống em bé thấp, kèm theo nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ.

Chị Phương được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán chị có thai chung bánh rau, hai buồng ối, trong đó một thai đa ối, thai còn lại có tình trạng thiểu ối. Ekip gồm các bác sĩ sản khoa thực hiện phẫu thuật đốt mạch nối bằng laser tạo điều kiện cho hai thai phát triển độc lập. Đồng thời, các chuyên gia cũng hút giảm thể tích ối để ngăn tình trạng đa ối. Nhờ sự phối hợp đa chuyên khoa, tình trạng sản phụ, thai nhi tiến triển tích cực. Sau đó, các em bé chào đời khỏe mạnh khi được 35 tuần tuổi thai.

Để dự phòng các biến chứng thai sản, giảm thiểu biến chứng do sinh non, ThS.BS Cao Thị Thúy Hà – bác sĩ khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, khuyến cáo, thai phụ cần tuân thủ lịch khám thai định kỳ. Với thai phụ mang đa thai, có nguy cơ cao hoặc có tiền căn sinh non thì càng cần thận trọng hơn, chú ý thăm khám đầy đủ theo lịch hẹn của bác sĩ.

Cụ thể, người có nguy cơ mắc tiền sản giật cần theo dõi chặt chẽ trong 3 tháng đầu. Ba tháng giữa cần tầm soát đái tháo đường. Trong ba tháng cuối cần thăm khám kỹ, chuẩn bị cho cuộc sinh, dự báo nguy cơ sinh non.





Xử lý biến chứng thai sản và nguy cơ sinh non nhờ phác đồ điều trị toàn diện. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Xử lý biến chứng thai sản và nguy cơ sinh non nhờ phác đồ điều trị toàn diện. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Thúy Hà thông tin thêm, có khoảng 10-20% trường hợp sinh non rơi vào đa thai, 10% có rau tiền đạo. Bên cạnh đó, các nguy cơ khác như nhiễm trùng ối, vỡ ối sớm, đa ối hay rau bong non cũng là nguyên nhân gây sinh non. Để xác định nguyên nhân dẫn đến sinh non, bác sĩ cần xem xét toàn diện, từ tiền sử bệnh lý sản phụ khoa, nguy cơ đến từ phía sản phụ, hoặc đến từ phía thai, phần phụ của thai, những nguyên nhân phối hợp.

Can thiệp xử trí sinh non

Theo ThS.BS Cao cấp Đinh Thị Hiền Lê – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, các kỹ thuật can thiệp xử trí nguy cơ sinh non thực hiện với mục tiêu hỗ trợ kéo dài thời gian thai nhi phát triển trong bụng mẹ, giúp trẻ có cơ hội sống, phát triển toàn diện sau khi ra đời.

Để thực hiện các kỹ thuật cao cấp như can thiệp y học bào thai, các bệnh viện phải đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về phòng mổ vô trùng tuyệt đối, phương tiện máy móc hiện đại. Kỹ thuật thực hiện bởi đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao. Việc thực hiện thành công các kỹ thuật phức tạp mang đến nhiều cơ hội sống cho thai nhi, hạn chế việc các gia đình phải di chuyển ra nước ngoài điều trị, tiết kiệm chi phí.

Bác sĩ Hiền Lê cho biết thêm, áp dụng phác đồ giờ vàng là một trong những phương pháp ít xâm lấn, mang lại hiệu quả tích cực trong chăm sóc trẻ sinh non. Ngay khi rời khỏi bụng mẹ, trẻ được ủ ấm với khăn bọc, đội nón, túi nhựa giữ nhiệt, chuyển ngay sang giường sưởi ấm đặt sát giường sinh.

Sinh non được xem là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm, có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, sinh mạng của mẹ, bé. Một em bé được sinh ra ở tuổi thai từ 22 tuần đến trước 37 tuần gọi là sinh non. Theo bác sĩ Hiền Lê, tại Việt Nam, tỷ lệ sinh non ngày càng tăng, với khoảng 100.000 – 110.000 trẻ sinh non ra đời mỗi năm. Nhiều trẻ sống sót phải đối mặt với nhiều nguy cơ, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe sau này như suy hô hấp, thiếu máu, nhiễm khuẩn…

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, các kỹ thuật như can thiệp điều trị truyền máu song thai được thực hiện thường quy, nhằm điều trị giảm thiểu nguy cơ sinh non. Sự phối hợp đa chuyên khoa cũng là một trong những thế mạnh giúp bệnh viện xử trí thành công các biến chứng thai sản, dự phòng nguy cơ sinh non. ThS.BS Nguyễn Thu Vân, Phó khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, với những em bé sinh non, khi chào đời cần hồi sức, cấp cứu ngay, phòng ngừa biến chứng cho bé. Tùy từng trường hợp, trẻ sơ sinh được gắn ống thở CPAP không xâm lấn giúp phổi không bị xẹp, hạn chế nhiễm trùng, suy hô hấp. Các xét nghiệm sàng lọc: dị tật bẩm sinh, bệnh lý, tim bẩm sinh… thực hiện bằng nhiều phương pháp chuyên sâu giúp chẩn đoán chính xác, can thiệp từ rất sớm, giảm tối đa nguy cơ tử vong, tăng cơ hội sống khỏe mạnh cho trẻ. Đơn vị có các chuyên khoa chăm sóc đặc biệt cho trẻ sinh non (NICU) với các thiết bị chuyên dụng, chuyên gia nhiều kinh nghiệm hỗ trợ cho sản phụ, em bé.

Lê Nguyễn

Phòng ngừa biến chứng thai sản, giảm nguy cơ sinh non - 1

Để giúp cho thai phụ có thêm hiểu biết về sinh non, chuẩn bị cho thai kỳ an toàn, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức chương trình Livestream với chủ đề “Biến chứng thai sản, nguy cơ sinh non – phát hiện chính xác để xử trí an toàn”. Chương trình có sự tham dự của đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực Sản khoa và Chăm sóc sơ sinh, bao gồm: ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê – Bác sĩ khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội; ThS.BS. Nguyễn Thu Vân – Phó khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội; ThS.BS. Cao Thị Thúy Hà – Bác sĩ khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.

Chương trình được phát sóng trực tiếp vào lúc 20h, ngày 22/4, trên Fanpage VnExpress, website Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (IVFTA) và nhiều kênh truyền thông khác.

Độc giả có thể gửi câu hỏi tại đây để các chuyên gia giải đáp.

Trả lời