Phòng ngừa rối loạn tiêu hóa ở trẻ dịp hè Leave a comment

Cơ thể mất nước, mệt mỏi, ăn uống không cân bằng, dung nạp thực phẩm nhiễm khuẩn do thời tiết nóng nực… khiến trẻ dễ mắc rối loạn tiêu hóa.

Buổi sáng, chị Lê Thị Hồng Mai (Bình Thạnh, TP HCM) đi chợ mua đồ tươi sống về nấu cháo cho con. Vừa để chén cháo trên bàn, con trai 3 tuổi đã đau bụng, lắc đầu, bỏ chạy không chịu ăn. Chị Mai nhìn con vừa giận vừa lo lắng. Tiếc công sức chuẩn bị bát cháo nhiều dinh dưỡng, chị Mai cố ép bé ăn từng thìa cháo, nhưng con ăn vào lại nôn ra, bé thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa. Hôm trước chị Mai cho con đi khám, bác sĩ chẩn đoán là bé có nguy cơ nhẹ cân.





Trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa trong mùa hè, có thể dẫn đến biếng ăn và suy dinh dưỡng. Ảnh: hutterstock

Trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa trong mùa hè, có thể dẫn đến biếng ăn và suy dinh dưỡng. Ảnh: Shutterstock

BS.CKI Phạm Đỗ Uyên – Bác sĩ Trưởng Nutrihome Hoàng Văn Thụ, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome cho biết, trẻ thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa, cơ thể sẽ mệt mỏi, không hấp thu đủ chất dinh dưỡng, gây cản trở quá trình phát triển về thể chất, trí tuệ. Đây cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng biếng ăn, suy dinh dưỡng ở bé khiến nhiều ba mẹ lo lắng.

Bệnh rối loạn tiêu hóa có thể gặp ở tất cả các độ tuổi, từ trẻ mới sinh đến người già. Đặc biệt thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi do hệ miễn dịch chưa trưởng thành, chưa đủ sức bảo vệ cơ thể trước những vi khuẩn có hại xâm nhập từ đường ăn uống, hô hấp.

Vào mùa hè, thời tiết nóng nực, nhiệt độ nóng ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus sinh sôi, nảy nở, thức ăn dễ bị ôi thiu, hỏng, nấm mốc… Mùa hè cũng là thời gian trẻ thường có nhiều hoạt động bên ngoài, ăn uống có thể không đảm bảo vệ sinh. Trong khi đó, thời tiết nóng bức khiến cơ thể bé ra mồ hôi nhiều, dễ mất nước, thiếu nước, sức đề kháng kém, mệt mỏi khiến hệ vi sinh vật đường ruột mất cân đối. Do đó, bé càng dễ có nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa.

Với trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, nếu chế độ ăn mùa hè của trẻ không cân bằng, hợp lý như giàu đường, đạm, mỡ, ít chất xơ, ít vitamin, khoáng chất; hoặc trẻ dùng kháng sinh hay một số loại thuốc trong thời gian dài gây loạn khuẩn đường ruột cũng có thể khiến trẻ bé bị rối loạn tiêu hóa. Đường tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện nên nếu phụ huynh cho trẻ ăn thiếu hợp lý sẽ làm cho thức ăn không tiêu hóa hoàn toàn, dẫn đến trẻ bị tiêu chảy, nôn, trớ, biếng ăn, táo bón.

Rối loạn tiêu hóa khiến trẻ hấp thu kém, suy dinh dưỡng, cơ thể sẽ hình thành cơ chế từ chối ăn để không phải nạp thêm thực phẩm. Rối loạn tiêu hóa nếu gây thiếu chất (đặc biệt là đạm, kẽm, sắt, các vitamin) sẽ gây biếng ăn ở trẻ, tạo thành vòng bệnh lý luẩn quẩn giữa rối loạn tiêu hóa – suy dinh dưỡng – biếng ăn – suy dinh dưỡng.

“Thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ làm giảm bài tiết men tiêu hóa, khiến thức ăn không được phân hủy hoàn toàn, lưu lại đường ruột lâu, gây ra rối loạn tiêu hóa. Ngược lại, rối loạn tiêu hóa cũng gây ảnh hưởng đến khả năng hấp thu chất dinh dưỡng, khoáng chất dẫn đến tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng tạo thành vòng luẩn quẩn nếu trẻ không khắc phục sớm”, bác sĩ Đỗ Uyên cho biết.

Đặc biệt, khi trẻ mắc phải các bệnh vặt như ho, cảm sốt, viêm mũi,… có nguy cơ chuyển biến nặng thành nhiễm trùng, viêm cấp tính hoặc viêm mạn tính đường hô hấp hoặc hệ tiêu hóa. Từ đó, bệnh gây suy giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng, đồng thời làm giảm cảm giác thèm ăn.

Trẻ thường hay bị rối loạn tiêu hóa, với biểu hiện đau bụng, sốt, đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, kiết lỵ, táo bón, đi cầu phân sống… Đây không phải bệnh nghiêm trọng nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của trẻ. Nếu phát hiện, điều trị chậm trễ, bé sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy từ nhẹ đến nặng như sụt cân, suy dinh dưỡng, biếng ăn, rối loạn điện giải, viêm ruột, hội chứng ruột kích thích…





Phụ huynh đưa trẻ đi khám dinh dưỡng tại Nutrihome. Ảnh: Nutrihome

Phụ huynh đưa trẻ đi khám dinh dưỡng tại Nutrihome. Ảnh: Nutrihome

Nâng cao sức khỏe hệ tiêu hóa cho trẻ trong mùa hè

BS.CKI Phạm Đỗ Uyên cho biết, để hạn chế trẻ bị rối loạn tiêu hóa trong mùa hè, phụ huynh nên cho trẻ ăn chín, uống sôi, không nên ăn thức ăn để lâu có nguy cơ nhiễm khuẩn, ôi thiu. Nếu cho bé ăn bên ngoài, cần sử dụng các loại thực phẩm đảm bảo vệ sinh. Cha mẹ hạn chế ăn thức ăn đường phố không đảm bảo an toàn. Nếu trẻ hoạt động nhiều, cần uống đủ nước, nghỉ ngơi phù hợp, tránh quá sức gây mệt mỏi, đề kháng kém, loạn khuẩn đường ruột. Mẹ giữ vệ sinh thân thể, môi trường sống sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với thực phẩm, môi trường bẩn…

Phụ huynh cho trẻ ăn cân đối các nhóm dưỡng chất gồm đạm, tinh bột, chất béo, vitamin, khoáng chất. Cha mẹ lưu ý bổ sung các vitamin, khoáng chất để giúp trẻ nâng cao sức đề kháng chống lại tác nhân sinh vật gây nên chứng rối loạn tiêu hóa. Đặc biệt, sữa rất tốt cho sức khỏe nhưng nếu trẻ đang bị rối loạn tiêu hóa thì nên hạn chế dùng hoặc kiêng hẳn cho đến khi sức khỏe trẻ bình thường. Bé cũng nên hạn chế sử dụng những món ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ, nước ngọt có gas…

Ngoài ra, phụ huynh cũng cần cho trẻ ăn những món mà bé thích, chế biến thức ăn lỏng, mềm hơn để dễ tiêu hóa. Người lớn không nên đặt nặng tâm lý, ép trẻ ăn quá nhiều làm trẻ sợ ăn, chán ăn.

Bác sĩ Đỗ Uyên cho biết thêm, phụ huynh cần cho trẻ đi khám bác sĩ ngay khi thấy có những dấu hiệu bất thường về đường tiêu hóa. Khi đó, bác sĩ có thể sẽ chỉ định cho trẻ bổ sung thêm nước, chất điện giải, các men tiêu hóa, men vi sinh, các vi chất cần thiết để nâng cao sức đề kháng cho hệ đường ruột của trẻ. Bác sĩ có thể cho bé dùng một số thuốc nếu cần, tư vấn chế độ ăn phù hợp.

Bảo Anh

Trả lời